Tin mới nhất

Việc giải quyết tố cáo tổ chức đảng, đảng viên giai đoạn 2006 - 2013 của Đảng bộ tỉnh Bình Thuận, thực trạng và giải pháp

          Công tác giải quyết đơn thư tố cáo đối với tổ chức đảng, đảng viên được xem là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cấp uỷ, tổ chức đảng nhằm làm trong sạch Đảng, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực, vai trò, sức chiến đấu của Đảng. Thời gian qua, công tác giải quyết đơn thư tố cáo của công dân, đảng viên đã được cấp ủy các cấp thường xuyên quan tâm lãnh đạo thực hiện. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo việc giải quyết tố cáo của công dân. Để giải quyết tố cáo đạt hiệu quả, cấp uỷ các cấp đã xây dựng quy trình giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền, đảm bảo việc giải quyết tố cáo thống nhất ở các cấp đúng theo quy định. 

          Trong 8 năm (2006 - 2013) cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp trong tỉnh đã giải quyết xong 06/06 đơn tố cáo tổ chức đảng. Kết quả giải quyết có 03 đơn chưa có cơ sở kết luận sai phạm; 02 đơn tố sai; 01 đơn tố đúng và đúng một phần. Đã kết luận 01 Đảng uỷ cơ sở vi phạm về trách nhiệm lãnh đạo ở địa phương và bao che cán bộ, đảng viên nhưng chưa đến mức phải thi hành kỷ luật, đã được kiểm điểm rút kinh nghiệm nghiêm túc.

          Cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp trong tỉnh đã giải quyết xong và kết luận 567/585 đảng viên bị tố cáo (đạt tỷ lệ 97%). Kết quả chưa có cơ sở kết luận sai phạm 110 đảng viên; tố sai 116 đảng viên; tố đúng và đúng một phần 341 đảng viên, trong đó 226 đảng viên có vi phạm, chiếm tỷ lệ 40% (226/567 đảng viên). Trong số 226 đảng viên bị tố cáo có vi phạm đã kết luận có 118 đảng viên chưa đến mức phải thi hành kỷ luật, đã được kiểm điểm rút kinh nghiệm nghiêm túc, chiếm tỷ lệ 52,2% và 108 đảng viên đã bị thi hành kỷ luật, chiếm tỷ lệ 47,8%. Trong đó, cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra Tỉnh uỷ kỷ luật 02 đảng viên; cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra huyện uỷ và tương đương kỷ luật 70 đảng viên và cấp uỷ cơ sở kỷ luật 36 đảng viên. Với các hình thức Khiển trách 41 đảng viên; Cảnh cáo 51 đảng viên; Cách chức 10 đảng viên và Khai trừ 6 đảng viên. Trong đó, 02 đảng viên vi phạm việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ; 46 đảng viên vi phạm về việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; 02 đảng viên vi phạm về giữ gìn đoàn kết nội bộ; 08 đảng viên vi phạm những điều đảng viên không được làm; 14 đảng viên cố ý làm trái, tham nhũng; 16 đảng viên thiếu trách nhiệm, buông lõng lãnh đạo; 13 đảng viên vi phạm trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên, khoáng sản; 04 đảng viên vi phạm lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng cơ bản và 09 đảng viên vi phạm khác. Đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật có 06 Huyện uỷ viên và tương đương; 28 Đảng uỷ viên và 10 chi uỷ viên. Đảng viên bị kỷ luật thuộc cấp tỉnh quản lý 01; cấp huyện và tương đương quản lý 47; cấp cơ sở quản lý 60. Trong đó, công tác trong tổ chức đảng 21; tổ chức nhà nước 48; Mặt trận tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội 11; lực lượng vũ trang 12; doanh nghiệp 4 và công tác trong lĩnh vực khác 12 đảng viên.

          Sau khi giải quyết tố cáo xong, cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp trong tỉnh đã ban hành văn bản hoặc trực tiếp trả lời cho người tố cáo.

