Tin mới nhất

BÌNH THUẬN PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG VẺ VANG CỦA NGÀNH KIỂM TRA ĐẢNG

  • C.B
  • /
  • 16.10.2023 - 13:47

Ngày 16/10/1948, cách đây vừa tròn 75 năm, tại chiến khu Việt Bắc, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ban hành Quyết nghị số 29-QN/TW (do đồng chí Thận tức Trường Chinh, Tổng Bí thư Trung ương ký) thành lập Ban Kiểm tra Trung ương. Ban Kiểm tra Trung ương đầu tiên có 03 đồng chí Trần Đăng Ninh, Nguyễn Thanh Bình và Hà Xuân Mỹ (Hà Minh Quốc) do đồng chí Trần Đăng Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng làm Trưởng ban (nơi làm việc tại đồi Pụ Miếu, xóm Phủng Hiển, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên). Sự ra đời của Ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan chuyên trách đầu tiên của Đảng là một tất yếu khách quan nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và công tác xây dựng Đảng và là cơ sở để Thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII quyết định chọn ngày 16/10/1948 làm Ngày truyền thống, khởi đầu móc son vẻ vang của Ngành kiểm tra Đảng.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2/1951), Ban Chấp hành Trung ương quyết nghị hợp nhất Ban Kiểm tra Trung ương và Ban Thanh tra của Chính phủ do đồng chí Hồ Tùng Mậu, Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương kiêm chức Tổng Thanh tra Chính phủ. Tháng 4/1956, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được cử làm Trưởng ban Kiểm tra Trung ương kiêm Tổng Thanh tra Chính phủ. Đến Hội nghị Trung ương 10 khóa II (tháng 3/1957), căn cứ vào tình hình thực tế, Trung ương quyết định tách riêng Ban Kiểm tra Trung ương Đảng và Ban Thanh tra Chính phủ cho đến nay; đến cuối nhiệm kỳ Đại hội II, ban kiểm tra được thành lập từ Trung ương đến cấp khu và cấp tỉnh, thành[1].

Đại hội Đảng lần thứ III (tháng 9/1960), đổi tên ban kiểm tra thành ủy ban kiểm tra và do cấp uỷ cùng cấp bầu ra; ủy ban kiểm tra được thành lập đến cấp quận, huyện và tương đương.

Tại miền Nam, ngày 14/8/1969, Trung ương Cục miền Nam ban hành Nghị quyết số 13-NQ thành lập ban kiểm tra các cấp. Ban Kiểm tra Trung ương Cục được thành lập gồm 3 đồng chí: Phan Văn Đáng (Hai Văn) Phó Bí thư Trung ương Cục; Hai Mai, Phó Ban Tổ chức Trung ương Cục; Nguyễn Văn Trọng (Ba Trọng), cán bộ của Trung ương Cục, do đồng chí Phan Văn Đáng làm Trưởng Ban (nơi làm việc tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh). Tại Khu V, tháng 3/1970, Hội nghị lần thứ 10 Khu ủy Khu V ra quyết nghị thành lập ban kiểm tra cấp khu và cấp tỉnh. Ban Kiểm tra Khu ủy Khu V do đồng chí Trần Kiên, Ủy viên Thường vụ Khu ủy làm Trưởng ban (nơi làm việc tại xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam). Sau khi đất nước thống nhất, Ban Kiểm tra Trung ương Cục miền Nam và Ban Kiểm tra Khu ủy Khu V hợp nhất vào UBKT Trung ương, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (tháng 3/1982), UBKT được thành lập thành hệ thống đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở.

