Tin mới nhất

Ý KIẾN THAM GIA DỰ THảO BÁO CÁO BỔ SUNG, SỬA ĐỔI ĐIỀU LỆ ĐẢNG

  • /
  • 8.10.2010 - 0:0

Phát biểu của đồng chí Lê Minh Thạnh, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh uỷ khoá XI, tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh khoá XII, nhiệm kỳ 2010-2015

Kính thưa Đoàn chủ tịch !

Kính thưa Đại hội !

Được sự cho phép của Đoàn Chủ tịch, tôi xin tham gia ý kiến đối với một số Điều tại chương VII, chương VIII, dự thảo Báo cáo bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng trình Đại hội XI của Đảng.

Trước hết tôi thống nhất cao với các quan điểm chỉ đạo việc bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng đã nêu trong dự thảo Báo cáo. Trên cơ sở nghiên cứu thực tế thi hành Điều lệ Đảng, tôi xin tham gia những vấn đề cụ thể như sau:

1-  Điều 35, Điều lệ Đảng ( khoản 2: Hình thức kỷ luật):

Điều lệ Đảng hiện hành quy định đối với đảng viên chính thức có 4 hình thức kỷ luật, đó là: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ.

Dự thảo Điều lệ Đảng bổ sung, sửa đổi đề nghị 5 hình thức kỷ luật: khiển trách, cảnh cáo, lưu Đảng, cách chức, khai trừ ( lưu Đảng mà để trước cách chức là không phù hợp, vì lưu Đảng không thể nhẹ hơn cách chức được, lưu Đảng chỉ nhẹ hơn khai trừ, lưu Đảng là mất quyền ứng cử và bầu cử trong Đảng ).

Việc đưa ra 5 hình thức kỷ luật như trên là chưa hợp lý và chưa công bằng giữa các đối tượng đảng viên ngay từ cơ chế. Vì đảng viên có chức vụ được xem xét trong khung có 5 hình thức kỷ luật, còn đảng viên không giữ chức vụ khung xét kỷ luật chỉ có 4 hình thức.

Để tạo sự công bằng trong xem xét hình thức kỷ luật đối với đảng viên có chức vụ và đảng viên không có chức vụ, đề nghị chỉ thực hiện 4 hình thức: khiển trách, cảnh cáo, lưu Đảng và khai trừ. Đối với Đảng viên có chức vụ, khi lưu Đảng thì đương nhiên phải cách các chức vụ mà đồng chí đó đảm nhận.

2- Điều 36, Điều lệ Đảng:

2.1- Về thẩm quyền thi hành kỷ luật của cấp uỷ, Ban thường vụ cấp uỷ tỉnh, thành, huyện, quận và tương đương:

Dự thảo bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng ghi: “cấp uỷ tỉnh, thành, huyện, quận và tương đương quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên; quyết định khiển trách, cảnh cáo cấp uỷ viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp uỷ cấp trên quản lý vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên”; đồng thời quy định “Ban thường vụ cấp uỷ quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, … quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp uỷ cấp trên quản lý vi phạm nhiệm vụ cấp trên giao”.

Quy định như vậy thì thẩm quyền quyết định kỷ luật của Ban thường vụ cấp uỷ cao hơn thẩm quyền của cấp uỷ cùng cấp, là chưa đúng với nguyên tắc Đảng. Cần thống nhất thẩm quyền quyết định kỷ luật của cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ theo nguyên tắc là thẩm quyền của ban thường vụ phải thấp hơn thẩm quyền của cấp uỷ cùng cấp.

Do đó, đề nghị giữ nguyên thẩm quyền thi hành kỷ luật của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, thành, huyện, quận và tương đương như quy định của Điều lệ Đảng hiện hành.

2.2- Khoản 4, Điều 36, Điều lệ Đảng bổ sung, sửa đổi: về thẩm quyền kỷ luật đảng viên là cán bộ có chức vụ theo nguyên tắc cấp nào quản lý, đề bạt, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý của cán bộ thì mới có thẩm quyền quyết định các hình thức kỷ luật cán bộ đó.

          Vấn đề này, khi nghiên cứu Điều lệ Đảng qua các kỳ Đại hội cho thấy: Từ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đến nay, Đảng ta đều giao thẩm quyền cho Uỷ ban kiểm tra của cấp uỷ thi hành kỷ luật từ khiển trách đến cảnh cáo đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp uỷ cùng cấp quản lý, (trừ cấp uỷ viên cùng cấp).