          Nhìn chung, công tác giải quyết đơn thư tố cáo tổ chức đảng, đảng viên đã được cấp uỷ quan tâm lãnh đạo thực hiện, uỷ ban kiểm tra các cấp chủ động, kịp thời xem xét, giải quyết, số vụ giải quyết đúng thời gian quy định đạt tỷ lệ khá cao 96% (545/568 đơn). Thường trực Tỉnh uỷ, đặc biệt là đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ nhiều vụ việc đã trực tiếp gặp gỡ người tố cáo để trao đổi, trực tiếp chỉ đạo các tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, giải quyết một cách quyết liệt; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc xem xét, giải quyết đơn thư tố cáo của các cấp có thẩm quyền. Sự phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết tố cáo ngày càng chặt chẽ; quá trình giải quyết tố cáo cơ bản đảm bảo được nguyên tắc, thủ tục, quy trình, từ đó chất lượng giải quyết tố cáo từng bước được nâng lên. Qua kết quả giải quyết tố cáo đã làm rõ nội dung việc công dân, đảng viên báo cho tổ chức đảng những hạn chế, thiếu sót của tổ chức đảng, đảng viên, đồng thời minh oan cho những trường hợp bị tố cáo không đúng sự thật, không có chứng cứ; có tác dụng giáo dục cán bộ, đảng viên và củng cố, nâng cao lòng tin của nhân dân đối với Đảng; thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng. Đồng thời, giúp cho tổ chức, cá nhân bị tố cáo thấy được thiếu sót, khuyết điểm hoặc vi phạm và có biện pháp sửa chữa, khắc phục, phấn đấu vươn lên; giúp tổ chức đảng đánh giá đúng tình hình, có biện pháp giúp đỡ, bồi dưỡng, rèn luyện và bố trí, sắp xếp, sử dụng phù hợp với năng lực trình độ của cán bộ, đảng viên, từ đó điều chỉnh, chấn chỉnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý cho phù hợp. Những trường hợp qua giải quyết tố cáo phải xử lý kỷ luật đã kết luận rõ nội dung, mức độ, tính chất, tác hại, nguyên nhân vi phạm và xử lý theo đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc, thủ tục thi hành kỷ luật trong Đảng. Qua giải quyết tố cáo đã thu hồi được một số tài chính, tài sản bị chiếm dụng, góp phần đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.

          Việc giải quyết tố cáo của cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp đạt được những kết quả trên là do nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, đảng viên về công tác giải quyết đơn thư tố cáo tổ chức đảng, đảng viên được nâng lên rõ rệt; phần lớn các cấp uỷ, tổ chức đảng đã xác định việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải quyết tố cáo là một trong những nhiệm vụ chính trị thường xuyên của mình; quá trình giải quyết đã bám và thực hiện tốt quy chế, nội bộ thống nhất cao từ chủ trương đến tổ chức thực hiện. Công tác kiểm tra, giám sát việc giải quyết tố cáo được tăng cường. Đội ngũ cán bộ thực hiện việc giải quyết đơn thư tố cáo tuy chưa đủ mạnh, chưa đủ số lượng để đáp ứng mọi yêu cầu đề ra song ưu điểm cơ bản để đạt được những kết quả trên là tinh thần trách nhiệm cao của mỗi cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ, biết khắc phục những khó khăn, trở ngại cả về mặt tinh thần lẫn đời sống vật chất, phấn đấu đem hết khả năng để hoàn thành nhiệm vụ; năng động và nhạy bén khi tiếp cận để phát hiện, nắm bắt và phân tích những dấu hiệu, hành vi vi phạm, biết vận dụng phương pháp nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng để phục vụ cho việc kết luận nhanh chóng, chính xác.

          Tuy nhiên, việc giải quyết tố cáo tổ chức đảng, đảng viên của một số cấp uỷ, tổ chức đảng và uỷ ban kiểm tra các cấp còn hạn chế, nhất là giải quyết tố cáo đối với cán bộ lãnh đạo quản lý hoặc cấp uỷ viên, người đứng đầu còn có biểu hiện nể nang, né tránh, đùn đẩy giữa các cơ quan có trách nhiệm giải quyết tố cáo; công tác nắm tình hình và giải quyết dứt điểm vụ việc từ cơ sở còn hạn chế. Ở một số nơi, sự phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng trong giải quyết tố cáo chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ, thống nhất; việc thẩm tra, xác minh có lúc chưa chặt chẽ, chưa kịp thời; một số trường hợp giải quyết chậm, làm hạn chế hiệu quả giải quyết tố cáo, gây bức xúc cho người tố cáo. Một số tổ chức cơ sở đảng đấu tranh phê bình, tự phê bình chưa mạnh, còn có biểu hiện ngại đụng chạm, cá biệt còn có biểu hiện bao che, gây không ít khó khăn cho việc xem xét, kết luận vụ việc.

