Tin mới nhất

CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT VÀ KỶ LUẬT ĐẢNG QUA 30 NĂM ĐỔI MỚI (1984-2014)

          Trải qua các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, Điều lệ Đảng luôn xác định kiểm tra, giám sát là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng, là nhiệm vụ thường xuyên của toàn Đảng và có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng. Nhận thức rõ điều đó, cấp ủy các cấp trong tỉnh thời gian qua đã từng bước tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khoá X) về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, cấp ủy và tổ chức đảng các cấp trong tỉnh nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò, ý nghĩa tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát; xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phải tập trung lãnh đạo thường xuyên, nhằm thực hiện thắng lợi nghị quyết, chủ trương của Đảng và nhiệm vụ chính trị của địa phương. 

          1- Đối với cấp ủy, tổ chức đảng:

          1.1- Lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát:

          Từ khi có Chỉ thị 29-CT/TW, đặc biệt là sau khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy các cấp trong tỉnh đã có sự chuyển biến rõ nét kể cả về nhận thức và lãnh đạo tổ chức thực hiện, khắc phục được những bất cập, yếu kém trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát.

          Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã tổ chức học tập quán triệt cho cán bộ chủ chốt trong toàn tỉnh về Điều lệ Đảng, các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư cụ thể hóa một số điểm thi hành Điều lệ Đảng, các hướng dẫn của Uỷ ban kiểm tra Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng qua các kỳ Đại hội Đảng. Cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc xây dựng kế hoạch, tổ chức quán triệt cho cán bộ, đảng viên ở địa phương, đơn vị mình. Ban Thường vụ cấp ủy, các tổ chức đảng đã ban hành nhiều chỉ thị, hướng dẫn về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng năm và một số kế hoạch kiểm tra, giám sát chuyên đề ở từng thời điểm, ở lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, những vấn đề bức xúc của xã hội mà dư luận quan tâm.

          Sau mỗi nhiệm kỳ đại hội, cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đã kịp thời ban hành quy chế làm việc của cấp ủy và quy chế làm việc của Uỷ ban kiểm tra cùng cấp, quy chế phối hợp giữa Uỷ ban kiểm tra với các ngành bảo vệ pháp luật; xác định rõ vai trò của cấp ủy đối với công tác kiểm tra, giám sát; quy định chức năng nhiệm vụ của Uỷ ban kiểm tra, mối quan hệ với các ban, ngành và các tổ chức có liên quan trong việc triển khai thực hiện công tác kiểm tra, giám sát.

          Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, cấp ủy các cấp trong tỉnh thường xuyên chỉ đạo và kiểm tra đôn đốc nhắc nhở cấp ủy cấp dưới thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh phong trào thi đua hoàn thành nhiệm vụ chính trị; kịp thời sơ, tổng kết hoạt động công tác kiểm tra, giám sát theo định kỳ quý, 6 tháng, 9 tháng, năm; tổng kết phong trào thi đua hàng năm; tổ chức sơ, tổng kết theo từng chuyên đề của công tác kiểm tra, giám sát theo sự chỉ đạo của cấp trên. Trong quá trình lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát cấp ủy các cấp trong tỉnh thường xuyên duy trì chế độ giao ban định kỳ để nghe ủy ban kiểm tra cấp mình báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng và nhiệm vụ cấp uỷ giao để cho ý kiến chỉ đạo kịp thời.

          Cấp ủy các cấp trong tỉnh thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng công tác quy hoạch, xây dựng tổ chức bộ máy, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát của từng địa phương, đơn vị.

          1.2- Về xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát trong từng thời gian của cấp ủy.

          Từ khi có Chỉ thị 29 của Bộ Chính trị đến nay, mỗi năm Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đều xây dựng chương trình công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, đồng thời chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc xây dựng kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát năm và cụ thể hóa thành các kế hoạch theo từng thời gian để tổ chức thực hiện. Nhìn chung những nhiệm vụ đã được xác định trong kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng năm và trong từng thời kỳ của cấp ủy các cấp đã được tiến hành chu đáo, đạt chất lượng, hiệu quả; một số kế hoạch kiểm tra, giám sát theo sự chỉ đạo của cấp trên cũng được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo cấp ủy các cấp tổ chức thực hiện tốt, đảm bảo thời gian và chất lượng.

          1.3- Kết quả tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy các cấp:

          Trong những năm qua cấp ủy các cấp trong tỉnh đã tăng cường chỉ đạo và tiến hành công tác kiểm tra, giám sát. Các cuộc kiểm tra, giám sát được thực hiện ngày càng nhiều hơn, chú trọng các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực và đặc biệt là tập trung kiểm tra, giám sát đối với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các cấp, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương, cơ quan, đơn vị. Cấp ủy các cấp xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, xác định mục đích, yêu cầu, nội dung, đối tượng, thời gian, thành phần kiểm tra, quyết định thành lập đoàn (tổ) kiểm tra, do đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ làm trưởng đoàn. Ở cấp tỉnh, các cuộc kiểm tra, giám sát đều do Thường trực Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo. Có đoàn do đồng chí Bí thư hoặc Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn, các thành viên trong đoàn được huy động từ HĐND, UBND tỉnh, công an, quân sự, các Ban của Tỉnh ủy, các tổ chức đoàn thể, mặt trận và các sở ngành có liên quan.