Trong quá trình thực hiện Điều lệ Đảng trong nhiều nhiệm kỳ, tôi nhận thấy: Uỷ ban kiểm tra các cấp là cơ quan kiểm tra chuyên trách giúp cho Đảng trong công tác kiểm tra, thi hành kỷ luật, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Là cơ quan kiểm tra chuyên trách do Ban Chấp hành Đảng bộ cùng cấp bầu, nắm vững Điều lệ, có nghiệp vụ, có cán bộ chuyên trách và phương pháp đúng đắn để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao cũng như thực hiện chức năng tham mưu, giúp cấp ủy về công tác kiểm tra, thi hành kỷ luật có chất lượng, hiệu quả.

Việc quy định thẩm quyền thi hành kỷ luật của ủy ban kiểm tra từ cấp huyện, quận và tương đương trở lên như Điều lệ Đảng hiện hành về nguyên tắc không trái với nguyên tắc cấp ủy cấp nào quản lý, đề bạt, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý cán bộ mới có thẩm quyền quyết định các hình thức kỷ luật đối với cán bộ do cấp ủy quản lý. Nếu không phân cấp cho Uỷ ban Kiểm tra xử lý kỷ luật, thì việc xem xét xử lý của cấp ủy sẽ gặp không ít khó khăn. Tất cả cán bộ, đảng viên do cấp ủy quản lý khi vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật đều phải báo cáo cho cấp ủy xem xét xử lý. Và như vậy sẽ không đảm bảo tính kịp thời trong công tác thi hành kỷ luật của Đảng.

Mặt khác, nếu quy định như dự thảo Điều lệ Đảng bổ sung, sửa đổi thì sẽ mâu thuẫn với kết luận 72-KL/TW, ngày 17/5/2010 của Bộ Chính trị về chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2020; trong đó có chủ trương tăng thẩm quyền cho Uỷ ban kiểm tra các cấp.

Từ những lý do trên, tôi đề nghị giữ nguyên thẩm quyền của Uỷ ban kiểm tra như quy định của Điều lệ Đảng hiện hành.

3- Tại Khoản 7, Điều 39, Điều lệ Đảng: giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng đối với đảng viên và tổ chức đảng.

Qua thực tế giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng cho thấy, giải quyết khiếu nại phải có quy trình cụ thể, thẩm quyền giải quyết của cấp nào thì cấp đó quyết định thành lập đoàn để giải quyết. Những năm qua, kể cả nhiệm kỳ trước, cấp ủy vẫn giao cho ủy ban kiểm tra giúp cấp ủy giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng. Kết quả cho thấy: nhiều trường hợp, đảng viên bị kỷ luật đã qua nhiều cấp giải quyết khiếu nại đều chuẩn y hình thức kỷ luật nhưng vẫn tiếp tục khiếu nại đến Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương. Việc giải quyết khiếu nại kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên như Điều lệ Đảng hiện hành quy định đã làm cho tổ chức đảng, đảng viên có xu hướng khiếu nại lên nhiều cấp. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp phải mất nhiều thời gian, công sức để giải quyết, trong khi nhiều trường hợp khiếu nại đã qua nhiều cấp giải quyết khiếu nại đều chuẩn y hình thức kỷ luật của cấp dưới đã quyết định. 

Do vậy, đề nghị chỉ nên quy định trong Điều lệ Đảng khoá XI“ Cấp trên cách một cấp của cấp quyết định thi hành kỷ luật là cấp giải quyết cuối cùng” để khắc phục tình trạng khiếu nại vượt cấp; cấp ủy phải tốn nhiều thời gian, công sức để chỉ đạo giải quyết nhưng kết quả cuối cùng vẫn không thay đổi.

Kính thưa Đại hội !

3 vấn đề tôi phát biểu trên đây chắc chưa đầy đủ, đề nghị các đại biểu quan tâm, tiếp tục thảo luận để làm sáng tỏ thêm.

Kính chúc các đ/c đại biểu sức khoẻ. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

Xin cám ơn. /.


  • |
  • 1155
  • |

News_TinMoiNhat