          Nguyên nhân của những hạn chế trên là do tình hình vi phạm của cán bộ, đảng viên ngày càng tăng với tính chất vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp, mặt khác, việc giải quyết đơn thư tố cáo, nhất là khâu thẩm tra, xác minh đòi hỏi sự nhạy bén nghề nghiệp và nhận thức sự việc kịp thời. Trong khi đó đội ngũ cán bộ làm công tác giải quyết đơn thư tố cáo các cấp tuy có nhiều cố gắng nhưng trên một số mặt chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và chất lượng, mặt khác, những chuyển biến đa dạng, phong phú trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội trong khi thực lực cán bộ chuyển biến, nhận thức, tiếp cận còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết tố cáo còn hạn chế nên việc xem xét giải quyết, kết luận đơn thư tố cáo càng khó khăn, phức tạp hơn. Chế độ cán bộ kiểm tra ở cơ sở chưa thoả đáng cũng làm cho cán bộ chưa thật sự yên tâm công tác.

          Để khắc phục hạn chế, tồn tại nêu trên, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết tố cáo trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

          - Các cấp uỷ cần nêu cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên thuộc cấp mình và tổ chức giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền, tập trung vào những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở địa phương, đơn vị. Chủ động chỉ đạo nắm tình hình tố cáo để có biện pháp xử lý kiên quyết, dứt điểm, không để tình trạng tố cáo vượt cấp, kéo dài, đặc biệt là tố cáo đông người. Kiên quyết xử lý những trường hợp tố cáo có dụng ý xấu, lợi dụng tố cáo để gây phức tạp về an ninh trận tự… Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về giải quyết tố cáo trong Đảng.

          - Uỷ ban kiểm tra các cấp, một mặt, chủ động tham mưu, giúp cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt việc giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền của cấp uỷ; mặt khác, nâng cao chất lượng giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền của uỷ ban kiểm tra, tập trung vào những vụ việc tố cáo còn kéo dài, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận; những tố cáo đối với cán bộ diện quy hoạch bổ nhiệm, luân chuyển, diện nhân sự bầu cấp uỷ các cấp nhiệm kỳ tới.

          - Trong phối hợp giải quyết tố cáo, nêu cao trách nhiệm trong tiếp nhận, phân loại, chuyển đơn thư tố cáo thuộc thẩm quyền của các cơ quan có chức năng giải quyết bảo đảm kịp thời, chính xác; khắc phục tình trạng chuyển đơn thư không đúng, lòng vòng. Có thái độ đúng đắn với người tố cáo, động viên, giải thích cho họ hiểu về trách nhiệm và quyền của mình để phối hợp giải quyết tố cáo đạt kết quả. Làm tốt công tác tư tưởng để đối tượng bị tố cáo không bức xúc, không phản ứng, nêu cao ý thức tự phê bình, chủ động công tác, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết tố cáo.

           - Nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, bản lĩnh, tính chiến đấu, kỹ năng nghiệp vụ, chú trọng công tác thẩm tra, xác minh để làm rõ đúng, sai, kết luận chính xác có hay không có vi phạm của đối tượng bị tố cáo để xử lý nghiêm minh hoặc minh oan cho những người bị tố cáo oan, sai. Cán bộ làm công tác giải quyết tố cáo cần có thái độ đúng mực trong quan hệ, ứng xử với người tố cáo, người bị tố cáo để tránh việc hiểu lầm, ảnh hưởng đến quá trình giải quyết.

          - Tăng cường tuyên truyền đối với cơ sở, nhất là những vấn đề nhạy cảm liên quan đến quyền lợi thiết thực của người dân; quản lý, giáo dục, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên thực hiện tốt các quy định của Đảng nhất là quy định về những điều đảng viên không được làm để chấp hành tốt các quy định về tố cáo trong Đảng, không tố cáo giấu tên, mạo tên, có dụng ý xấu, gây mất đoàn kết nội bộ.


Các tin khác

News_TinMoiNhat