Tin mới nhất

Phát huy năng lực của tập thể: Phẩm chất quan trọng của người lãnh đạo

  • /
  • 16.9.2011 - 10:24

Phát huy năng lực của tập thể là phẩm chất quan trọng và là yếu tố hàng đầu của người lãnh đạo trong quá trình thực hiện chức trách nhiệm vụ của mình.

             Năng lực cá nhân khác với năng lực tập thể, không chỉ đơn thuần như chúng ta nghĩ là: Năng lực cá nhân được tính bằng một, tập thể gồm mười cá nhân, năng lực tập thể được tính bằng mười. Năng lực tập thể là một cái gì đó nó tiềm tàng, nó chỉ thể hiện ra khi có sự tác động phù hợp từ phía người lãnh đạo.

            Vì vậy: Phát huy năng lực của tập thể là phẩm chất quan trọng và là yếu tố hàng đầu của người lãnh đạo trong quá trình thực hiện chức trách nhiệm vụ của mình.
            Trong hoạt động lãnh đạo, có thể khơi dậy được những sức mạnh tiềm tàng, làm cho hoạt động của tập thể trở nên có hiệu quả hơn, thì cần phải tiến hành một loạt nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó gồm cả những biện pháp tâm lý...Trong khuôn khổ bài viết này, chỉ đề cập và phân tích một vài biện pháp cơ bản nhất.
            Thứ nhất: Tạo tính tích cực trong tập thể
            Một tập thể có bộc lộ hết khả năng để hoàn thành nhiệm vụ một cách hiệu quả hay không và với mức độ nào trước hết phụ thuộc vào thái độ của tập thể đối với công việc, có những thái độ đặc trưng thường thấy như thái độ tích cực, thái độ thụ động, thái độ tiêu cực. Tất nhiên, chỉ có thể phát huy được năng lực của tập thể một khi tạo được thái độ tích cực nhất trong công việc, ngược lại một thái độ thụ động hay tiêu cực sẽ là những lực kìm hãm làm cho hoạt động của tập thể trở nên rời rạc, kém hiệu quả không chỉ dẫn đến không hoàn thành nhiệm vụ.
            Thái độ tích cực của tập thể đối với công việc bao gồm sự phục tùng (hay còn gọi là thái độ chấp hành), tinh thần hợp tác và tinh thần sáng tạo. Mỗi phẩm chất này nếu đứng tách riêng ra và chỉ một mình nó thôi đều không phải là điều kiện đủ cho một thái độ tích cực, mà đòi hỏi đồng thời và đầy đủ cả ba phẩm chất nói trên. Bởi vì tập thể là một chỉnh thể thống nhất, chỉ có thể trở thành một sức mạnh thực sự khi tập thể hành động một cách thống nhất theo một trung tâm điều khiển chung, tức là sự phục tùng, nhưng chỉ phục tùng không thôi, rõ ràng năng lực tập thể không thể được phát huy tối đa, ở đây cần một thái độ hợp tác. Hợp tác lẫn nhau giữa các thành viên trong tập thể và hợp tác giữa tập thể với người lãnh đạo. Không có sự hợp tác này, tập thể sẽ có thái độ thụ động và cuối cùng là sự chủ động, sáng tạo của cá nhân và toan bộ tập thể sẽ là điều kiện đủ để mọi khả năng của tập thể được khai thác một cách tối đa.
            Trong hoạt động lãnh đạo quản lý, để tạo nên tính tích cực trong thái độ của tập thể, điều quan trọng trước tiên là phải giải quyết vấn đề lợi ích. Lợi ích của xã hội, lợi ích của tập thể và lợi ích của từng thành viên của tập thể. Chỉ có thể khơi dậy tính tích cực hoạt động của thành viên trên cơ sở giải quyết thoả đáng những nhu cầu tất yếu và chính đáng của tập thể.
            Để có thái độ tích cực nói chung cần phải xây dựng một trạng thái tâm lý lành mạnh trong tập thể; tập thể sẽ không thể có được tính tích cực trong hoạt động với một trạng thái tâm lý nặng nề, lo lắng, nghi kỵ, xung đột; mà tâm trạng của tập thể thì như đã phân tích ở trên, được tạo nên không chỉ do vấn đề lợi ích, mà còn chịu sự tác động của rất nhiều những nhân tố tâm lý khác nhau.
            Hơn thế nữa, để có thể tạo nên được các phẩm chất như sự phục tùng, sự hợp tác và sự sáng tạo trong thái độ của tập thể đối với công việc, nhân tố có ý nghĩa quyết định chính là sự tác động của lãnh đạo một cách khoa học và nghệ thuât lãnh đạo với sự lựa chọn những phong cách và phương pháp tác động thích hợp là yếu tố trực tiếp tạo nên thái độ tích cực tương ứng của tập thể.
