Tin mới nhất

Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và mối quan hệ công tác của cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ

  • /
  • 10.6.2010 - 0:0

Ngày 13 tháng 5 năm 2010 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận ban hành Quy định Số 2872- QĐ/TU về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và mối quan hệ công tác của cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Thuận.

I. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN

          Điều 1: Chức năng

          1. Là cơ quan tham mưu giúp Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng trong Đảng bộ; thực hiện các nhiệm vụ do Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ giao.

          2. Là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng của Tỉnh uỷ.

          Điều 2: Nhiệm vụ

          1. Nghiên cứu, đề xuất

          a) Xây dựng phương hướng, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát tổ chức đảng cấp dưới; kiểm tra, giám sát đảng viên chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng; giúp Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát.

          b) Đề xuất, đóng góp vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật và những vấn đề có liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên trong Đảng bộ.

          c) Sơ kết, tổng kết về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng bộ.

          2. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổ chức thực hiện

          a) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên theo quy định của Điều lệ Đảng; thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng trong Đảng bộ; chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ đối với uỷ ban kiểm tra và cơ quan uỷ ban kiểm tra cấp dưới.

          b) Tổ chức thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ; chương trình, kế hoạch công tác của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ.

          3. Thẩm định, thẩm tra

          Đề án của các cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể về những nội dung liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng trước khi trình Tỉnh ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh uỷ.

          4. Phối hợp

          a) Phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy trong công tác cán bộ theo phân cấp quản lý.

          b) Phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kiểm tra của các cấp ủy.

          c) Phối hợp với các Ban và Văn phòng Tỉnh uỷ giúp Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế làm việc của Tỉnh uỷ, các quy định, quy chế khác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy.

          5. Thực hiện một số nhiệm vụ khác được Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh uỷ giao

          Điều 3: Quyền hạn

          1. Mở hội nghị hướng dẫn nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng đối với các cấp ủy, các tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy để triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

          2. Các trưởng phòng, phó trưởng phòng, kiểm tra viên cao cấp và kiểm tra viên chính của cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy được dự hội nghị Tỉnh ủy mở rộng để nghe truyền đạt các nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác xây dựng đảng; được dự các hội nghị của các cấp ủy, các tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy và các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể cấp tỉnh bàn về những công việc có liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng bộ tỉnh.

 

II. TỔ CHỨC BỘ MÁY, BIÊN CHẾ VÀ CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC

          Điều 4: Lãnh đạo cơ quan Ủy ban Kiểm tra

          - Lãnh đạo cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy gồm có Chủ nhiệm và không quá 03 Phó Chủ nhiệm.

          - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy là thủ trưởng cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; các phó chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ là phó thủ trưởng cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; trong đó phân công một đồng chí Phó Chủ nhiệm thường trực là phó thủ trưởng thường trực cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy.

          - Thủ trưởng, các phó thủ trưởng cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo Quy chế làm việc của Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ và Quy định này.

          Điều 5: Các phòng nghiệp vụ

          1. Cơ cấu bộ máy cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ, gồm:

          - Văn phòng;

          - Phòng giám sát;

          - Phòng kiểm tra chuyên đề;

          - Phòng kiểm tra khu vực I;

          - Phòng kiểm tra khu vực II.

          2. Chức năng, nhiệm vụ của từng phòng nghiệp vụ do thủ trưởng cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ quyết định.

          Điều 6: Biên chế của cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy do Ban Thường vụ Tỉnh ủy quy định trong tổng biên chế của khối Đảng, Mặt trận, đoàn thể theo phân bổ của Ban Tổ chức Trung ương Đảng. Ngoài biên chế chính thức, cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ được sử dụng lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

          Điều 7: Chế độ làm việc

          1. Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ làm việc theo chế độ thủ trưởng, Chủ nhiệm phụ trách chung và chịu trách nhiệm trước Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực Tỉnh uỷ và cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng về toàn bộ hoạt động của cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ.

          2. Các Phó Chủ nhiệm (phó thủ trưởng) giúp Chủ nhiệm (thủ trưởng) cơ quan Uỷ ban Kiểm tra quản lý, điều hành những mặt công tác của cơ quan Uỷ ban và chịu trách nhiệm trước Chủ nhiệm, đồng thời chịu trách nhiệm liên đới với Chủ nhiệm trước cấp trên về các mặt công tác được phân công. Khi Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm Thường trực đi vắng, một Phó Chủ nhiệm được Chủ nhiệm uỷ quyền điều hành công việc của cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ.

 

III. MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC

          Điều 8:  Nguyên tắc chung khi thực hiện các mối quan hệ công tác

          Cơ quan Uỷ ban kiểm tra Tỉnh uỷ là cơ quan tham mưu giúp Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ thực hiện các nhiệm vụ do Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ giao; đồng thời là cơ quan chuyên môn của Tỉnh uỷ về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng bộ tỉnh. Theo đó, ngoài việc giúp Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ thực hiện tốt các mối quan hệ công tác được quy định trong Quy chế làm việc của Uỷ ban kiểm tra Tỉnh uỷ, cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ thực hiện các mối quan hệ công tác được nêu tại Điều 9 dưới đây.

          Điều 9: Các mối quan hệ công tác

          1. Quan hệ với cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng

          Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát về chuyên môn, nghiệp vụ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng; định kỳ báo cáo tình hình kết quả công tác với cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng theo quy định.

          2. Quan hệ với Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy

          Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chịu sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện về mọi mặt, mà trực tiếp và thường xuyên là Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực Tỉnh uỷ; thực hiện chế độ báo cáo, đề xuất các vấn đề theo chức năng, nhiệm vụ với Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực Tỉnh uỷ.

          3. Quan hệ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh

          Quan hệ giữa cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh là quan hệ phối hợp nghiên cứu, hướng dẫn, triển khai nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế của Trung ương, của Tỉnh uỷ về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao.

          4. Quan hệ với các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các ban và Văn phòng Tỉnh ủy

          Là quan hệ phối hợp để thực hiện tốt các nhiệm vụ do Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan.

          5. Quan hệ với cấp uỷ và cơ quan Uỷ ban Kiểm tra của cấp uỷ cấp dưới

          - Quan hệ giữa cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ với các huyện, thị, thành uỷ và đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ là mối quan hệ phối hợp, trao đổi, hướng dẫn, góp ý việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật trong các đảng bộ trực thuộc theo phân cấp.

          - Quan hệ giữa cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ với cơ quan Uỷ ban Kiểm tra các huyện, thị, thành uỷ và đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ là mối quan hệ chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra giám sát về chuyên môn, nghiệp vụ; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành kiểm tra.

 

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

          Điều 10: Căn cứ Quy định này, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ xây dựng quy chế làm việc cụ thể; quy định chức năng, nhiệm vụ và biên chế của các phòng nghiệp vụ của cơ quan để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

          Điều 11: Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

          Trong quá trình thực hiện nếu có điểm nào chưa phù hợp, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy kịp thời báo cáo (qua Ban Tổ chức Tỉnh uỷ) để Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định./.


  • |
  • 1028
  • |