Tin mới nhất

MỘT SỐ VẤN ĐỀ NỔI LÊN QUA KIỂM TRA VIỆC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KIỂM TRA, GIÁM SÁT ĐỐI VỚI BAN THƯỜNG VỤ CẤP ỦY TRỰC THUỘC TỈNH

           Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng, bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng; do dó, công tác kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ trọng tậm, thường xuyên của ủy ban kiểm tra các cấp, được quy định tại Điều 32, Điều lệ Đảng; thực hiện nhiệm vụ đó, hàng năm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy đều tiến hành kiểm tra từ 4 đến 5 ban thường vụ cấp ủy trực thuộc tỉnh về việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát.

          Qua kiểm tra cho thấy, ban thường vụ cấp ủy trực thuộc tỉnh đã quan tâm đến việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, chủ động ban hành chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát toàn khóa, hằng năm của cấp ủy với nhiều nội dung quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, có bám sát và cụ thể hóa triển khai thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chú ý trên các lĩnh vực công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội; đối tượng kiểm tra, giám sát là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy và việc rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, tinh thần, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; đồng thời, chỉ đạo ủy ban kiểm tra, văn phòng cấp ủy, các ban xây dựng đảng của cấp ủy và cấp ủy trực thuộc xây dựng chương trình, kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát; công tác tổ chức quán triệt và ban hành các văn bản để triển khai thực hiện các quy định, quyết định, hướng dẫn… của Trung ương, của tỉnh về nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và giữ gìn kỷ cương, kỷ luật trong Đảng khá đầy đủ, kịp thời.

          Đã ban hành quy định về tổ chức, hoạt động của đoàn (tổ) kiểm tra, giám sát và quy trình về giải quyết khiếu nại, tố cáo, giám sát chuyên đề, xem xét thi hành kỷ luật của ban thường vụ huyện ủy; ban hành các quy chế phối hợp công tác giữa ủy ban kiểm tra với các Ban xây dựng đảng của huyện ủy, cơ quan nội chính và các tổ chức đảng có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, xử lý đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước.

          Một số cuộc kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm, có tính bức xúc ở địa phương như công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, phát triển du lịch, biện pháp khắc phục những vấn đề đã kết luận sau đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) và thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), các chỉ thị số 27-CT/TU; số 30-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; việc thực hiện Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 10/01/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên và Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012, của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp…

          Việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các cuộc kiểm tra, giám sát trong từng quý đã bám sát chương trình của năm đã đề ra; các đoàn (tổ) kiểm tra, giám sát của ban thường vụ cấp ủy đều phân công các đồng chí ủy viên ban thường vụ trực tiếp tổ chức thực hiện và làm trưởng các đoàn (tổ), sau kiểm tra, giám sát có xây dựng báo cáo kết quả, thông báo kết luận kiểm tra, kết quả giám sát; qua đó, đã chỉ ra được những ưu điểm để tiếp tục phát huy và yêu cầu khắc phục khuyết điểm, hạn chế.

          Một số ban thường vụ cấp ủy chú trọng phúc tra những nội dung đã được kết luận, yêu cầu tổ chức được kiểm tra khắc phục những khuyết điểm, hạn chế như “phúc tra việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 35-KH/TU ngày 19/11/2007 của Thành ủy Phan Thiết (khóa IX) về việc thực hiện Chương trình hành động số 09-NQ/TU, ngày 19/10/2009 của Tỉnh ủy (khóa XI) về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới; việc thực hiện thông báo kết luận kiểm tra của Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Quý qua kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện những vấn đề đã kết luận sau đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…”.

          Qua đó, đã góp phần nâng cao hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát, hoàn thành nhiệm vụ chính trị ở địa phương; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy và tinh thần trách nhiệm, ý thức rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, ngăn ngừa sai phạm trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Ban thường vụ cấp ủy đã quan tâm tổ chức sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm trong thực hiện công tác kiểm tra, giám sát; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đối với cán bộ kiểm tra cụ thể gần đây Ban Thường vụ Huyện ủy Bắc Bình đã tổ chức tập huấn công tác nghiệp vụ kiểm tra, giám sát cho 79 cán bộ làm công tác kiểm tra, bí thư, phó bí thư đảng ủy, chi bộ; cử cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, học các lớp trung cấp, cao cấp lý luận chính trị.    

          Cùng với các mặt ưu điểm, qua kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát cũng thấy rõ những hạn chế, khuyết điểm đó là: Có nơi lựa chọn nội dung trong xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát chủ yếu về lĩnh vực công tác xây dựng Đảng, ít đi vào lĩnh vực kinh tế-xã hội, các vấn đề nhạy cảm như đất đai, dự án, tài chính ngân sách; trong một năm, vừa đề ra kiểm tra, tự kiểm tra và phúc tra cùng một nội dung “khắc phục những vấn đề kết luận sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoáXI)”; chưa chú trọng kiểm tra, giám sát đối với vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, nhất là cán bộ chủ chốt của cấp ủy, địa phương, đơn vị trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, việc rèn luyện giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; công tác phúc tra, giám sát, đôn đốc khắc phục những khuyết điểm, yếu kém, sai phạm qua kiểm tra đã được chỉ ra trước đó chưa nghiêm túc; công tác giám sát chuyên đề còn ít; các ban đảng và văn phòng huyện ủy không xây dựng, ban hành thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát năm của đơn vị mình.

          Một số cuộc kiểm tra, giám sát của ban thường vụ cấp ủy chưa đảm bảo quy trình, quy định như không có báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát của đoàn (tổ) kiểm tra, giám sát; cá biệt có trường họp sau khi kiểm tra không có thông báo kết luận đối với đơn vị được kiểm tra; công tác giám sát không quy định tự giám sát nhưng ban thường vụ một số nơi lại yêu cầu tổ chức đảng cấp dưới tự giám sát báo cáo; thời gian tiến hành kiểm tra các tổ chức đảng nhất là tổ chức đảng trong trường học chưa phù hợp, do đó chưa kiểm tra hết các điểm kiểm tra đã được chọn.

          Để khắc phục một số hạn chế, khuyết điểm nêu trên, nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng có thể nêu lên một số kiến nghị sau:

          Một là, Ban thường vụ cấp ủy, cấp ủy cần quán triệt sâu kỹ các văn bản của tổ chức đảng cấp trên, về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng nhằm nâng cao nhận thức và tăng cường trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng.

          Hai là, cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục nêu cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, nhất là thực hiện đồng bộ giữa công tác kiểm tra và công tác giám sát “giám sát phải mở rộng, kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm”.

          Ba là, tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, giám sát đối với người đứng đầu cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị; chú trọng địa bàn, lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực; đặc biệt  là tăng cường kiểm tra, giám sát, chủ động nắm chắc tình hình tổ chức đảng và đảng viên phục vụ Đại hội Đảng các cấp theo Hướng dẫn số 10-HD/UBKTTW, ngày 04/9/2014 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

          Bốn là, cần xác định nội dung, thời gian kiểm tra, giám sát phù hợp với tình hình thực tế.

          Năm là, chú trọng phát huy vai trò tham mưu của các ban xây dựng đảng, nhất là ủy ban kiểm tra để giúp cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng; đồng thời, quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, bồi dưỡng nghiệp và phương tiện phục vụ công tác kiểm tra, giám sát ở địa phương. 


Các tin khác