Tin mới nhất

Mối quan hệ giữa thực hành dân chủ với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội

Thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội là mối quan hệ có ảnh hưởng rộng lớn đối với mọi mặt của đời sống xã hội, phản ánh tính ưu việt của hệ thống chính trị Việt Nam, đồng thời có vai trò quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Thực hành dân chủ là tiến trình đưa các quan điểm, lý luận, lý thuyết dân chủ vào hiện thực cuộc sống; là việc cụ thể hóa, hiện thực hóa các quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật về dân chủ, bảo đảm cho mọi người dân thực hiện quyền làm chủ của mình. Pháp chế là một chế độ xã hội đặc biệt đòi hỏi mọi chủ thể phải nghiêm chỉnh và triệt để tuân theo hiến pháp và pháp luật. Tăng cường pháp chế là tăng cường quản lý mọi hoạt động của xã hội bằng pháp luật và kỷ cương xã hội là tạo lập và duy trì một trật tự xã hội theo quy định của pháp luật.

Thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế là hai mặt của một thể thống nhất, có mối quan hệ biện chứng, không đối lập với nhau, là vấn đề có tính quy luật trong quản lý xã hội. Mối quan hệ biện chứng thể hiện ở chỗ, khi pháp chế được tăng cường thì các quyền dân chủ của Nhân dân sẽ được bảo đảm và được bảo vệ bằng pháp luật. Khi pháp luật được mọi người cùng tuân thủ một cách thượng tôn thì khi ấy dân chủ đã được thực hành một cách tự nhiên và thực chất. Dân chủ nếu không có kỷ cương, không dựa trên luật pháp thì sẽ dẫn đến sự rối loạn, mất trật tự, xã hội khó phát triển một cách bình đẳng. Vì thế, cùng với dân chủ, việc tăng cường pháp chế gắn liền với quản lý mọi hoạt động của xã hội bằng pháp luật, không để một lĩnh vực nào của xã hội thiếu sự điều chỉnh của pháp luật hoặc không được pháp luật điều chỉnh.

Vì vậy, việc thực hiện tốt mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội sẽ góp phần đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn, quá trình lãnh đạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta luôn xác định và thực hiện tốt mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội đã chỉ đạo ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự quyết tâm, nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị, các quy định pháp luật của Nhà nước ngày càng đầy đủ và hoàn thiện, tạo điều kiện tối đa cho việc thực hành dân chủ. Người dân ngày càng được tham gia nhiều hơn, trực tiếp hơn vào quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, người dân cũng được pháp chế xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng; khi quyền và lợi ích bị xâm phạm thì được pháp luật bảo vệ.

Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về bảo đảm dân chủ cũng còn một số bất cập, hạn chế, làm cho tính kỷ cương pháp chế chưa được bảo đảm, như việc thực hiện quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở còn mang tính hình thức; nội dung tham gia của Nhân dân vào các hoạt động của chính quyền cơ sở và của các cấp chính quyền, đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng, ban hành các quyết định hành chính còn hạn chế; cơ chế đối thoại giữa chính quyền và người dân chưa được thực hiện thường xuyên, hiệu quả. Ngoài ra, một bộ phận người dân chưa quan tâm đến những vấn đề của địa phương, ít tham dự các buổi họp ở thôn, tổ dân phố nên chưa nắm bắt kịp thời chủ trương, chính sách hoặc không tham gia đóng góp ý kiến nên chính quyền không thể tập hợp đầy đủ mong muốn chính đáng và ý kiến xác đáng của mọi người dân.

Để tăng cường mối quan hệ giữa thực hành dân chủ với tăng cường pháp chế và bảo đảm kỷ cương xã hội, trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức cho Nhân dân thực hiện quyền của mình theo đúng quy định của pháp luật. Tổ chức triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đầy đủ, nghiêm túc.

Thứ hai, tăng cường các biện pháp tuyên truyền giáo dục ý thức pháp luật để mọi người dân nắm bắt được các quy định của pháp luật; đồng thời thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ công dân đối với Nhà nước và xã hội.

Thứ ba, đẩy mạnh xây dựng các điều kiện để bảo đảm thực hành dân chủ. Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa cho người dân, tạo điều kiện để Nhân dân thực hành dân chủ.

Thứ tư, xử lý nghiêm các hành vi gây cản trở, khó khăn cho việc thực hiện quyền công dân, các hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ để xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước, xâm phạm tới quyền và lợi ích của Nhà nước, tổ chức và cá nhân.  

 


Các tin khác