Tin mới nhất

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC KIỂM TRA TỔ CHỨC ĐẢNG VÀ ĐẢNG VIÊN KHI CÓ DẤU HIỆU VI PHẠM

Dấu hiệu vi phạm là những hiện tượng cho thấy có sự không tuân theo, không làm hoặc làm trái một hoặc một số điều quy định và dấu hiệu vi phạm mới chỉ là hiện tượng, chưa phải là bản chất nên tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm chưa được coi là có vi phạm; chỉ khi nào kết quả kiểm tra kết luận có sai phạm thì tổ chức đảng, đảng viên đó mới có vi phạm cần xem xét, xử lý.

Kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện có hiệu quả để góp phần ngăn ngừa, hạn chế sai phạm của tổ chức đảng và đảng viên, phát huy ưu điểm, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không để khuyết điểm trở thành vi phạm, vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn, vi phạm ít nghiêm trọng trở thành vi phạm nghiêm trọng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.

Xác định công tác kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm là nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban kiểm tra các cấp được quy định trong Điều lệ Đảng. Năm 2017, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 01 tổ chức Đảng, 09 đảng viên (trong đó có 06 đảng viên là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý). Qua kiểm tra kết luận tổ chức Đảng có thiếu sót, khuyết điểm, đã yêu cầu tổ chức đảng nghiêm túc rút kinh nghiệm; 09 đảng viên đều có vi phạm và đã thi hành kỷ luật 07 đảng viên (khiển trách 06, cảnh cáo 01); 02 đảng viên có vi phạm nhưng chưa đến mức phải thi hành kỷ luật, đã kiểm điểm rút kinh nghiệm; Uỷ ban kiểm tra các đơn vị trực thuộc và cơ sở đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 06 tổ chức đảng và 78 đảng viên (trong đó có 41 trường hợp là cấp ủy viên các cấp). Qua kiểm tra kết luận 06 tổ chức đảng đều có vi phạm và đã thi hành kỷ luật 01 tổ chức đảng, 05 tổ chức đảng có vi phạm nhưng chưa đến mức phải thi hành kỷ luật, đã đề nghị kiểm điểm, rút kinh nghiệm nghiêm túc; 69 đảng viên có vi phạm (đã thi hành kỷ luật 41 trường hợp, 28 trường hợp kiểm điểm rút kinh nghiệm).

Qua công tác kiểm tra dấu hiệu vi phạm đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; kịp thời khắc phục, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm và xử lý những trường hợp sai phạm, phục vụ nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng của địa phương, cơ quan, đơn vị, góp phần đấu tranh ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm của ủy ban kiểm tra các cấp vẫn còn bộc lộ những hạn chế: Một số nơi nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa tác dụng của nhiệm vụ này, thiếu chủ động nắm tình hình để xây dựng kế hoạch kiểm tra; một số cán bộ kiểm tra còn có tư tưởng né tránh, thiếu quyết tâm, ngại va chạm, nhất là khi tiến hành kiểm tra đối với đảng viên là cấp ủy viên, cán bộ chủ chốt; một số nơi chờ rõ vi phạm mới tiến hành kiểm tra; chất lượng hiệu quả của một số cuộc kiểm tra còn thấp; cán bộ làm công tác kiểm tra có mặt còn hạn chế, chưa tích cực nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn đầy đủ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ công tra kiểm tra, giám sát nói chung, công tác kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm nói riêng trong thời gian tới, cần tập trung vào việc tiếp tục đổi mới công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, trọng tâm là triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ  và Chỉ thị số 05-CT/TW, của Bộ Chính trị, về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tập trung kiểm tra, giám sát những nơi có nhiều bức xúc, nổi cộm, được đảng viên, quần chúng và dư luận quan tâm, những nơi dễ xảy ra sai phạm, trước hết là về chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, chế độ công tác, sinh hoạt Đảng, quan liêu, thiếu trách nhiệm, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, bệnh thành tích, bao che cho cấp dưới vi phạm, thực hiện quy tắc ứng xử, về giữ gìn đạo đức, lối sống để chủ động phòng ngừa vi phạm từ khi còn manh nha, ngay tại cơ sở, từ trong đảng bộ, chi bộ. Chú trọng giám sát đảng viên là người đứng đầu cấp ủy, cán bộ chủ chốt trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp,... về năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành, về phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách và tính tiên phong, gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Đề cao tự kiểm tra của đảng bộ, chi bộ, trước hết là tự kiểm tra của người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo chủ chốt của cấp ủy, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp. Coi trọng kiểm tra, giám sát công tác cán bộ; việc sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ; việc phân tích chất lượng đảng viên, nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức hàng năm của các chi bộ, đảng bộ, cơ quan, đơn vị.

Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; xây dựng đảng ngày càng trong sạch vững mạnh.


Các tin khác