Tin mới nhất

ỦY BAN KIỂM TRA TỈNH ỦY

  • /
  • 20.4.2011 - 0:0

Tổ chức hội nghị góp ý dự thảo Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng trong chương VII, chương VIII, Điều lệ Đảng (khoá XI)

Thực hiện Công văn số 140-CV/UBKTTW ngày 31/3/2011 của Ủy Ban Kiểm tra Trung ương về việc tham gia hội nghị góp ý dự thảo Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; ngày 15/4/2011, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Hướng dẫn, nội dung cụ thể như sau:

1- Đối với Điều 30:

Trang 5, khoản 1, điểm 1.2, Tiết 1.2.1. Mục b: Phần nêu cách tiến hành giám sát thường xuyên của các ban cấp ủy.

Theo Hướng dẫn 03, ngày 25/7/2007 của UBKT Trung ương về thực hiện công tác giám sát của các ban cấp ủy các cấp thì công tác giám sát thường xuyên của các ban của cấp ủy bao gồm giám sát trực tiếp và giám sát gián tiếp. Trong dự thảo hướng dẫn mới, phần cách tiến hành giám sát thường xuyên, tính dòng 4 dấu + là nội dung của giám sát trực tiếp. Đề nghị bổ sung  một số nội dung về giám sát gián tiếp theo tinh thần Hướng dẫn 03 ngày 25/7/2007 của UBKT Trung ương : nghiên cứu nắm tình hình thông qua báo cáo, thông báo kết quả các cuộc kiểm tra của cấp ủy có liên quan đến phạm vi lĩnh vực các ban của cấp ủy được phân công phụ trách. Nghiên cứu các văn bản của cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới gởi các ban của cấp ủy cấp trên theo quy định.

Về thẩm quyền và trách nhiệm giám sát của các ban cấp ủy: Đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm “Nếu phát hiện những văn bản của cấp trên có nội dung triển khai còn vướng mắc không thực hiện được hoặc có những điểm không còn phù hợp với thực tế thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp” (hướng dẫn 03).

Cũng tại Điều 30, khoản 2, điểm 2.1 tiết 2.1.2, mục a, kiểm tra chấp hành, về nội dung cách tiến hành dự thảo hướng dẫn nêu 6 dấu + đầu hàng, dấu cộng thứ 5 ghi rõ: “Cấp ủy hoặc ban thường vụ cấp ủy trực tiếp kết luận các cuộc kiểm tra do cấp ủy hoặc ban thường vụ cấp ủy chủ trì kiểm tra và cả các trường hợp cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy giao cho các tổ chức đảng giúp mình kiểm tra”.

Đây là nội dung mới, để phù hợp với nội dung mới nêu trên, đề nghị sửa nội dung dấu + thứ 4 là: “Giao các ban của cấp ủy, ủy ban kiểm tra giúp cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy chủ trì thực hiện một số cuộc kiểm tra theo chức trách, nhiệm vụ của tổ chức đảng”.

Ở trang 13 của Dự thảo hướng dẫn, đoạn cuối dấu + thứ 2 nêu “…Việc kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức đảng này trong việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị của Đảng (bao gồm cả nghị quyết, chỉ thị của đảng ủy quân sự, đảng ủy bộ đội biên phòng, đảng ủy công an nhân dân cấp trên) là nhiệm vụ của cấp ủy địa phương, do cấp ủy địa phương trực tiếp chủ trì tiến hành, kết luận có sự phối hợp với đảng ủy quân sự, đảng ủy bộ đội biên phòng cấp trên hoặc với đảng ủy công an nhân dân cấp trên “. Đề nghị bỏ cụm từ: “cấp trên hoặc với” vì trùng lắp từ.

Tại trang 15, Nội dung giám sát đối với đảng viên, dự thảo có nêu: “Ngoài những nội dung giám sát như đối với tổ chức đảng, cấp ủy còn giám sát đảng viên trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; chấp hành quy định về những điều cán bộ, đảng viên không được làm và giữ mối liên hệ với tổ chức đảng nơi cư trú”. Đề nghị nghiên cứu bổ sung nội dung “giám sát đảng viên thực hiện nghĩa vụ công dân”.