Qua mỗi nhiệm kỳ, nhiệm vụ, quyền hạn của Ngành được Đại hội toàn quốc của Đảng thảo luận, bổ sung và được chính thức ghi vào Điều lệ Đảng. Từ nhiệm vụ phục vụ cấp ủy kiểm tra việc thực hiện đường lối kháng chiến kiến quốc trong cuộc kháng chiến chống Pháp, xem xét những việc bất thường xảy ra đến kiểm tra những vụ việc đảng viên làm trái Điều lệ, vi phạm kỷ luật của Đảng; từ tăng cường kiểm tra việc chấp hành, thực hiện chỉ thị, nghị quyết đến kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng khi có dấu hiệu vi phạm. Bên cạnh đó, ủy ban kiểm tra các cấp thực hiện việc giải quyết tố cáo, khiếu nại kỷ luật đảng, kiểm tra tài chính đảng, kiểm tra nghiệp vụ; xử lý và giúp cấp ủy xử lý kỷ luật trong Đảng…

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, Điều lệ Đảng quy định tăng thẩm quyền thi hành kỷ luật đối với đảng viên cho ủy ban kiểm tra từ cấp huyện ủy, quận ủy và tương đương trở lên. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X bổ sung chức năng, nhiệm vụ giám sát cho ủy ban kiểm tra các cấp; Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ V (khóa X) đã ra Nghị quyết về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn cách mạng mới. Đến Đại hội XIII tiếp tục bổ sung thẩm quyền kỷ luật của ủy ban kiểm tra cơ sở đồng thời bổ sung thẩm quyền cho ủy ban kiểm tra các cấp kỷ luật tổ chức đảng cấp dưới (tổ chức đảng cách một cấp trở xuống) khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra theo chức năng nhiệm vụ được Điều lệ Đảng quy định.

Qua các thời kỳ cách mạng, kể cả những thời điểm gay go, ác liệt nhất, đội ngũ các thế hệ cán bộ kiểm tra luôn tuyệt đối trung thành và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, nội bộ đoàn kết, vượt qua gian khổ, khắc phục khó khăn, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng; liên tục, bền bỉ phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xây đắp nên truyền thống vẻ vang của Ngành “Tuyệt đối trung thành với Đảng, tận tụy với nhiệm vụ, trung thực, liêm khiết, đoàn kết, kỷ luật”.

Đối với Bình Thuận, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy được thành lập từ tháng 01/1976. Qua 13 nhiệm kỳ (trong đó có 2 nhiệm kỳ lâm thời, 11 nhiệm kỳ đại hội) dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và thường xuyên của các cấp ủy đảng, sự chỉ đạo và hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, hệ thống tổ chức ủy ban kiểm tra và cơ quan ủy ban kiểm tra các cấp trong tỉnh được xây dựng và phát triển ngày càng vững mạnh; các thế hệ cán bộ kiểm tra đảng trong tỉnh không ngừng phấn đấu rèn luyện về nhiều mặt, vượt qua khó khăn, thử thách, thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ trong từng nhiệm kỳ Đại hội.

Từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp trong tỉnh đã quan tâm chỉ đạo và thực hiện công tác kiểm tra, giám sát ngày càng đi vào nền nếp, chất lượng từng bước có chuyển biến tốt hơn. Đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và cấp ủy các cấp đã tiến hành kiểm tra chấp hành đối với 2.243 lượt tổ chức đảng và 6.373 lượt đảng viên (có 1.283 cấp ủy viên các cấp); kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 01 tổ chức đảng và 79 đảng viên, qua kiểm tra kết luận có vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật và đã thi hành kỷ luật đối với 32 đảng viên; giám sát đối với 1.196 lượt tổ chức đảng và 4.089 lượt đảng viên (có 1.511 cấp ủy viên các cấp). Ủy ban kiểm tra các cấp đã tiến hành kiểm tra 16 tổ chức đảng và 167 đảng viên (có 76 là cấp ủy viên) khi có dấu hiệu vi phạm, qua kiểm tra kết luận vi phạm đến mức phải xử lý và đã xử lý kỷ luật 08 tổ chức đảng và 114 đảng viên; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đối với 849 lượt tổ chức đảng; kiểm tra tài chính 46 tổ chức đảng, tiến hành giám sát 450 lượt tổ chức đảng và 468 lượt đảng viên; đồng thời chủ động tham mưu cấp ủy thực hiện Điều 30 Điều lệ Đảng và nhiệm vụ cấp ủy giao.