          Hầu hết các cuộc kiểm tra, giám sát được tiến hành đồng thời nhiều nội dung, nhiều đối tượng. Có cuộc kiểm tra tuy thành lập nhiều đoàn kiểm tra, nhưng chỉ tập trung vào một nội dung, một lĩnh vực như công tác kiểm tra thu ngân sách; có những cuộc kiểm tra được thành lập nhiều đoàn, kiểm tra nhiều nội dung, nhiều lĩnh vực như kiểm tra tình hình quản lý sử dụng đất đai, xây dựng cơ bản, tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; kiểm tra việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và chuyển đổi hợp tác xã nông nghiệp; kiểm tra việc triển khai thực hiện, cuộc vận động động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới, nếp sống văn hóa” ở khu dân cư, việc xây dựng thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; công tác tư pháp; công tác phổ cập giáo dục các cấp học; công tác xóa đói giảm nghèo ở các xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số; việc triển khai thực hiện các kết luận của Tỉnh ủy; việc thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy, thực hiện nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng; học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; việc tổ chức thực hiện và khắc phục hạn chế khuyết điểm sau kiểm điểm phê bình và tự phê bình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; việc thực hiện các chương trình kinh tế-xã hội; thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, Trung ương 9 (khóa X) và Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 01/10/2012 về nâng cao trách nhiệm và chấn chỉnh tác phong, giờ giấc làm việc, ý thức chấp hành của cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh, Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 08/01/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sinh hoạt, công tác và công tác phòng, chống tham nhũng.

          Sau kiểm tra, các đoàn tổng hợp báo cáo kết quả cho Thường vụ cấp ủy. đồng thời tổng hợp báo cáo kết quả lên cấp ủy cấp trên; có những cuộc kiểm tra được cấp ủy tổ chức hội nghị để nghe các đoàn (tổ) kiểm tra báo cáo, rút kinh nghiệm chung cho toàn Đảng bộ. Sau kiểm tra, Cấp ủy cấp trên tổ chức phúc tra việc thực hiện kết luận của đơn vị được kiểm tra, giám sát.

          2- Đối với ủy ban kiểm tra các cấp

          Thực hiện tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhất là từ sau khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X), công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ tỉnh đã đi vào nền nếp. Vào đầu nhiệm kỳ, ủy ban kiểm tra các cấp đã chủ động phối hợp với các ban và văn phòng cấp ủy tham mưu cho cấp ủy xây dựng và ban hành chương trình công tác kiểm tra, giám sát toàn khóa phù hợp với tình hình địa phương, đơn vị mình.

          Căn cứ chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa của cấp ủy và chương trình công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên, hàng năm, ủy ban kiểm tra các cấp đã tham mưu cho cấp ủy cấp mình xây dựng và ban hành chương trình công tác kiểm tra, giám sát theo Điều 30, Điều lệ Đảng. Trong từng năm, ủy ban kiểm tra các cấp đã tham mưu hoặc phối hợp tham mưu xây dựng kế hoạch và tiến hành các cuộc kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên. Trong đó, đã tập trung tham mưu giúp cấp ủy các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục các khuyết điểm, yếu kém đã được kết luận qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng đảng hiện nay”, đồng thời có chú trọng những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực; đã tăng cường kiểm tra, giám sát người đứng đầu.

          Ngoài việc thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy về công tác kiểm tra, giám sát, ủy ban kiểm tra các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ cụ thể do Điều lệ Đảng quy định; triển khai toàn diện các nhiệm vụ theo hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát để triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của cấp mình, nội dung kiểm tra, giám sát bám sát yêu cầu công tác xây dựng Đảng và nhiệm vụ của từng cấp ủy, tổ chức đảng. Một số nơi thực hiện tốt công tác kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; việc giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, kiểm tra tài chính cấp uỷ cùng cấp từng bước được quan tâm; công tác giám sát ngày càng được tăng cường, mở rộng và có chuyển biến tích cực, góp phần cảnh báo, ngăn ngừa sai phạm; việc thi hành kỷ luật được kịp thời, cơ bản đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc, thủ tục. Công tác thi hành kỷ luật và tham mưu cấp ủy xử lý kỷ luật đối với tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm bảo đảm khách quan, nghiêm minh, tạo sự đồng thuận, tin tưởng của tổ chức Đảng, đảng viên và nhân dân. Nhiều vụ tiêu cực, tham nhũng đã được phát hiện, xử lý và kiến nghị thu hồi tài chính, tài sản bị thất thoát, góp phần giữ gìn kỷ cương, kỷ luật của Đảng.

          Uỷ ban kiểm tra các cấp trong tỉnh đã luôn bám sát sự lãnh đạo của cấp uỷ, chỉ đạo và hướng dẫn của Uỷ ban kiểm tra Trung ương, tiến hành công tác kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm có trọng tâm, trọng điểm, có phương pháp chọn lọc thông tin, khảo sát nắm chắc tình hình, triển khai thận trọng, nhưng kiên quyết, qua đó số tổ chức đảng và đảng viên được kiểm tra hàng năm có vi phạm thường chiếm tỉ lệ cao, khoảng 80% trong số được kiểm tra, có năm số đảng viên vi phạm lên trên 90%.

          Việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát trong thời gian qua đã giúp cho các cấp ủy đánh giá đầy đủ, chính xác hơn kết quả triển khai, tổ chức thực hiện các nghị quyết, các chủ trương, chính sách của tổ chức đảng cấp dưới, của BCS đảng, ban ngành trong tỉnh, đặc biệt thông qua công tác này đã giúp cấp ủy nhận thức rõ hơn vai trò, tầm quan trọng công tác kiểm tra, giám sát trong hoạt động lãnh đạo ở mỗi cấp ủy mà điều 30, Điều lệ Đảng đã quy định./.


Các tin khác