Tin mới nhất

Chú trọng khâu thẩm tra, xác minh nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát của Đảng

Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, nêu rõ: “Chủ thể kiểm tra, giám sát khi thực hiện nhiệm vụ phải thẩm tra, xác minh, phân tích, đánh giá, làm rõ kết quả đạt được, khuyết điểm, hạn chế, tồn tại, vi phạm (nếu có); nguyên nhân của khuyết điểm, tồn tại, hạn chế, vi phạm và kết luận đối với tổ chức đảng, đảng viên”. Như vậy, hoạt động thẩm tra, xác minh là yêu cầu bắt buộc trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; chất lượng của hoạt động thẩm tra, xác minh có ý nghĩa quyết định đến tính chuẩn xác, khách quan của các kết luận kiểm tra, giám sát và tính công minh, xác đáng của các quyết định kỷ luật; đồng thời giúp tổ chức đảng và đảng viên được kiểm tra, giám sát nhận thấy được mặt ưu điểm để phát huy, hạn chế, khuyết điểm hoặc vi phạm (nếu có) để sửa chữa, khắc phục, phấn đấu tiến bộ.

Thẩm tra, xác minh trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng được hiểu là quá trình các tổ chức đảng có thẩm quyền hoặc cán bộ kiểm tra được tổ chức đảng có thẩm quyền phân công tiến hành các hoạt động tìm kiếm, phát hiện, thu thập, xem xét, tra cứu, thẩm định, đánh giá và sử dụng các chứng cứ; phân tích sự liên hệ và phù hợp giữa các chứng cứ với nhau trong từng vụ việc được kiểm tra theo phương pháp công tác đảng để tìm ra sự thật, chỉ rõ bản chất của sự việc, có hay không có khuyết điểm, vi phạm, nguyên nhân khách quan, chủ quan, tính chất, mức độ vi phạm, hậu quả; từ đó đưa ra kết luận.

Yêu cầu cơ bản của thẩm tra, xác minh trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng là tìm ra bản chất, chỉ ra đúng sự thật bằng chứng cứ và được kiểm chứng trên cơ sở khoa học, khách quan. Các kết luận kiểm tra, giám sát, quyết định xử lý kỷ luật đạt đến độ chuẩn xác nào và hiệu quả đến đâu, chủ yếu tuỳ thuộc vào kết quả và độ đầy đủ chuẩn xác của các thông tin, chứng cứ, hồ sơ, tài liệu thu thập được trong hoạt động thẩ m tra, xác minh.

Đối với công tác kiểm tra của Đảng, phần lớn là kiểm tra vụ việc đã xảy ra trong quá khứ, ngay cả những việc đang có khiếu nại, tố cáo cũng là những việc đã xảy ra, có những việc mới xảy ra, có những việc đã xảy ra từ nhiều năm trước, vì thế ít khi còn nguyên dạng, không có “hiện trường” không có yếu tố “quả tang” và nhiều khi không còn nguyên và đầy đủ chứng cứ. Nhiều việc đã bị “biến dạng” bằng nhiều cách thức một cách tinh vi... do nhiều nguyên nhân khác nhau, vì vậy phải coi trọng và thận trọng công tác thẩm tra, xác minh. Sau kiểm tra phải kết luận rõ đúng, sai, nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm (nếu có) và căn cứ các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, tự giác khắc phục hậu quả trên cơ sở đó xem xét, xử lý kỷ luật hoặc đề nghị thi hành kỷ luật theo thẩm quyền.

Thời gian qua, nhận thức được vị trí, tầm quan trọng của hoạt động thẩm tra, xác minh; trong quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát, các tổ chức đảng có thẩm quyền đã tuân thủ và chấp hành nghiêm túc các nguyên tắc của Đảng, quy trình nghiệp vụ, chú trọng hoạt động thẩm tra, xác minh, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Nhờ thực hiện chặt chẽ hoạt động thẩm tra, xác minh, hầu hết các tổ chức đảng và đảng viên đồng tình, chấp hành nghiêm túc các kết luận kiểm tra, giám sát và quyết định kỷ luật của tổ chức đảng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số cuộc kiểm tra, giải quyết tố cáo thẩm tra, xác minh chưa kỹ, chưa tìm được chứng cứ nên nhận định, kết luận còn chung chung hoặc chưa đủ cơ sở kết luận, dẫn đến người tố cáo không đồng tình, có trường hợp tái tố hoặc tố vượt cấp. Vì vậy, có thể khẳng định, hoạt động thẩm tra, xác minh có vị trí rất quan trọng, quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.

