Tin mới nhất

Một số vấn đề cần lưu ý trong công tác thẩm tra, xác minh

  • NTH
  • /
  • 20.3.2019 - 13:44

Thẩm tra, xác minh trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng là việc chủ thể kiểm tra tiến hành các hoạt động phát hiện, tìm kiếm, thu thập, xem xét, tra cứu, thẩm định, đánh giá những thông tin, chứng cứ tài liệu đã thu thập được theo phương pháp công tác đảng để tìm ra sự thật, chỉ đúng bản chất các thông tin, chứng cứ đó nhằm chứng minh đối tượng được kiểm tra có hay không có khuyết điểm hoặc vi phạm, giúp cho việc kết luận, xử lý bảo đảm công minh, chính xác, kịp thời. Kết quả và chất lượng của thẩm tra, xác minh ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định cuối cùng của tổ chức đảng có thẩm quyền. Vì vậy quá trình thực hiện cần lưu ý một số công việc trọng tâm sau đây:

Làm tốt việc thu thập thông tin, bằng chứng:

Trước hết phải nghiên cứu sâu kỹ các hồ sơ, tài liệu hiện có; đánh giá tính khách quan, hợp lý, hợp pháp của tài liệu, xác định những thông tin, tài liệu có liên quan cần tiếp tục phải thu thập. Trên cơ sở đó đặt vấn đề với tổ chức Đảng, với cơ quan, đơn vị hoặc cá nhân có liên quan yêu cầu cung cấp những thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến nội dung kiểm tra. Điều quan trọng là phải xác định rõ nên tiếp xúc, thu thập thông tin với đối tượng nào trước, đối tượng nào sau để thông tin, chứng cứ thu thập bảo đảm tính khách quan, trung thực. Qua tiếp xúc với đối tượng này, nếu phát hiện những tình tiết mới, cần làm sáng tỏ thì nên khẩn trương triển khai tiếp xúc với đối tượng có liên quan để làm rõ những nội dung cần xác minh.

Tìm hiểu, phân tích nắm bắt tâm lý của người có đơn tố cáo, các đối tượng cung cấp thông tin:

Tâm lý phổ biến của những người tố cáo, khiếu kiện là thái độ mặc cảm, thậm chí là ác cảm. Họ muốn và đòi tổ chức, đòi cấp trên phải tin mình, nghe mình và xem xét, kết luận xử lý theo ý của mình. Tâm trạng mang nặng định kiến với người bị tố cáo. Do đó luôn tìm cách cường điệu hóa, quan trọng hóa thông tin từ nội dung, số liệu đến tính chất và cả từ ngữ, lời lẽ gay gắt, nặng nề. Tìm cách loan truyền thông tin cho nhiều người, nhiều nơi, nhiều cấp càng nhiều càng tốt, nhằm tạo nên áp lực nhiều phía. Vì thế thẩm tra, xác minh cần tránh hai khuynh hướng: Một là, quá tin vào nội dung tố cáo, bị áp lực của tố cáo, dư luận chi phối làm mất khách quan, nảy sinh định kiến. Hai là, thấy nội dung tố cáo đã chuyển sang vu cáo, quá xa sự thật là đã bác bỏ ngay, phủ định tất cả, mà không bình tĩnh phân tích, sàng lọc, thẩm định để tìm ra sự thật.

Thực hiện đối thoại, đối chứng, đối chất:

Đối thoại, đối chứng, đối chất sẽ đưa ra ánh sáng những vấn đề bị che đậy hoặc dàn dựng bởi động cơ không trong sáng hoặc phương pháp thiếu chuẩn xác của đối tượng cũng như của các chủ thể kiểm tra. Việc đối thoại được tiến hành hai bên hoặc nhiều bên, giữa các chủ thể kiểm tra với đối tượng kiểm tra; giữa những người cung cấp thông tin và những người chứng kiến thông tin hoặc đã được tiếp cận thông tin. Lưu ý cán bộ chủ trì phải có bản lĩnh vững vàng, có trình độ tư duy pháp lý, có phương pháp điều khiển, nắm chắc vấn đề, hiểu biết tâm lý các đối tượng, biết khơi gợi ý kiến, hướng nội dung vào trọng tâm, biết làm trọng tài khi nảy sinh các tình huống gay cấn, tế nhị, phức tạp; biết kết luận và kết thúc đối chất đúng lúc, đúng thời điểm đem lại hiệu quả thẩm tra, xác minh tốt nhất.

Thu thập, sàng lọc thông tin qua công luận và dư luận xã hội:

Việc tìm chứng lý kiểm tra thông qua công luận và dư luận là rất quan trọng. Công luận và dư luận xã hội có tác dụng khá lớn đối với thẩm tra, xác minh của Đảng, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hoạt động thẩm tra, xác minh cần theo dõi chặt, nắm bắt các thông tin của dư luận, nhất là từ các báo đài, sẽ giúp phát hiện ra các đầu mối có liên quan đến chứng cứ, chứng lý.

Thực hiện phương pháp phân tích biện chứng:

Những thông tin, bằng chứng đã thu thập được nghiên cứu, phân tích, đánh giá lại tính khách quan, xác thực, hợp pháp, hợp lý của chúng. Trên cơ sở đó, bằng phương pháp phân tích, so sánh, đối chiếu, quy nạp với quan điểm lịch sử, cụ thể và bằng kiến thức, kinh nghiệm công tác, kinh nghiệm sống, sự tinh tế, nhạy cảm của mình, cán bộ kiểm tra phải lật đi, lật lại vấn đề, đặt các giả thuyết và sử dụng những thông tin, tài liệu, bằng chúng đã thu thập được để chứng minh, khẳng định hoặc bác bỏ giả thuyết, loại dần những giả thuyết không hợp lý để cuối cùng có một kết luận đúng với sự thật. Mọi hành vi vi phạm, khuyết điểm của các đối tượng kiểm tra phải được thể hiện rõ ràng cụ thể trên hồ sơ, không thể hiện đầy đủ chính xác thì không được kết luận, xử lý.

Tóm lại, hoạt động thẩm tra, xác minh là một khâu trọng yếu trong nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Đảng nhưng hoàn toàn không phải là một khâu khép kín riêng biệt mà gắn kết với nhiều khâu khác, xuyên suốt từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc hoạt động kiểm tra. Để hoạt động thẩm tra, xác minh đạt kết quảt tốt đòi hỏi cán bộ kiểm tra phải có tinh thần trách nhiệm cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật; có nghiệp vụ chuyên sâu, có kiến thức nhiều mặt, nắm chắc phương pháp công tác Đảng; có tác phong làm việc tỉ mỹ, cụ thể, thận trọng, có phương pháp công tác khoa học. Để có được những điều đó, người cán bộ kiểm tra phải tự giác và thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện về mọi mặt. Không làm bất cứ điều gì khuất tất, mọi hành động phải trong sáng, rõ ràng, minh bạch. Đặt biệt, phải không ngừng tự học tập để nâng cao trình độ, kiến thức các mặt của xã hội, nâng cao trình độ chính trị, nhạy bén với thực tiễn cuộc sống tạo nên phẩm chất tốt và năng lực giỏi của người cán bộ trực tiếp tiến hành hoạt động thẩm tra, xác minh.


Các tin khác

News_TinMoiNhat