Tin mới nhất

Một số kinh nghiệm trong giải quyết tố cáo ở đảng bộ tỉnh Bình Thuận

          Đảng bộ tỉnh Bình Thuận có 15 tổ chức đảng trực thuộc, gồm 10 đảng bộ huyện, thị, thành phố và 05 đảng bộ khối (Công an, Quân sự, Bộ đội Biên phòng, Khối các cơ quan tỉnh và Khối Doanh nghiệp) và 11 đảng đoàn, ban cán sự đảng. Tổng số tổ chức cơ sở đảng đến tháng 12-2013 là 504 tổ chức với 227 đảng bộ cơ sở và 277 chi bộ cơ sở. Tổng số đảng viên của Đảng bộ là 26.865 đồng chí.

          Trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh luôn làm tốt công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo phát triển kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá, tiềm năng và lợi thế của tỉnh được khai thác ngày càng tốt hơn. Sản xuất công nghiệp căn bản được duy trì; hoạt động dịch vụ - du lịch tiếp tục phát triển; kinh tế nông nghiệp phát triển khá rõ theo hướng sản xuất hàng hóa, cơ cấu cây trồng chuyển đổi theo hướng tích cực và mang lại hiệu quả cao hơn; mô hình khai thác hải sản xa bờ gắn với chế biến trên biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo tiếp tục nhân rộng. Thu ngân sách hàng năm vượt mức chỉ tiêu đề ra. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được quan tâm chăm lo, an sinh xã hội được bảo đảm. Các cấp uỷ đảng từ tỉnh đến cơ sở đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tốt việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị; kiểm điểm tự phê bình, phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 bước đầu tạo những chuyển biến tích cực về tư tưởng, nhận thức, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

          Bình Thuận đang tập trung lãnh đạo tăng cường phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, đẩy mạnh đô thị hoá... Trong quá trình đó, do một số cán bộ, đảng viên thiếu tinh thần trách nhiệm, không giữ gìn phẩm chất, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; do nhận thức, hiểu biết thiếu đầy đủ của một số công dân; một số vụ việc phức tạp chưa được giải quyết dứt điểm, nhất là những vụ việc liên quan đến đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng thời gian giải quyết kéo dài, đã dẫn đến đơn thư tố cáo, thậm chí có nơi, có lúc phát sinh hiện tượng khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp.

          Cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp trong tỉnh quán triệt nghiêm túc các quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt công tác giải quyết đơn thư tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên; góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh.

          Trong 8 năm từ 2006 đến 2013, đối với tổ chức đảng, số đơn tố cáo đã nhận là 13 đơn; trong đó, tố cáo không phải giải quyết 04 đơn; tố cáo không thuộc thẩm quyền chuyển đến tổ chức có thẩm quyền giải quyết 03 đơn; tố cáo phải giải quyết 06 đơn. Đối với đảng viên, số đơn tố cáo đã nhận 1.263 đơn, trong đó, tố cáo không phải giải quyết 378 đơn; tố cáo không thuộc thẩm quyền chuyển đến tổ chức có thẩm quyền giải quyết 295 đơn; tố cáo phải giải quyết 590 đơn. Trong các đơn thư tố cáo đối với đảng viên, tố cáo sai hoặc không có  cơ sở kết luận chiếm gần 40% số tố cáo phải giải quyết; tố đúng và đúng một phần chiếm hơn 60% số tố cáo phải giải quyết. Nhiều đơn tố cáo có động cơ, mục đích, tính chất xây dựng Đảng, song cũng không ít đơn cố tình tố cáo không đúng sự thật, mang tính bịa đặt.

          Để giải quyết tốt các đơn thư tố cáo, trong những năm qua, cấp uỷ các cấp trong tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đối với những việc nổi cộm, bức xúc, cấp uỷ đã trực tiếp có văn bản chỉ đạo các ngành có liên quan phối hợp giải quyết dứt điểm, phân công các đồng chí có trách nhiệm tập trung chỉ đạo giải quyết những vụ việc phức tạp kéo dài. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và các cấp uỷ trong tỉnh đã tổ chức các cuộc kiểm tra, giám sát việc giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại nói chung và việc xem xét, giải quyết đơn thư tố cáo đối với tổ chức đảng, đảng viên nói riêng. Việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, đặc biệt là đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh uỷ đối với công tác giải quyết tố cáo trong những năm qua đã góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm, hiệu quả công tác của các tổ chức đảng, các cơ quan có liên quan và cán bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ tiếp dân và giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng, đảng viên. Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ đã tham mưu giúp cấp uỷ tỉnh ban hành quy định giải quyết tố cáo đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý, đáp ứng yêu cầu công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết đơn thư tố cáo trong tình hình mới. Công tác giải quyết tố cáo của uỷ ban kiểm tra các cấp trong tỉnh được thực hiện theo đúng nguyên tắc, quy định của Đảng về quản lý, giải quyết đơn thư tố cáo. Đơn thư khi chuyển đến uỷ ban kiểm tra được cập nhật đầy đủ, chính xác vào sổ theo dõi đơn thư những thông tin cần thiết theo quy định. Đối với những đơn thư tố cáo cán bộ thuộc diện ban thường vụ cấp uỷ quản lý, thường trực uỷ ban kiểm tra báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của thường trực cấp uỷ. Đối với những đơn thư thuộc thẩm quyền, uỷ ban kiểm tra thành lập tổ, đoàn giải quyết theo quy trình; đối với những đơn thư chuyển đến các tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết, uỷ ban kiểm tra kịp thời làm thủ tục chuyển đơn, có văn bản báo cho người có đơn tố cáo biết, đồng thời cán bộ nghiệp vụ thường xuyên nắm tình hình giải quyết đơn thư của tổ chức đảng cấp dưới.

