Tin mới nhất

Kết quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của cấp ủy các cấp, nhiệm kỳ 2010 – 2015; một số nhiệm vụ, phương hướng trong nhiệm kỳ tới

          Kiểm tra, giám sát là một trong những nội dung rất quan trọng trong quá trình lãnh đạo của Đảng, là chức năng lãnh đạo, nhiệm vụ thường xuyên của Đảng, trong bài phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra của Đảng (ngày 29/7/1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Công việc của Đảng và Nhà nước ngày càng nhiều. Muốn hoàn thành tốt mọi việc, thì toàn thể đảng viên và cán bộ phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối và chính sách của Đảng. Và muốn như vậy, thì các cấp ủy đảng phải tăng cường công tác kiểm tra. Vì kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm tròn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với nhà nước, làm gương mẫu tốt cho nhân dân. Do đó mà góp phần vào việc củng cố đảng về tư tưởng, về tổ chức”.

          Từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng và đặc biệt là trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XI, Trung ương đã ban hành nhiều văn bản quy định, chỉ đạo, hướng dẫn đối với công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng, đã tạo được một số chuyển biến khá rõ về nhận thức và trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng.

          Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng; ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã để tập trung lãnh đạo triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng nói riêng được cấp ủy, tổ chức đảng các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai khá đồng bộ và toàn diện. Đặc biệt đã tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với triển khai thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TU, ngày 01/10/2012 về việc nâng cao trách nhiệm và chấn chỉnh tác phong, giờ giấc làm việc, ý thức chấp hành của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, Chỉ thị số 30-CT/TU, ngày 08/01/2013 về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sinh hoạt, công tác, Chỉ thị số 40-CT/TU, ngày 15/8/2013 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đã góp phần nâng cao ý thức xây dựng Đảng, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, đó là: duy trì nền nếp tốt hơn, chặt chẽ hơn; sự phối hợp giữa ủy ban kiểm tra các cấp với các ngành liên quan đồng bộ hơn. Nhận thức về vị trí, tác dụng và tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát của Đảng được nâng lên; lãnh đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường; tổ chức quán triệt đầy đủ, kịp thời, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ và các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng đến tất cả các chi, đảng bộ cơ sở. Luôn quan tâm chăm lo xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ ủy ban kiểm tra các cấp; kịp thời chỉ đạo thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự bầu bổ sung thành viên ủy ban kiểm tra khi khuyết bảo đảm đủ số lượng theo quy định; kịp thời chỉ đạo bổ sung thành viên ủy ban kiểm tra khi bị khuyết; chú ý đến đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác kiểm tra các cấp.

         Theo đó, cấp ủy chủ động và kịp thời hơn trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm; nội dung ngày càng bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, nhất là yêu cầu đối với công tác xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Đã tập trung kiểm tra, giám sát các lĩnh vực nhạy cảm và phức tạp, dễ phát sinh tiêu cực; coi trọng kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chú ý kiểm tra, giám sát trách nhiệm của tổ chức đảng và người đứng đầu trong việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), trọng tâm là khắc phục những yếu kém, khuyết điểm đã được chỉ ra sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình gắn với kiểm tra, giám sát việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… Đã đạt được một số kết quả cụ thể như sau:

          Về công tác kiểm tra, cấp ủy các cấp đã tiến hành kiểm tra đối với 4.883 lượt tổ chức đảng và 5.669 lượt đảng viên, so với nhiệm kỳ trước tăng 2,04 lần số tổ chức đảng và 3,6 lần số đảng viên được kiểm tra. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiến hành kiểm tra đối với 219 lượt tổ chức đảng, 66 đảng viên và tiến hành tự kiểm tra, rà soát các nội dung: Kết quả 05 năm thực hiện Quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về nhiệm vụ và quan hệ công tác của thường trực tỉnh ủy, thành ủy; việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; việc khắc phục những khuyết điểm, thiếu sót sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI)… Các cấp ủy trực thuộc và cơ sở đã tiến hành kiểm tra đối với 4.664 lượt tổ chức đảng và 5.603 lượt đảng viên; trong đó, các cấp ủy trực thuộc tỉnh đã tiến hành kiểm tra đối với 2.364 tổ chức đảng và 384 đảng viên.

