Tin mới nhất

Kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ

Ngày 02/6/2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó xác định mục tiêu chiến lược là Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết số 49-NQ/TW được ban hành phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội IX của Đảng về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế.

Ngày 19/9/2011, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 39-QĐ/TW thành lập Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương nhiệm kỳ 2011-2016. Đây là cơ quan tham mưu, giúp Bộ Chính trị chỉ đạo việc triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cải cách tư pháp. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp của Trung ương, các ban cán sự đảng, đảng đoàn các cơ quan tư pháp Trung ương và ban chỉ đạo cải cách tư pháp các tỉnh ủy, thành ủy, công tác cải cách tư pháp đã đạt được những kết quả quan trọng.

          Trên tinh thần đó, sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận ban hành Kế hoạch số 05-KH/TU ngày 04/4/2006 về thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp, Thủ trưởng cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã tổ chức quán triệt đến 100% cán bộ, đảng viên trong cơ quan để nắm tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương cải cách hoạt động tư pháp trong toàn tỉnh. Đồng thời sau đó, Thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã cho sao gửi đến các đồng chí trong Thường trực và Ủy viên chuyên trách Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 07/7/2007 của Bộ Chính trị về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng để nghiên cứu, tham mưu và nghiêm túc triển khai thực hiện những nội dung có liên quan đến chức năng nhiệm vụ của ngành, đến nay, đã đạt được một số kết quả, nổi lên cụ thể là:

- Từ năm 2006 đến tháng 6/2019, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã phối hợp cùng các cơ quan có liên quan tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành 03 kế hoạch và tiến hành kiểm tra đối với 20 tổ chức đảng; giám sát đối với 10 tổ chức đảng; nội dung: về việc triển khai, thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 05-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cải cách tư pháp; về  kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự; về kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng.

Tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, thi hành kỷ luật đối với 03 tổ chức và 03 đảng viên. Nổi bật là, năm 2018, Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy phối hợp với các cơ quan có liên quan tham  Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiến hành kiểm điểm trách nhiệm đối với 03 tổ chức đảng có liên quan đến việc điều tra, truy tố, xét xử gây oan sai đối với ông Huỳnh Văn Nén trong vụ án “bà Lê Thị Bông”.

- Trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, chức năng của mình, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy luôn chú trọng việc giám sát thường xuyên, kết hợp với giám sát chuyên đề đối với các cơ quan tư pháp trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW và Chỉ thị số 15-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X), đồng thời chủ động tiến hành kiểm tra, xem xét xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên các cơ quan tư pháp vi phạm về chức trách, nhiệm vụ, cũng như việc tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, những điều đảng viên không được làm, cụ thể:

Từ năm 2006 đến tháng 6/2019, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm 02 đảng viên; giải quyết tố cáo đối với 08 đảng viên; xem xét, thi hành kỷ luật 15 đảng viên có liên quan về lĩnh vực này. Qua đó, đã đề nghị cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền tổ chức kiểm điểm nghiêm túc đối với các đồng chí vi phạm.

Đã tiến hành xem xét, thi hành kỷ luật 15 đảng viên; trong đó, đã tiến hành kiểm điểm, xem xét trách nhiệm đối với 12 cá nhân có liên quan đến việc điều tra, truy tố, xét xử gây oan sai đối với ông Huỳnh Văn Nén trong vụ án “bà Lê Thị Bông”; kết quả, đã xem xét, thi hành kỷ luật: cảnh cáo 06 đảng viên khiển trách 04 đảng viên và kiểm điểm rút kinh nghiệm 02 đảng viên.

Ngoài ra, đã tiến hành kiểm tra đối với 02 lượt tổ chức đảng, giám sát đối với 04 tổ chức đảng và 05 đồng chí là người đứng đầu cơ quan, cấp ủy trong các cơ quan tư pháp về: Trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo xét xử, thực hiện kế hoạch đào tạo, quy hoạch và giải quyết đơn khiếu nại; công tác xây dựng Đảng, việc nêu gương, gương mẫu của đảng viên và các hoạt động khác có liên quan đến nhiệm vụ được giao.

Qua công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp đã giúp cho cấp ủy các cấp nắm tình hình và chỉ đạo sát hơn trong hoạt động cải cách tư pháp ở địa phương; đồng thời giúp cho các cơ quan tư pháp nắm rõ hơn chủ trương của Trung ương, của tỉnh đối với hoạt động tư pháp để phát huy những ưu điểm, khắc phục những khuyết điểm trong thực thi pháp luật phù hợp với tình hình thực tiễn.

Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy trong hoạt động cải cách tư pháp đối với các cơ quan tư pháp thời gian qua tuy có chú ý nhưng chưa được nhiều, nên hạn chế trong việc phát hiện vi phạm về lĩnh vực tư pháp và vi phạm của cán bộ, đảng viên công tác trong các cơ quan tư pháp.

Để tiếp tục góp phần thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, cũng như các văn bản của Tỉnh ủy, của Trung ương về nội dung này, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ đề phương hướng và một số nhiệm vụ trong thời gian tới như sau:

- Chủ động tham mưu xây dựng chương trình, kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng, người đứng đầu trong các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp về tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao; về công tác tổ chức, bố trí, sắp xếp, đào tạo cán bộ của các cơ quan tư pháp thuộc tỉnh.

- Chủ động tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, xử lý, giải quyết kịp thời cán bộ, đảng viên vi phạm thuộc thẩm quyền hoặc đề nghị tổ chức đảng có thẩm quyền xử lý kịp thời đối với cán bộ, đảng viên trong lĩnh vực tư pháp, bổ trợ tư pháp.

- Chú ý, quan tâm đến việc theo dõi, đôn đốc giải quyết, xử lý dứt điểm các đơn thư tố cáo, phản ánh liên quan đến cán bộ hoạt động trong ngành tư pháp của tỉnh./.


Các tin khác

News_TinMoiNhat