Ở trang 16, phần giám sát chuyên đề, dự thảo có nêu: “Thực hiện giám sát chuyên đề đối với các vụ việc đang thực hiện; thời gian tiến hành một cuộc giám sát tối đa không quá 30 ngày.”. Vấn đề này xin có ý kiến như sau:

Theo Hướng dẫn 05, ngày 25/7/2007 về thực hiện công tác giám sát của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp. Mục giám sát chuyên đề ghi rõ: Hàng năm, qua nắm tình hình, nghiên cứu báo cáo tài liệu có liên quan, cấp ủy, ban thường vụ xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát đối với tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên, thông báo cho đối tượng giám sát biết ngay từ đầu năm về nội dung, đối tượng, mốc thời điểm giám sát, thời gian giám sát.

Những năm qua, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy thực hiện theo hướng dẫn trên thông suốt, không có vướng mắc. Qua giám sát đã mang lại hiệu quả thiết thực. Nay nếu quy định chỉ thực hiện giám sát chuyên đề đối với những vụ việc đang thực hiện thì e rằng khó làm, nếu nội dung giám sát khoanh lại trong phạm vi “vụ việc đang thực hiện” thì khó thực hiện được đầy đủ những nội dung được thể hiện trong mục nội dung giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên. Đề nghị nghiên cứu thêm.

2- Đối với Điều 31:

Trang 23: Những nội dung sửa đổi bổ sung: nhìn chung đã đầy đủ, cụ thể và phù hợp. Đối với tiết 1.2.9 (trang 27) có nêu: “UBKT Đảng ủy cơ sở xã, phường, thị trấn và những tổ chức cơ sở đảng trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp và doanh nghịêp có từ 300 đảng viên trở lên bố trí 1 ủy viên chuyên trách là cấp ủy viên cùng cấp làm phó chủ nhiệm thường trực”. Nội dung bổ sung trên là phù hợp với tinh thần Nghị quyết hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương khoá 10 về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, nhưng theo Nghị định 92 của Chính phủ thì chức danh kiểm tra của đảng ủy xã, phường, thị trấn thuộc diện cán bộ không chuyên trách trong khi Chủ tịch Mặt trận, Bí thư Đoàn thanh niên, Chủ tịch Hội phụ nữ và Chủ tịch Hội nông dân được xếp là cán bộ chuyên trách. Vì vậy, việc lựa chọn nhân sự để bố trí chuyên trách là hết sức khó khăn. Đề nghị Trung ương sớm có chính sách phù hợp đối với cán bộ chuyên trách kiểm tra ở cơ sở xã, phường, thị trấn.

Ở trang 28, mục 2 có nêu: “Các thành viên ủy ban kiểm tra và chủ nhiệm, phó chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra cấp dưới phải được cấp ủy cấp trên trực tiếp chuẩn y, nếu điều động chủ nhiệm, ủy ban kiểm tra sang công tác khác phải được cấp ủy cấp trên trực tiếp đồng ý”. Như vậy, sau khi thực hiện như trên, thì cấp ủy cấp trên có nhất thiết phải ra quyết định cho thôi ủy viên ủy ban kiểm tra  cấp dưới hay không?

3- Đối với Điều 32: 

Dự thảo hướng dẫn mới có bỏ bớt một số nội dung và bổ sung một số nội dung mới. Việc thêm, bớt những nội dung ở Điều 32 là phù hợp với tình hình thực tế và đảm bảo nguyên tắc, phương pháp công tác kiểm tra. 

Tuy nhiên, tại trang 30, trước khi vào khoản 1, nên có khái niệm “tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm?” vì kiểm tra dấu hiệu vi phạm là nhiệm vụ trọng tâm, khi triển khai thực hiện nhiệm vụ này gặp không ít khó khăn, một trong những khó khăn  là cán bộ, đảng viên được kiểm tra cho rằng quy chụp. Chính vì vậy trong hướng dẫn cần nêu rõ khái niệm tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, cũng như dự thảo hướng dẫn đã đưa vào khái niệm tố cáo hay khái niệm giám sát.

Cũng tại Điều 32: Nhiệm vụ của UBKT các cấp, tại khoản 2, tiết 2.1 (trang 33) dự thảo hướng dẫn bổ sung nội dung làm rõ tổ chức đảng cấp dưới: “Tổ chức đảng cấp dưới là đối tượng kiểm tra của ủy ban kiểm tra là tổ chức đảng do cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý của cấp ủy cùng cấp”. Cách diễn đạt như trên tuy có gọn những không rõ, đề nghị nghiên cứu diễn đạt sao cho rõ ý và dễ hiểu hơn.

