Tin mới nhất

Một số giải pháp chủ yếu về thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội qua “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”

Thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; qua học tập, nghiên cứu chuyên đề năm 2024 Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội và thực trạng việc thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội hiện nay ở tỉnh Bình Thuận, thể hiện rõ nét một số nội dung chính sau:

Về dân chủ, thực hành dân chủ: Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”. Người coi dân chủ là thứ quý báu của dân, là một giá trị, một tài sản do nhân dân đấu tranh mà có được cho nên nhân dân phải là chủ và được làm chủ: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ”. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. “...thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”. Hồ Chí Minh cho rằng thực hành dân chủ thực sự phát huy tác dụng khi nó trở thành phong trào của nhân dân; điều đó sẽ phát huy được rộng rãi, tối đa nhất quyền hành, lực lượng, trí tuệ của nhân dân để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của cách mạng và việc thực hành dân chủ rộng rãi, thực chất sẽ giúp cho Đảng lãnh đạo, cầm quyền được tốt hơn. Về thực hành dân chủ trong Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cần xây dựng lối làm việc dân chủ. Bởi vậy, Người luôn căn dặn cán bộ: “Tác phong phải dân chủ, dựa vào lực lượng quần chúng, học hỏi sáng kiến của quần chúng để lãnh đạo quần chúng”. Mỗi đảng viên phải nhận trách nhiệm cá nhân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

Theo Bác, pháp luật là một trong những yếu tố không thể thiếu trong việc thiết lập và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Mọi quyền của người dân phải được thể chế hóa bằng Hiến pháp và pháp luật, đây là những công cụ ghi nhận và bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân trong thực tế, đồng thời là cơ sở để bảo vệ người dân trong trường hợp các quyền của người dân bị vi phạm, như Người đã khẳng định:“Phép luật là phép luật của nhân dân, dùng để ngăn cản những hành động có hại cho nhân dân, để bảo vệ lợi ích chung của đại đa số nhân dân”.

Ngay từ Hiếp pháp đầu tiên năm 1959, tại Điều 6 Hiến pháp: Tất cả các nhân viên cơ quan Nhà nước đều phải trung thành với chế độ dân chủ nhân dân, tuân theo Hiến pháp và pháp luật, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Với tinh thần tối thượng của Hiến pháp như vậy, tất cả cán bộ, nhân dân đều có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật, không một ai được đặt mình trên pháp luật hay ngoài pháp luật, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh mọi việc của Nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước đều phải vì lợi ích của nhân dân, đảm bảo quyền tự do, dân chủ cho nhân dân nhưng đồng thời cũng không được xem nhẹ yêu cầu đảm bảo kỷ luật, kỷ cương của Nhà nước. Xây dựng và thi hành kỷ luật, kỷ cương là một nguyên tắc của pháp chế xã hội chủ nghĩa vì “Nếu không thưởng thì không có khuyến khích; nếu không có phạt thì không giữ vững kỷ luật. Thưởng phạt nghiêm minh là cần thiết”.

Như vậy, theo Bác, pháp chế không chỉ gắn liền với dân chủ mà còn gắn chặt với kỷ cương, kỷ luật của Nhà nước, không chấp nhận những hành động tự do quá trớn. Chỉ như vậy mới tránh được những hành vi tự phát, tự do vô chính phủ, sự hỗn loạn, sự lạm dụng dân chủ để phá hoại dân chủ của nhân dân.

Thực tế, trong thời gian qua, việc thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội ở tỉnh Bình Thuận đã đạt được một số kết quả nhất định về thực hành dân chủ trong Đảng; dân chủ trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; việc thực hiện dân chủ được thể hiện tốt ở tất cả các địa bàn dân cư, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, lĩnh vực xã hội, tăng cường pháp chế, đảm bảo kỷ cương xã hội, trong đó có Cơ quan, Chi bộ Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ.

Để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa về thực hành dân chủ, tăng cường pháp chế, đảm bảo kỷ cương xã hội theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn tỉnh nói chung và trong cơ quan, Chi bộ Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ nói riêng, thiết nghĩ cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau: 

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội.

Thứ hai, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng

Thứ ba, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; nhận diện, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Thứ tư, tiếp tục sắp xếp, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy gắn với kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan từ tỉnh đến cơ sở.

Thứ năm, tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm và quyết tâm chính trị của cấp ủy, tổ chức đảng, trước hết là người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.

Thứ sau, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Thực hành nghiêm Quy chế dân chủ cơ sở./.

  

 

 

                                                              


Các tin khác