Thực tế cho thấy, từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn chú trọng vấn đề giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thời gian gần đây, các quy định về giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng và thực hiện nêu gương đã được ban hành một cách có hệ thống như: Quy định số 101-QÐ/TW, ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30/10/2016 của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” và Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương...
Trên cơ sở các quy định trên, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải có chuẩn mực đạo đức và văn hóa ứng xử, Ngành Kiểm tra Đảng cũng không có ngoại lệ. Ngoài những phẩm chất, đạo đức của người cán bộ, công chức, cán bộ kiểm tra cần có những phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp riêng. Đó là hành vi ứng xử của cán bộ kiểm tra trong hoạt động chuyên môn và trong mối quan hệ với đơn vị, cá nhân được kiểm tra, giám sát và là tiêu chí để mỗi cán bộ kiểm tra rèn luyện, phấn đấu. Đảng và nhân dân luôn mong muốn cán bộ kiểm tra ngoài bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt, cần phải có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp trong sáng và ứng xử có văn hóa.
Do đó, yêu cầu trước hết của người cán bộ kiểm tra phải trung thành với Đảng, luôn đặt lợi ích của Đảng lên hàng đầu, có tính chiến đấu cao, bản lĩnh vững vàng và đạo đức nghề nghiệp, say mê với nghề, tận tâm với nhiệm vụ được giao, không quản ngại khó khăn, nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ.
Thứ hai, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, đòi hỏi cán bộ kiểm tra phải công minh, chính trực, tôn trọng sự thật, dám bảo vệ lẽ phải, có chính kiến rõ ràng; tuân thủ các quy trình, phương pháp nghiệp vụ, quy định, hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; mọi nhận xét, đánh giá, kết luận phải phản ánh đúng bản chất của sự việc, hiện tượng; chấp hành nghiêm quy định và việc phân công nhiệm vụ của đoàn, tổ kiểm tra, giám sát; giữ gìn bí mật, kỷ luật phát ngôn; không được hách dịch, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đơn vị, cá nhân được kiểm tra, giám sát.
Thứ ba, cán bộ kiểm tra phải thực sự có tài năng và tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng, có tri thức, có trách nhiệm, có ý thức tổ chức kỷ luật, có phương pháp ứng xử mẫu mực; tác phong luôn chững chạc, đàng hoàng, lịch sự; giao tiếp và ứng xử có văn hóa; tiếp xúc với đối tượng được kiểm tra, giám sát phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến của đối tượng, giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về các quy định liên quan đến giải quyết công việc.
Thứ tư, đối với đồng nghiệp phải luôn tôn trọng, hợp tác với đồng nghiệp; chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, thường xuyên học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác; có tinh thần đoàn kết và tình cảm cách mạng sâu sắc. Đoàn kết vì lợi ích chung, không để chủ nghĩa cá nhân len vào làm suy yếu sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Biết thương yêu, quý trọng đồng chí nhưng không vì thế mà xuê xoa, bỏ qua sai lầm, khuyết điểm của đồng chí, không xa lánh mà phải gần gũi giúp đỡ đồng chí khi có sai lầm, khuyết điểm. Đối với bản thân, luôn cầu thị, khiêm tốn học hỏi; đặt lợi ích của tập thể lên trên. Có ý thức tổ chức kỷ luật, phục tùng sự phân công, điều động của tổ chức.
Thực hiện Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới nhằm để mỗi cán bộ kiểm tra phấn đấu, rèn luyện; xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách. Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân./.