Cũng tại Điều 32, khoản 3 về thực hiện nhiệm vụ giám sát, điểm 3.4: Thẩm quyền và trách nhiệm, đề nghị bổ sung nội dung: “Nếu phát hiện những văn bản của cấp trên không thực hiện được hoặc có những điểm không còn phù hơp với điều kiện thực tế thì báo cáo với cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp” (Hướng dẫn 04, ngày 25/7/2007 của UBKT Trung ương về thực hiện công tác giám sát của UBKT các cấp).

Trang 35, tiết 2.2.3 và trang 36, tiết 2.3.3 có nêu cách tiến hành: “thực hiện như cách tiến hành kiểm tra của cấp ủy tại tiết 2.1.2, khoản 2, Điều 30”. Nêu như vậy chưa phù hợp vì chủ thể kiểm tra và nội dung kiểm tra khác nhau. Cần hướng dẫn cách tiến hành cụ thể.

Trang 38, nội dung giám sát đối với đảng viên, đề nghị bổ sung thêm nội dung: “Việc chấp hành thông báo kết luận sau kiểm tra” vì phần nội dung giám sát đối với tổ chức đảng có nêu nhưng đối với đảng viên thì không nêu.

Trang 40, đoạn dấu + thứ nhất, đề nghị bổ sung thêm cụm từ “và đảng viên” sau cụm từ “....tổ chức đảng cấp dưới” có thể viết lại như sau: “Qua giám sát, thành viên uỷ ban kiểm tra, đoàn giám sát và cán bộ kiểm tra phải kịp thời báo cáo để uỷ ban kiểm tra kiến nghị cấp uỷ, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên kịp thời phát huy ưu điểm, nhắc nhở, uốn nắn, khắc phục, sửa chữa khuyết điểm.

Trang 43, tiết 5.1.2, gạch đầu dòng thứ 2: Đề nghị bổ sung cụm từ “và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền” vào sau cụm từ “Điều lệ Đảng quy định”, có thể viết lại là “Không xem xét, giải quyết những tố cáo, giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ và những tố cáo có tên đã được cấp có thẩm quyền do Điều lệ Đảng quy định và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, kết luận, nay tố cáo lại, nhưng không có thêm tài liệu, chứng cứ mới;...”

4- Đối với Điều 33:

Ở trang 54, Quyền của UBKT các cấp:

Gợi ý của UBKT Trung ương có nêu: có nên bổ sung thẩm quyền của UBKT như trong chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2020 vào điều 33 không.

Vấn đề này, qua nghiên cứu, nhận thấy chiến lược nêu hướng tăng thẩm quyền cho UBKT các cấp gồm 4 nội dung, trong đó có 1 số nội dung đã được thể hiện trong dự thảo hướng dẫn, như:

- Nội dung UBKT cấp trên được chỉ đạo đối với cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng đã được thể hiện tại tiết 1.2.3 công tác kiểm tra, giám sát của UBKT giám sát (trang 9) “Chỉ đạo, hướng dẫn đối với cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng”.

- Nội dung khi phát hiện đảng viên có vi phạm pháp luật UBKT yêu cầu cơ quan pháp luật xem xét, giải quyết theo phân cấp quản lý cán bộ và quy định của pháp luật. Nội dung này đã được thể hiện ở gạch đầu dòng thứ 2, trang 32 “Nếu đảng viên vi phạm đến mức phải xử lý bằng pháp luật thì chuyển và yêu cầu cơ quan pháp luật xem xét, giải quyết”.

Như vậy, theo chiến lược kiểm tra, giám sát thì chỉ còn 2 nội dung hướng tăng thẩm quyền cho UBKT các cấp chưa được đưa vào hướng dẫn, đó là: 

- “Quyết định tạm đình chỉ các chức vụ trong Đảng, đình chỉ sinh hoạt đảng của đảng viên, đình chỉ sinh hoạt cấp ủy của cấp ủy viên cấp dưới theo thẩm quyền xử lý kỷ luật nếu thấy đảng viên, cấp ủy viên đó có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng, cản trở, gây trở ngại cho việc kiểm tra hoặc bị cơ quan pháp luật khởi tố, tạm giam, truy tố”. Nhận thấy đây là nội dung vừa nhạy cảm vừa mang tính phức tạp, do đó đề nghị không đưa vào bổ sung quyền của UBKT.