          Kết quả giải quyết tố cáo trong đảng bộ; đối với tổ chức đảng, trong 8 năm từ 2006 đến 2013 số tổ chức đảng bị tố cáo phải giải quyết là 06. Qua xem xét, giải quyết đã kết luận: Chưa có cơ sở kết luận sai phạm 03 trường hợp; tố sai 02 trường hợp; tố đúng và đúng một phần 01 trường hợp nhưng chưa đến mức phải thi hành kỷ luật, đã được kiểm điểm rút kinh nghiệm nghiêm túc. Đối với đảng viên; tổng số đảng viên bị tố cáo đã giải quyết 567 trường hợp. Qua xem xét, giải quyết đã kết luận: Chưa có cơ sở kết luận sai phạm 110 trường hợp; tố sai 116 trường hợp; tố đúng và đúng một phần 341 trường hợp; đúng có vi phạm 226 trường hợp; phải xử lý kỷ luật 108 trường hợp.

          Công tác giải quyết đơn thư tố cáo được cấp uỷ quan tâm lãnh đạo thực hiện, uỷ ban kiểm tra các cấp tích cực, chủ động tổ chức thực hiện toàn diện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát trong đó tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ giải quyết tố cáo đảng viên và tổ chức đảng. Thường trực Tỉnh uỷ, đặc biệt là đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ nhiều vụ việc đã trực tiếp gặp gỡ người tố cáo để trao đổi, trực tiếp chỉ đạo các tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, giải quyết một cách quyết liệt; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc xem xét, giải quyết đơn thư tố cáo của các cấp có thẩm quyền. Sự phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết tố cáo ngày càng chặt chẽ; quá trình giải quyết tố cáo cơ bản đảm bảo được nguyên tắc, thủ tục, quy trình, từ đó chất lượng giải quyết tố cáo từng bước được nâng lên. Qua kết quả giải quyết tố cáo đã làm rõ nội dung việc công dân, đảng viên báo cho tổ chức đảng những hạn chế, thiếu sót của tổ chức đảng, đảng viên, đồng thời minh oan cho những trường hợp bị tố cáo không đúng sự thật, không có chứng cứ; có tác dụng giáo dục cán bộ, đảng viên và củng cố, nâng cao lòng tin của nhân dân đối với Đảng; thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng. Đồng thời, giúp cho tổ chức, cá nhân bị tố cáo thấy được thiếu sót, khuyết điểm hoặc vi phạm và có biện pháp sửa chữa, khắc phục, phấn đấu vươn lên; giúp tổ chức đảng đánh giá đúng tình hình, có biện pháp giúp đỡ, bồi dưỡng, rèn luyện và bố trí, sắp xếp, sử dụng phù hợp với năng lực trình độ của cán bộ, đảng viên, từ đó điều chỉnh, chấn chỉnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý cho phù hợp. Những trường hợp qua giải quyết tố cáo phải xử lý kỷ luật đã kết luận rõ nội dung, mức độ, tính chất, tác hại, nguyên nhân vi phạm và xử lý theo đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc, thủ tục thi hành kỷ luật trong Đảng. Qua giải quyết tố cáo đã thu hồi được một số tài chính, tài sản bị chiếm dụng, góp phần đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.

          Công tác giải quyết đơn thư tố cáo trong Đảng thời gian qua ở Đảng bộ tỉnh Bình Thuận đạt được kết quả trước hết là do các cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp trong tỉnh đã nhận thức sâu sắc được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giải quyết tố cáo tổ chức đảng, đảng viên trong công tác xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Uỷ ban kiểm tra các cấp trong tỉnh đã xác định đúng trách nhiệm giải quyết đơn thư tố cáo tổ chức đảng, đảng viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Điều lệ Đảng quy định. Các cấp uỷ đã phát huy vai trò trách nhiệm của tổ chức đảng và các tổ chức đoàn thể trong đấu tranh tự phê bình và phê bình; làm tốt công tác tư tưởng, công tác thẩm tra, xác minh để có kết luận giải quyết tố cáo đúng. Tăng cường sự giám sát của tổ chức đảng có thẩm quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương, đơn vị trong việc thực hiện kết luận giải quyết tố cáo, việc khắc phục sửa chữa những khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên có sai phạm; đồng thời giải thích minh oan cho tổ chức đảng, đảng viên trong trường hợp bị tố cáo sai; không để những tố cáo mang dụng ý xấu làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, đảng viên, ảnh hưởng đến sự ổn định của địa phương, đơn vị.