Nhìn chung, công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng đã được cấp uỷ, ủy ban kiểm tra các cấp trong tỉnh thực hiện chủ động, đồng bộ và đạt hiệu quả cao hơn. Công tác giám sát được mở rộng, công tác kiểm tra được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm hơn; chú ý đi vào những vấn đề nổi cộm, bức xức. Qua kiểm tra, giám sát đã chủ động giáo dục, phòng ngừa; kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, khuyết điểm, xử lý nghiêm những sai phạm của tổ chức đảng và đảng viên. Nhờ đó, kỷ luật của Đảng, kỷ cương hành chính của Nhà nước được tăng cường, lòng tin của các tầng lớp Nhân dân đối với Đảng, chính quyền tiếp tục được củng cố, sự đồng thuận trong xã hội ngày càng cao hơn. Thực tiễn cho thấy: Công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác kiểm tra, giám sát nói riêng đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển.

Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ, công tác kiểm tra, giám sát những năm qua vẫn còn một số mặt tồn tại, hạn chế: Một số cấp ủy chưa thật sự chú trọng, chưa  thật  sự  quyết  liệt  trong  thực  hiện  công  tác  kiểm  tra,  giám  sát; bản lĩnh chính trị, tính chiến đấu trong thi hành kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên ở một số nơi chưa cao; công tác nắm tình hình, phát hiện dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên còn hạn chế; trình độ, năng lực, bản lĩnh của một bộ phận cán bộ kiểm tra chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, trong khi những vi phạm của tổ chức Đảng, đảng viên ngày càng tinh vi, phức tạp.

Phát huy truyền thống vẻ vang của Ngành, trong thời gian tới ủy ban kiểm tra các cấp cần tập trung tổ chức thực hiện tốt các giải pháp sau đây:

- Tiếp tục tổ chức phổ biến, quán triệt sâu rộng các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương, của cấp ủy các cấp; hướng dẫn của ủy ban kiểm tra cấp trên về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng nhằm tạo ra sự thống nhất trong nhận thức và hành động. Từ đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp và cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò, ý nghĩa tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng.

- Đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình trong Đảng; tăng cường kiểm tra việc thi hành kỷ luật của tổ chức đảng cấp dưới. Qua kiểm tra phải đánh giá đúng thực trạng để kịp thời phát huy ưu điểm, khắc phục sửa chữa khuyết điểm, biểu hiện lệch lạc trong việc thi hành kỷ luật của Đảng, bảo đảm việc thi hành kỷ luật đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc, thủ tục đã quy định.

- Tăng cường công tác giám sát thường xuyên, nắm chắc tình hình, chủ động khảo sát thông tin, kịp thời phát hiện và quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.

- Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra đảng có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, nhạy bén trong phát hiện xử lý tình huấn và luôn chú ý rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng để hoàn thành nhiệm vụ.

Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống của Ngành, mỗi cán bộ kiểm tra của Đảng vô cùng tự hào về truyền thống vẻ vang mà thế hệ cha anh đã dày công xây dựng, vun đắp. Thấm nhuần sự hy sinh, cống hiến, công sức lớn lao của các thế hệ cán bộ kiểm tra đi trước, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra đảng chúng ta nguyện tiếp tục kiên định lập trường, quan điểm của Đảng, ra sức tu dưỡng, rèn luyện, học tập, tiếp tục nâng cao dũng khí đấu tranh và lòng nhân ái, thương yêu đồng chí, vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, xứng đáng với sự tin cậy của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh./.

 


[1] Theo Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 06/3/1956 của Bộ Chính trị khóa II về tăng cường lãnh đạo công tác kiểm tra và kiện toàn tổ chức ban kiểm tra các cấp.


Các tin khác