Tin mới nhất

KINH NGHIỆM VỀ GIẢI QUYẾT TỐ CÁO TỔ CHỨC ĐẢNG VÀ ĐẢNG VIÊN

Tố cáo là một trong những quyền và trách nhiệm cơ bản của công dân được ghi trong Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và trong Luật Tố cáo. Nội bộ đảng, tố cáo là quyền, là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; việc giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, của ủy ban kiểm tra các cấp theo quy định của Điều lệ Đảng và các quy định, hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương về giải quyết tố cáo.

Thời gian qua, việc giải quyết tố cáo trong Đảng đã đạt được kết quả quan trọng. Chỉ trong năm 2021 và 2022, Ủy ban kiểm tra các cấp trong Đảng bộ tỉnh Bình Thuận đã giải quyết tố cáo đối với 02 tổ chức đảng và 33 đảng viên. Qua giải quyết, kết luận: Tố đúng và đúng một phần có 16 đảng viên; trong đó đảng viên vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật là 07 đảng viên, chiếm 21,2% số đảng viên bị tố cáo. Nội dung tố cáo tổ chức đảng, đảng viên chủ yếu là vi phạm chỉ thị, nghị quyết, quy định, kết luận của Đảng; vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước; thiếu trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; vi phạm quy định về phẩm chất, đạo đức, lối sống; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trong công tác cán bộ, đất đai, tài chính…

Qua kết quả giải quyết tố cáo đã làm rõ nội dung việc công dân, đảng viên báo cho tổ chức đảng những hạn chế, thiếu sót của tổ chức đảng, đảng viên; đã xử lý nghiêm minh khi có vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật hoặc minh oan cho tổ chức đảng, đảng viên; phát huy vai trò và trách nhiệm của nhân dân tham gia thực hiện quyền tố cáo, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đã củng cố và tăng cường niềm tin của đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Qua nghiên cứu và thực tiễn giải quyết tố cáo thời gian qua, bước đầu rút ra một số kinh nghiệm để thực hiện tốt việc giải quyết tố cáo tổ chức đảng và đảng viên như sau:

Một là, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò quan trọng, tác dụng thiết thực của việc giải quyết tố cáo; phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn, thư tố cáo đúng quy định. Cấp ủy, trước hết là người đứng đầu nêu cao trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, tạo điều kiện để các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc quy định về tố cáo, giải quyết tố cáo và phối hợp thực hiện tốt việc giải quyết tố cáo trong Đảng thì tình hình tố cáo sẽ giảm, ít phức tạp, nội bộ đoàn kết.

Hai là, người đứng đầu cấp ủy phải xác định trách nhiệm của mình trong thực hiện nghiêm túc việc tiếp đảng viên và công dân sẽ tạo được niềm tin đối với người tố cáo và giải quyết nhanh, dứt điểm vụ việc, nhất là vụ việc phức tạp, kéo dài, tạo sự lan tỏa cho cấp dưới trong giải quyết tố cáo có kết quả.

Ba là, ủy ban kiểm tra các cấp chủ động tham mưu, giúp cấp ủy chỉ đạo giải quyết dứt điểm tố cáo ngay từ cơ sở. Cần phải thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình ngay từ việc nhận, nghiên cứu phân loại đơn tố cáo. Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đảng, cơ quan chức năng có liên quan thực hiện tốt việc giải quyết tố cáo. Bố trí cán bộ thực hiện nhiệm vụ giải quyết tố cáo, coi trọng việc sử dụng cán bộ có kinh nghiệm, nhận thức đúng đắn về ý nghĩa của việc giải quyết tố cáo, có bản lĩnh vững vàng, nắm vững quy trình, quy định. Kết luận các nội dung tố cáo phải rõ đúng, sai; kiến nghị đúng biện pháp xử lý và kịp thời khắc phục hậu quả xảy ra; tránh tình trạng nể nang, chỉ xử lý nội bộ.

Bốn là, chủ động nắm bắt diễn biến tư tưởng để động viên, thuyết phục người tố cáo và đối tượng bị tố cáo cộng tác, phối hợp chặt chẽ trong quá trình giải quyết, không mặc cảm, định kiến, phản ứng, đối phó, thiếu tin tưởng, gây khó khăn, trở ngại cho việc giải quyết. Phân tích, thuyết phục người tố cáo thực hiện đúng quyền và trách nhiệm, phải chịu trách nhiệm về việc tố cáo của mình để cung cấp được chứng cứ xác thực, đồng thời, xử lý nghiêm những người có hành vi lợi dụng quyền dân chủ để kích động, xúi dục, gây rối tình hình nội bộ, xuyên tạc sự thật, gây mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Động viên, yêu cầu người bị tố cáo nêu cao trách nhiệm trong báo cáo, giải trình, tự phê bình và phê bình, tin tưởng vào tổ chức đảng, chấp hành tốt trong quá trình giải quyết tố cáo.

Năm là, quan tâm, coi trọng xây dựng, ban hành, hoàn thiện các quy định, quy chế, quy trình về giải quyết tố cáo để việc giải quyết tố cáo của Đảng với giải quyết tố cáo của Nhà nước có hiệu quả, không chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm, gây chậm trễ, ách tắc trong giải quyết tố cáo. Đồng thời, định kỳ sơ kết, tổng kết công tác giải quyết tố cáo để rút kinh nghiệm, đề ra biện pháp thực hiện có hiệu quả trong từng thời gian./.


Các tin khác

News_TinMoiNhat