          Về công tác giám sát, ngoài việc phân công giám sát thường xuyên cho các đồng chí cấp uỷ viên, cấp uỷ các cấp đã tiến hành giám sát chuyên đề đối với 1.507 lượt tổ chức đảng và 1.857 đảng viên, so với nhiệm kỳ trước tăng 3,79 lần số tổ chức đảng và 7,67 lần số đảng viên được giám sát, cụ thể: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiến hành giám sát đối với 95 lượt tổ chức đảng và 11 đảng viên; cấp ủy trực thuộc và cơ sở đã tiến hành giám sát đối với 1.412 lượt tổ chức đảng và 1.846 lượt đảng viên; trong đó, cấp ủy trực thuộc tỉnh tiến hành đối với 747 tổ chức đảng và 209 đảng viên.

          Về giải quyết tố cáo, khiếu nại, thi hành kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy trực thuộc đã giải quyết tố cáo đối với 03 trường hợp cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; qua giải quyết, kết luận 02 trường hợp có nội dung tố đúng và đúng một phần nhưng chưa đến mức phải thi hành kỷ luật. Đã giải quyết 20 vụ khiếu nại kỷ luật Đảng đối với đảng viên; nội dung khiếu nại: về hình thức kỷ luật, về quy trình thủ tục… qua giải quyết có 06 trường hợp thay đổi hình thức kỷ luật (03 trường hợp giảm, 03 trường hợp xóa hình thức. Đã thi hành kỷ luật đối với  26 tổ chức đảng (khiển trách 20, cảnh cáo 06) và 585 đảng viên (với hình thức khiển trách 349, cảnh cáo 185, cách chức 35, khai trừ 16 trường hợp) trong đó, có 18 trường hợp xử lý pháp luật, 89 trường hợp xử lý hành chính. 

          Nhìn chung, trong nhiệm kỳ 2010-2015, các cấp ủy trong tỉnh đã thực hiện toàn diện, đồng bộ giữa nhiệm vụ kiểm tra và nhiệm vụ giám sát. Nội dung tập trung vào vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực; coi trọng kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục những hạn chế, thiếu sót đã được chỉ ra qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình; chú ý hơn công tác kiểm tra, giám sát đối với người đứng đầu trong việc nêu gương gắn với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và thi hành kỷ luật đảng được đa số các cấp ủy thực hiện đúng phương hướng, phương châm và nguyên tắc thủ tục.

         Tuy nhiên, vẫn còn một số cấp uỷ chưa quan tâm đúng mức công tác kiểm tra, giám sát, ở cơ sở còn tình trạng giao khoán cho cho ủy ban kiểm tra cùng cấp thực hiện, công tác giám sát của chi bộ còn lúng túng… Việc cụ thể hóa quy trình, quy định về công tác kiểm tra, giám sát của cấp uỷ, quy chế phối hợp giữa ủy ban kiểm tra cấp uỷ cấp mình với các ngành liên quan trong từng thời gian có nơi còn chậm. Trong thi hành kỷ luật còn có cấp ủy thực hiện quy trình ở một vài khâu chưa bảo đảm, nhất là ở khâu thẩm tra, xác minh nên dẫn đến khiếu nại.

         Do đó, để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng nhiệm kỳ 2015-2020, các cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp cần:

         1- Phải chủ động xây dựng, ban hành quy chế, phương hướng nhiệm vụ, chương trình toàn khóa, nội dung, chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát hằng năm cụ thể, thiết thực, đúng phương châm “kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm”, “giám sát phải mở rộng”; kết hợp cả “xây” và “chống”, lấy “xây” là chính;

         2- Tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, trước hết là người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo Điều lệ Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các nghị quyết, quy định, quyết định của Ban Chấp hành Trung ương và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 – 2020;

         3- Tăng cường việc phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Đảng, nhất là kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh;

         4- Các ban xây dựng Đảng và văn phòng cấp ủy tăng cường hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ được giao; cần quan tâm việc xây dựng chương trình, kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện chặt chẽ, đầy đủ các bước cần thiết khi thực hiện các cuộc kiểm tra, giám sát;

         5- Chi bộ coi trọng công tác quản lý và phân công nhiệm vụ đảng viên, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với đảng viên trong việc chấp hành nghị quyết của Đảng, của chi bộ, thực hiện nhiệm vụ đảng viên để chủ động ngăn ngừa xảy ra vi phạm từ khi còn manh nha;

         6- Chú trọng củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy ủy ban kiểm tra các cấp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra của Đảng đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng; đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ kiểm tra của Đảng tinh thông nghiệp vụ, am hiểu nhiều lĩnh vực, tâm huyết với Ngành, có ý thức rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống;

         7- Hằng năm, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tiến hành sơ kết, tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng để kịp thời phát huy những kết quả đạt được, rút kinh nghiệm qua thực tiễn để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo theo quy định./-


Các tin khác