Tin mới nhất

MỘT SỐ KINH NGHIỆM VỀ PHƯƠNG PHÁP NẮM TÌNH HÌNH VÀ XÂY DỰNG BÁO CÁO CỦA CÁN BỘ ĐƯỢC PHÂN CÔNG THEO DÕI ĐỊA BÀN, KHU VỰC, GẮN VỚI THỰC HIỆN CHỨC TRÁCH GIÁM SÁT THƯỜNG XUYÊN

  • /
  • 26.6.2013 - 9:38

(Bài viết chuyên đề lĩnh vực công tác kiểm tra, giám sát)

1- Yêu cầu chung

- Phòng nghiệp vụ căn cứ chức năng, nhiệm vụ và thực lực cán bộ để có kế hoạch phân công cán bộ theo dõi địa bàn, khu vực phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ của Phòng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

- Cán bộ được phân công theo dõi địa bàn, khu vực là người chịu trách nhiệm trước lãnh đạo cơ quan về việc nắm thông tin từ cơ sở (Đảng bộ trực thuộc), tham mưu giúp Lãnh đạo xử lý và chỉ đạo giải quyết các vụ việc từ thông tin đã thu thập được có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan mình.

- Khi thực hiện nhiệm vụ nắm tình hình, cán bộ được phân công theo dõi địa bàn, khu vực không được làm trái các nguyên tắc, quy định của Đảng; thường xuyên và kịp thời phản ánh những vướng mắc (nếu có) cho Lãnh đạo cơ quan.

2- Một số kinh nghiệm về phương pháp nắm tình hình

2.1- Xác định đối tượng cần nắm tình hình:

Việc xác định đối tượng cần nắm tình hình nhằm bảo đảm thông tin có trọng tâm, mặt khác cán bộ được phân công theo dõi địa bàn không thể và không đủ điều kiện để nắm hết được. Vì vậy đối tượng cần nắm tình hình chủ yếu như sau:

            - Đối với tập thể:

+ Thường trực, Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Đảng bộ trực thuộc.

+ Các Ban đảng và Văn phòng cấp uỷ trực thuộc tỉnh.

+ Thường trực HĐND và UBND huyện, thị, thành phố hoặc tập thể lãnh đạo các đơn vị LLVT.

+ Ban Thường trực UBMTTQVN (đối với các địa phương), Ban Thường vụ các tổ chức đoàn thể, Hội quần chúng của các địa phương, đơn vị trực thuộc.

            - Đối với cá nhân:

+ Các chức danh và cán bộ quy hoạch cho các chức danh cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và diện Ban Thường vụ cấp uỷ trực thuộc tỉnh quản lý.

+ Cán bộ công tác tại các Ban đảng và Văn phòng cấp uỷ trực thuộc tỉnh.

2.2- Phương pháp nắm tình hình:

            - Đối chiếu các quy định mới nhất của Đảng và Nhà nước để kiểm chứng việc thực hiện của địa phương, đơn vị, cá nhân.

            - Tìm hiểu tình hình qua các kênh thông tin có liên quan như: tổng hợp các báo cáo, qua dự các hội nghị, qua các cơ quan nội chính, mặt trận, đoàn thể, các ban xây dựng Đảng,…, các phương tiện thông tin đại chúng.

            - Tạo mối quan hệ rộng ở địa phương, trong ngành; cần xây dựng mối quan hệ thân thiết với một số đồng chí để tìm hiểu và kiểm chứng thông tin.

- Những thông tin sự việc có tính chất nghiêm trọng, nổi cộm, có dấu hiệu vi phạm kỷ luật thì cần mở rộng việc thu thập thông tin để kiểm chứng kỹ hơn. Thông thường, đối với cán bộ, đảng viên có dấu hiệu vi phạm kỷ luật thì việc kiểm chứng thông tin cần chú ý những yếu tố sau:

+ Mối quan hệ của đảng viên có dấu hiệu vi phạm với vợ (chồng), con và người thân có liên quan nội dung về dấu hiệu vi phạm; mối quan hệ làm ăn và hợp tác kinh tế với các doanh nghiệp; mối quan hệ đặc biệt thân cận với cán bộ cấp dưới mà cán bộ đó cũng có dấu hiệu vi phạm hoặc đã vi phạm, bị xử lý, v.v..