- Đối với nội dung “Quyết định thu hồi, hủy bỏ quyết định của cấp ủy tổ chức đảng cấp dưới trái các quy định của Đảng và của cấp trên về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng”. Do dự thảo hướng dẫn đã bổ sung UBKT được quyền chỉ đạo đối với cấp ủy và tổ chức đảng cấp dưới về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng như đã nêu, do đó đề nghị bổ sung nội dung “Quyết định thu hồi, hủy bỏ...” vào phần cuối của tiết 1.2.3 ở trang 9 dự thảo hướng dẫn.

Trang 66, mục 4.3 dự thảo hướng dẫn có nêu “ Ủy ban kiểm tra của tỉnh ủy, thành ủy và của cấp ủy tương đương quyết định khiển trách, cảnh cáo cấp ủy viên huyện, quận và tương đương (kể cả bí thư, phó bí thư, ủy viên ban thường vụ); cán bộ thuộc diện tỉnh uỷ, thành ủy và cấp ủy tương đương quản lý nhưng không phải là tỉnh ủy, thành ủy, cấp ủy viên cấp tương đương…”. Đề nghị sửa cụm từ “là tỉnh ủy, thành ủy, cấp ủy viên cấp tương đương” thành cụm từ “là tỉnh, thành ủy, cấp ủy viên cấp tương đương”.

Tại trang 73, mục 3.2, phần in nghiêng trong dự thảo: đề nghị bổ sung cụm từ “hồ sơ” vào cuối cụm từ “đầy đủ”, có thể viết lại như sau: "Nếu đảng viên vi phạm đến mức phải khai trừ hoặc tổ chức đảng vi phạm đến mức phải giải tán nhưng chưa đủ hai phần ba số đảng viên của chi bộ hoặc cấp ủy viên của tổ chức đảng cấp dưới biểu quyết đề nghị thì phải báo cáo đầy đủ hồ sơ, số phiếu biểu quyết để tổ chức đảng cấp trên có thẩm quyền xem xét, quyết định". 

Trang 77, mục 6.1 dự thảo hướng dẫn có nêu: “Ở chi bộ, quyết định khiển trách, cảnh cáo đối với đảng viên có hiệu lực ngay sau khi chi bộ công bố kết quả biểu quyết quyết định kỷ luật. Trong vòng 10 ngày sau đó, chi ủy làm văn bản để báo cáo cấp trên và lưu hồ sơ”. Nội dung này đề nghị nên thay từ “làm văn bản” bằng từ “làm quyết định để gởi đảng viên bị kỷ luật, báo cáo cấp trên và lưu hồ sơ”, vì nếu đảng viên bị kỷ luật, không đồng ý với quyết định của chi bộ thì mới có cơ sở để thực hiện quyền khiếu nại của mình.

Trang 78, điểm 2, mục 7.2: đây là điểm mới, dự thảo hướng dẫn có ghi “Trường hợp đảng viên là cấp ủy viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý bị chi bộ xử lý kỷ luật, nếu có khiếu nại thì do cấp ủy quản lý đảng viên đó xem xét, giải quyết khiếu nại lần đầu”. Đề nghị nên thôi nội dung: đảng viên thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý bị chi bộ xử lý kỷ luật, nếu có khiếu nại thì do cấp ủy quản lý đảng viên đó xem xét, giải quyết khiếu nại lần đầu. Nếu không sẽ mâu thuẫn với điểm 5.2, mục 5.2.1. Hướng dẫn một số yêu cầu, nguyên tắc trong việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại: Việc giải quyết khiếu nại của tổ chức đảng và đảng viên phải tiến hành từ UBKT hoặc cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức đảng đã quyết định thi hành kỷ luật, có thể viết lại là: trường hợp đảng viên là cấp ủy viên các cấp bị chi bộ xử lý kỷ luật, nếu có khiếu nại thì do cấp ủy cấp trên xem xét, giải quyết khiếu nại lần đầu.

Trên đây là một số ý kiến góp ý bước đầu, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy mạnh dạn trao đổi, đề xuất để UBKT Trung ương xem xét.
           


  • |
  • 1044
  • |

Các tin khác