Thẩm tra, xác minh là công việc khó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả, ngoài việc thường xuyên nghiên cứu sâu quy định, hướng dẫn của Đảng, của Ngành, tham gia tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm để rèn luyện kỹ năng, đòi hỏi cán bộ kiểm tra phải bản lĩnh, nhạy bén, có tư duy phân tích, đánh giá sự việc, bên cạnh đó cần lưu ý một số nội dung sau:

(1) Vi phạm của đảng viên ngày càng tinh vi, phạm vi không chỉ giới hạn trong nội bộ tổ chức đảng mà còn liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực; vì vậy, trong hoạt động thẩm tra, xác minh, ngoài việc dựa vào tổ chức đảng, phát huy tinh thần tự giác, tự phê bình và phê bình của tổ chức đảng và đảng viên thì cần phải coi trọng khâu nắm, sàng lọc thông tin từ dư luận bên ngoài, cơ quan báo chí phản ánh, nhất là phát huy trách nhiệm xây dựng Đảng của quần chúng và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa công tác kiểm tra của Đảng với công tác thanh tra, giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, tổ chức có liên quan.

 (2) Mỗi cuộc kiểm tra, giám sát có đối tượng, nội dung không giống nhau do đó tùy từng vụ việc mà xác định, lựa chọn phương pháp thẩm tra, xác minh phù hợp. Song, điểm chung là xây dựng được kế hoạch thẩm tra, xác minh, xác định những thông tin cần thu thập và tổ chức, cá nhân nào cần tiếp xúc, trao đổi (kế hoạch càng chi tiết, rõ ràng, bao quát sẽ thuận lợi hơn cho hoạt động thẩm tra, xác minh). Mặt khác, phần lớn đối tượng kiểm tra, giám sát là cán bộ có chức vụ, hiểu biết pháp luật và kinh nghiệm trong công tác, do đó cần chuẩn bị nội dung trước khi làm việc với đối tượng (dự kiến những tình huống có thể phát sinh và cách giải quyết, những câu hỏi như: “Trong điều kiện hoàn cảnh nào mà đồng chí (ông, bà) biết sự việc? việc xảy ra ở đâu, từ bao giờ? đồng chí (ông, bà) trực tiếp hay gián tiếp được biết?... Đặt câu hỏi khẳng định độ chính xác của lời trình bày; câu hỏi gợi nhớ lại và câu hỏi kiểm tra; câu hỏi nhằm phát hiện mâu thuẫn; câu hỏi vạch rõ sự trình bày không thành thật, thiếu tự giác. Đồng thời, cán bộ kiểm tra tránh cách hỏi dồn dập, hỏi vặn và không vội đồng tình hay phủ nhận. Cố gắng đưa ra những câu hỏi về các mâu thuẫn ít đụng chạm đến quyền lợi trước, sau đó chuyển dần sang những câu hỏi đụng chạm nhiều đến quyền lợi hơn… được ban hành kèm theo Quyết định số 385-QĐ/UBKTTW, ngày 05/01/2022 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương), đồng thời nghiên cứu nắm vững những quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các thông tin có liên quan đến buổi làm việc với đối tượng.

 (3) Sắp xếp, bố trí địa điểm làm việc với đối tượng, tổ chức, cá nhân liên quan hợp lý (nên làm việc một lần, tránh làm việc nhiều lần ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của đối tượng, tổ chức, cá nhân); trong quá trình làm việc, bên cạnh tuân thủ nội dung đã chuẩn bị, cần kết hợp công tác vận động, thuyết phục để động viên tinh thần tự giác của đối tượng. Tuyệt đối giữ bí mật, bảo vệ người cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng và giữ bí mật các tài liệu thẩm tra, xác minh thu thập được trong suốt quá trình tiến hành thực hiện nhiệm vụ. Khi có đầy đủ thông tin, tài liệu thu thập được và qua làm việc với đối tượng, tổ chức, cá nhân liên quan, chủ thể kiểm tra, giám sát xâu chuỗi, phân tích, đối chiếu với các quy định, nghị định, hướng dẫn của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, ngành… từ đó so sánh, sàng lọc, đánh giá nhằm tìm ra chứng cứ phục vụ cho việc kết luận chính xác, khách quan.

           Hoạt động thẩm tra, xác minh là khâu trọng yếu trong công tác kiểm tra, giám sát của đảng nhưng hoàn toàn không phải là một khâu khép kín, riêng biệt mà có mối liên hệ biện chứng, gắn kết với nhau, xuyên suốt từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc hoạt động kiểm tra. Để thực hiện tốt công tác thẩm tra, xác minh cán bộ làm công tác kiểm tra phải thực thi công vụ trên tinh thần “Công tâm,khách quan” sẳn sàng đối mặt với khó khăn, thử thách, chúng ta phải bảo vệ cái đúng; đồng thời, phân tích và cảm thông sâu sắc mặt hạn chế, khuyết điểm trên tinh thần thấu hiểu và bao dung, bởi vì trong qua trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ không ai có thể tránh khỏi những sai sót nhất định vì bản chất chúng ta “nhân vô thập toàn”.


Các tin khác