+ Dấu hiệu vi phạm có liên quan đến những công việc có tính nhạy cảm như: các chương trình dự án, cấp phép khai thác tài nguyên, cấp tiền, vốn mua sắm, thu thuế, điều động, bổ nhiệm, kỷ luật cán bộ, v.v..

+ Dấu hiệu vi phạm có liên quan đến thời điểm nhạy cảm như: cán bộ nắm bắt trước các chủ trương, chính sách mới, nên đã tranh thủ cơ hội để tư lợi, thậm chí dùng thủ đoạn để làm lợi cho bản thân, gia đình, dòng họ, gây thiệt hại tổ chức, cá nhân khác.

+ Dấu hiệu vi phạm có liên quan đến hành vi vi phạm của một hoặc một số cán bộ, đảng viên khác, ví dụ như bị khống chế, bị hăm doạ v.v..

+ Trong một số trường hợp, có thể dấu hiệu vi phạm do tư tưởng “chợ chiều”, gần nghỉ hưu hoặc chuyển công tác thì buông lỏng trách nhiệm, bỏ bê công việc, chi tiêu lãng phí; tư tưởng “anh cả” dẫn đến độc đoán; tư tưởng “địa vị” dẫn đến mất dân chủ; v.v..

- v.v..

3- Những nội dung cơ bản khi xây dựng báo cáo kết quả nắm tình hình:

Sau khi nắm thông tin, người cán bộ được phân công theo dõi địa bàn, khu vực phải xây dựng báo cáo để trình lãnh đạo.

Về bố cục, nội dung báo cáo kết quả nắm tình hình địa bàn, khu vực cũng tuân thủ theo kết cấu chung của một bản báo cáo, đó là nêu khái quát đặc điểm tình hình, đến nội dung chính của báo cáo và sau cùng là đề xuất kiến nghị. Cụ thể xin giới thiệu tham khảo Đề cương báo cáo dùng cho cán bộ được phân công theo dõi địa bàn, khu vực như sau:

-  -  -  -  -  -  -  -  -  -  -  -  -  -  -  -  -  -  -  -  -  -  -  -  -  -  -  -  -  -  -  -

ĐỀ CƯƠNG

báo cáo kết quả nắm tình hình quý …/…

của Đảng bộ ……………………..

-  -  -  -  - -  -

1- Một số nét khái quát về đặc điểm của Đảng bộ

1.1- Về kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng.

- Các đặc điểm tự nhiên (diện tích, dân số, địa hình, thời tiết; dân tộc, tôn giáo,…) ?

- Cơ cấu kinh tế được Đảng bộ địa phương xác định ?

 chỉ đạo tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội ?

- Đời sống nhân dân ?

- v.v..

1.2- Về công tác xây dựng Đảng.

- Tổng số tổ chức đảng, đảng viên, cấp uỷ viên từng cấp ?

- Các văn bản của cấp uỷ trực thuộc đã ban hành trong Quý ?

- Biến động về cán bộ (đề bạt, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, kỷ luật,…) ?

- Tình hình vụ việc tiêu cực, nổi cộm (nếu có) ?

- v.v..

Lưu ý: Khi nắm tình hình đối với các Đảng bộ khối trực thuộc, chỉ nắm thông tin theo điểm 1.2

2- Tình hình trong quý …/2013

Lưu ý: Trong việc nắm thông tin và báo cáo tình hình, cần nêu đầy đủ cả mặt tích cực, ưu điểm qua những kết quả đạt được, đồng thời nêu những tồn tại, yếu kém, hạn chế nổi lên và việc đề ra chủ trương, giải pháp khắc phục của cấp uỷ; chú trọng phản ánh chi tiết, đầy đủ thông tin về tiêu cực của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và đảng viên (nếu có).