            Thứ hai: Việc trao đổi thông tin và giao tiếp
            Như đã khẳng định, tập thể chỉ trở thành một máy vận hành và phát huy được công suất của nó trên cơ sở thiết lập được sự tiếp xúc và trao đổi thông tin hợp lý giữa các thành viên trong tập thể. Qúa trình trao đổi thông tin trong tập thể càng đầy đủ, càng kịp thời, càng chính xác và phù hợp thì hiệu quả của tập thể càng cao và ngược lại. Vì vậy việc trao đổi thông tin là vấn đề hết sức quan trọng đối với việc phát huy năng lực của tập thể.
            Việc trao đổi thông tin trong tập thể có thể diễn ra theo phương thức “ tập trung”, phương thức “mở rộng” hoặc phương thức “khép kín”. Đặc trưng của phương thức thông tin là quá trình tiếp xúc và trao đổi chủ yếu diễn ra một cách đơn tuyến giữa người lãnh đạo với mỗi thành viên của tập thể, các thông tin được truyền đạt trực tiếp và một chiều. Phương thức thông tin mở rộng là phương thức thông tin nhiều chiều, đa phương cả trực tiếp lẫn gián tiếp, trong phương thức này các thành viên của tập thể và người lãnh đạo đều có những mối liên hệ đan xen, qua lại. Đặc trưng của phương thức thông tin khép kín là sự trao đổi thông tin diễn ra đơn tuyến và khép kín.
            Chính vì vậy, cần phải cải tiến phương thức thông tin, mà cải tiến không có nghĩa là chọn lấy một phương thức thông tin duy nhất nào. Bởi vì trong thực tế mỗi phương thức trao đổi thông tin đều có mặt ưu điểm và mặt nhược điểm của chúng, việc áp dụng duy nhất một phương thức nhất định cho mọi tình huống không phải là con đường tốt nhất để nâng cao hiệu quả của tập thể. Cải tiến phương thức thông tin để phát huy năng lực tập thể là kết hợp một cách nhuần nhuyễn, sử dụng các phương thức thông tin khác nhau một cách phù hợp với từng yêu cầu công việc và phù hợp với từng tình huống cụ thể khác nhau.
            Thứ ba: Phát huy năng lực của từng cá nhân trong tập thể.
            Tập thể là sự tập hợp của các cá nhân, việc phát huy năng lực của tập thể nói chung suy cho cùng chính là phát huy năng lực của từng viên của tập thể, là sự tăng tính hiệu quả của từng cá nhân với tư cách là một bộ phận của cơ thể.
            Mỗi cá nhân khác nhau đều có những lực tiềm tàng ấy có thể được phát huy một cách tối đa mà cũng có thể ngược lại bị triệt tiêu một cách lãng phí, vấn đề là ở chỗ với một cách tác động nhất định của người lãnh đạo, mỗi cá nhân có thể nâng cao hiệu quả hoạt động của mình mà không gây trở ngại cho hoạt động chung của tập thể mà còn làm tăng hiệu quả cho hoạt động chung ấy.
            Năng lực của từng cá nhân sẽ được nâng lên tối đa nếu như người lãnh đạo đặt họ vào những công việc thích hợp đối với mỗi người. Tuy vậy, điều đó vẫn chưa đủ, nếu như trong tập thể không tạo được môt cơ chế đủ rộng để cá nhân có thể phát triển nhân cách và sở trường của mình. Cách ứng xử của người lãnh đạo đối với tập thể nói chung, với mọi cá nhân và từng cá nhân cụ thể cũng là những nhân tố có tính chất quyết định để cá nhân có thể phát huy năng lực. Cách ứng xử tối ưu có thể có được để phát huy năng lực cá nhân là sự hiểu biết và tôn trọng cá tính của mỗi người. Việc lựa chọn cách thức tác động phù hợp với cá tính của từng người, đó là một trong những con đường hiệu quả để khơi dậy những năng lực tiềm ẩn ở từng cá nhân và bằng cách đó, người lãnh đạo phát huy được tối đa năng lực của tập thể./.
 
                                                                                  Tạ Thị Thu Hương
                                                               Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Tỉnh ủy                

  • |
  • 906
  • |

Các tin khác

News_TinMoiNhat