          Bên cạnh kết quả đạt được, việc giải quyết tố cáo tổ chức đảng, đảng viên của một số cấp uỷ, tổ chức đảng và uỷ ban kiểm tra các cấp có vụ việc còn chậm gây bức xúc cho người tố cáo; công tác nắm tình hình và giải quyết dứt điểm vụ việc từ cơ sở còn hạn chế. Ở một số nơi, sự phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng trong giải quyết tố cáo chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ, thống nhất; việc thẩm tra, xác minh có lúc chưa chặt chẽ, chưa kịp thời. Một số tổ chức cơ sở đảng đấu tranh phê bình, tự phê bình chưa mạnh, còn có biểu hiện ngại đụng chạm, cá biệt còn có biểu hiện bao che, gây không ít khó khăn cho việc xem xét, kết luận vụ việc. Tinh thần, trách nhiệm của một số cán bộ nhất là ở cơ sở chưa nghiêm túc, thiếu khách quan, có biểu hiện né tránh, đùn đẩy và có ấn tượng chưa tốt với người tố cáo, do vậy có thái độ thiếu thiện cảm trong việc tiếp nhận và giải quyết đơn thư. Trong một số trường hợp, việc phân tích, giải thích kết quả giải quyết tố cáo của cán bộ kiểm tra chưa có tính thuyết phục cao nên chưa tạo được sự nhất trí của cả đối tượng bị tố cáo và người tố cáo.

          Một số kinh nghiệm rút ra qua thực hiện nhiệm vụ giải quyết tố cáo:

          Một là, cấp uỷ, tổ chức đảng, uỷ ban kiểm tra các cấp, cán bộ kiểm tra có nhận thức đúng, đầy đủ, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn tố cáo đúng quy định. Cấp uỷ, trước hết là người đứng đầu nêu cao trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, tạo điều kiện để các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc quy định về tố cáo, giải quyết tố cáo và phối hợp thực hiện tốt việc giải quyết tố cáo trong Đảng thì tình hình tố cáo sẽ giảm, ít phức tạp, nội bộ đoàn kết, an ninh trận tự xã hội đảm bảo, kinh tế - xã hội phát triển.

          Hai là, người đứng đầu cấp uỷ thực hiện nghiêm túc việc duy trì tiếp đảng viên và công dân sẽ tạo được niềm tin đối với người tố cáo và giải quyết nhanh, dứt điểm vụ việc, nhất là vụ việc phức tạp, kéo dài, tạo sự lan toả cho cấp dưới trong giải quyết tố cáo có kết quả.

          Ba là, uỷ ban kiểm tra các cấp nêu cao vai trò, trách nhiệm, chủ động tham mưu, giúp cấp uỷ chỉ đạo thực hiện giải quyết dứt điểm tố cáo ngay từ cơ sở. Cần chủ động thực hiện việc giải quyết tố cáo nghiêm túc, đúng quy định, ngay từ khâu tiếp nhận. Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đảng, cơ quan chức năng có liên quan thực hiện tốt việc giải quyết tố cáo. Coi trọng phẩm chất đạo đức của người giải quyết tố cáo, chất lượng công tác thẩm tra, xác minh; kết luận các nội dung tố cáo phải rõ đúng, sai; kiến nghị đúng biện pháp xử lý và khắc phục hậu quả xảy ra; tránh tình trạng nể nang, né tránh, chỉ xử lý nội bộ.

          Bốn là, chủ động nắm bắt diễn biến tư tưởng để động viên, thuyết phục người tố cáo và đối tượng bị tố cáo cộng tác, phối hợp chặt chẽ trong quá trình giải quyết, không mặc cảm, định kiến, phản ứng, đối phó, thiếu tin tưởng, gây khó khăn, trở ngại cho việc giải quyết. Phân tích, thuyết phục người tố cáo thực hiện đúng quyền và trách nhiệm, phải chịu trách nhiệm về việc tố cáo của mình để cung cấp được chứng cứ xác thực. Động viên, yêu cầu người bị tố cáo nêu cao trách nhiệm trong báo cáo, giải trình, tự phê bình và phê bình, tin tưởng vào tổ chức đảng, chấp hành tốt trong quá trình giải quyết tố cáo.

          Năm là, coi trọng xây dựng, ban hành, hoàn thiện các quy định của Đảng về tố cáo, giải quyết tố cáo để việc giải quyết tố cáo của Đảng với giải quyết tố cáo của Nhà nước có hiệu quả, không chồng chéo, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, gây chậm trễ, ách tắc trong giải quyết.


Các tin khác

News_TinMoiNhat