Yêu cầu của bản báo cáo là phải phản ánh đầy đủ, trung thực những thông tin nắm được, không suy luận chủ quan; thông thường cần tập trung vào những nội dung chính sau đây:

2.1- Đối với tổ chức đảng và đảng viên.

- Việc duy trì chế độ sinh hoạt cấp uỷ các cấp, sinh hoạt chi bộ ?

- Tinh thần, thái độ của cấp uỷ viên, đảng viên trong sinh hoạt ?

- Tinh thần đoàn kết nội bộ, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc ?

- Tính gương mẫu trong sinh hoạt, đạo đức, lối sống, trong các mối quan hệ và ý thức chấp hành kỷ cương, kỷ luật đảng của cán bộ chủ chốt; có tình trạng bè phái, thiếu khách quan, công tâm hoặc quan liêu hay không ? (nếu có thì phải dẫn chứng bằng những thông tin nắm được).

- Sự quan tâm lãnh đạo sâu sát các lĩnh vực công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng nói riêng; việc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát; xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm có bảo đảm đúng phương hướng, phương châm hay không ?

- Sự quan tâm của cấp uỷ tạo điều kiện cho Uỷ ban kiểm tra của cấp uỷ hoạt động ?

- Việc chấp hành Quy định số 47-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm ?

- Việc chấp hành Chỉ thị số 27-CT/TU, ngày 01/10/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về nâng cao trách nhiệm và chấn chỉnh tác phong, giờ giấc làm việc, ý thức chấp hành của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh; chấp hành Chỉ thị số 30-CT/TU, ngày 08/01/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sinh hoạt, công tác ?

- v.v..

2.2- Đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị ở địa phương hoặc tổ chức đoàn thể thuộc Đảng bộ khối.

- Hoạt động của các cấp chính quyền ở địa phương, đơn vị (chú ý nắm và phản ánh các mặt như: phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, phong trào bảo vệ an ninh, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở,…) ?

- Hoạt động của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt nam và vai trò của Mặt trận đối với tình hình tôn giáo, dân tộc,… ở địa phương ?  (Đảng bộ khối không có nội dung này)

- Hoạt động các tổ chức đoàn thể, hội quần chúng ở địa phương, đơn vị ?

- v.v..

2.3- Những vấn đề có liên quan khác.

- Tình hình an ninh nông thôn có gì đáng quan tâm ?

- Tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo ?

- Dư luận trong quần chúng nhân dân về tình tiêu cực của cán bộ, đảng viên ?

- v.v..

3- Nhận xét chung và kiến nghị, đề xuất

3.1- Nhận xét chung:

Nêu những nét chung nhất qua kết quả nắm tình hình và những vấn đề nổi lên đáng quan tâm (nếu có).

3.2- Kiến nghị, đề xuất:

Nêu kiến nghị, đề xuất với lãnh đạo cơ quan về việc xử lý những thông tin nắm được tại địa bàn, khu vực mình được phân công theo dõi.

-  -  -  -  -  -  -  -  -  -  -  -  -  -  -  -  -  -  -  -  -  -  -  -  -  -  -  -  -  -  -  -

4- Kết luận

Với hai chuyên mục nêu trên (Một số kinh nghiệm về phương pháp nắm tình hình và Những nội dung cơ bản khi xây dựng báo cáo kết quả nắm tình hình) mong rằng sẽ góp phần phục vụ tốt hơn yêu cầu công tác của cán bộ Uỷ ban kiểm tra được phân công theo dõi địa bàn, khu vực và cũng nhằm phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo cơ quan./-

                                                                                               

                                                                                                Tiến Dũng

 


  • |
  • 1711
  • |

Các tin khác