Tin mới nhất

Một số quan điểm của Bác về công tác kiểm tra

         Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Người dành cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Trong công tác xây dựng Đảng, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác kiểm tra.

          Trên báo Sự Thật, số 103, ngày 30/11/1948, với bài báo có tiêu đề: “Một việc mà các cơ quan lãnh đạo cần thực hiện ngay”, Bác Hồ đã nêu lên những quan điểm chủ yếu của công tác kiểm tra. Người viết: “Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi… Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích” (1). Người còn nhấn mạnh: “Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời” (2).

          Trong quá trình lãnh đạo cách mạng nước ta, Đảng luôn luôn coi công tác kiểm tra là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng, một bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Công tác kiểm tra gắn liền tất yếu với sự lãnh đạo của Đảng, bởi vì lãnh đạo không chỉ là xây dựng cương lĩnh chính trị, chiến lược kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… mà lãnh đạo còn là kiểm tra thường xuyên việc thực hiện cương lĩnh, đường lối, chính sách của Đảng. Đó vừa là chức năng, trách nhiệm, vừa là phương pháp, quy trình lãnh đạo của Đảng.

          Người còn nghiêm khắc phê phán những cán bộ chưa nhận thức đầy đủ về công tác kiểm tra: “Hiện nay, nhiều nơi cán bộ lãnh đạo chỉ lo khai hội và thảo nghị quyết, đánh điện và gửi chỉ thị, sau đó, thì họ không biết gì đến những nghị quyết đó đã được thực hành đến đâu, có những khó khăn trở ngại gì, dân chúng có ra sức tham gia hay không. Họ quên mất kiểm tra. Đó là một sai lầm rất to. Vì thế mà “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị” mà công việc vẫn không chạy” (3).

          Về cách kiểm tra, Người ân cần chỉ bảo:

 “         1- Kiểm tra phải có hệ thống, nghĩa là khi đã có nghị quyết thì phải lập tức đốc thúc sự thực hành nghị quyết ấy, phải biết rõ sự sinh hoạt và cách làm việc của cán bộ và nhân dân địa phương ấy. Có như thế mới kịp thời thấy rõ những khuyết điểm và những khó khăn, để sửa đổi các khuyết điểm và tìm cách giúp đỡ để vượt qua mọi sự khó khăn

          2- Kiểm tra không nên chỉ bằng căn cứ vào các tờ báo cáo, mà phải đi đến tận nơi.

          3- Kiểm tra phải dùng cách thức thật thà tự phê bình và phê bình, để tỏ rõ hết mọi khuyết điểm và tìm cách sữa chữa những khuyết điểm ấy” (4).

         Công tác kiểm tra đạt được kết quả hay không tùy vào những cán bộ được giao nhiệm vụ làm việc này. Người căn dặn: “Không phải gặp ai cũng phái đi kiểm tra. Người lãnh đạo phải tự mình làm việc kiểm tra, mới đủ kinh nghiệm và oai tín. Nhưng người lãnh đạo cần phải có một nhóm cán bộ nhiều kinh nghiệm và giàu năng lực để giúp mình đi kiểm tra. Ai đi kiểm tra việc gì, nơi nào nếu có sơ suất thì người ấy phải chịu trách nhiệm” (5).

          Về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác kiểm tra, Người khẳng định: “Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có ngọn đèn “pha”. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ, chúng ta đều thấy rõ. Có thể nói rằng: chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra. Nếu tổ chức sự kiểm tra được chu đáo, thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười, gấp trăm” (6).

          Ngày 29/07/1964, trong bài nói chuyện tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra của Đảng, Người lại nhắc nhở: “Công việc của Đảng và Nhà nước ngày càng nhiều. Muốn hoàn thành tốt mọi việc, thì toàn thể đảng viên và cán bộ phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách của Đảng. Và muốn như vậy, thì các cấp ủy Đảng phải tăng cường công tác kiểm tra. Vì kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm trọn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu tốt cho nhân dân. Do đó mà góp phần vào việc củng cố Đảng về tư tưởng, về tổ chức” (7). 

        Thực hiện những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra, những nhiệm kỳ qua, các cấp ủy đảng luôn coi kiểm tra là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng và tại Điều 30 của Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam đã ghi: “Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng. Tổ chức đảng phải tiến hành công tác kiểm tra, giám sát. Tổ chức đảng và đảng viên phải chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng. Các cấp ủy đảng lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng và đảng viên chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng”.

        Như vậy, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác kiểm tra Đảng hiện nay và trong thời gian tới là phải tăng cường hơn nữa việc kiểm tra chấp hành đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; chấp hành nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng; giữ gìn tư cách, phẩm chất, đạo đức cách mạng của đảng viên. Thông qua kiểm tra, phát huy ưu điểm, kịp thời khắc phục khuyết điểm, xử lý nghiêm minh các sai phạm và làm tốt việc biểu dương các nhân tố mới; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Để làm tốt việc này, các cấp ủy đảng phải thấm nhuần những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về kiểm tra; phải xây dựng bộ máy Ủy ban Kiểm tra, cơ quan Ủy ban Kiểm tra kiểm tra và đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp xứng đáng là một lực lượng tin cậy của Đảng, của dân vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

        Hiện nay, việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đây là cơ sở để mỗi cán bộ đảng viên tiếp tục học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, trau dồi phẩm chất chính trị, tư tưởng, khắc phục khuyết điểm của mỗi cá nhân để thực sự xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, luôn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

        Hơn ai hết, cán bộ làm công tác kiểm tra của Đảng phải thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: Phải học tập và thấm nhuần đường lối quan điểm của Đảng, phải luôn luôn chú ý nâng cao khả năng chuyên môn, phải cố gắng công tác, trao đồi đạo đức cách mạng. Đặc biệt là phải nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật, phải thật thà thà tự phê bình và phê bình để làm gương mẫu trong việc chấp hành kỷ luật của Đảng. Phải chí công vô tư, không thiên vị, không thành kiến. Như thế mới làm tốt công tác kiểm tra.

(1)(2)(3)(4)(5)(6) Hồ Chí Minh Toàn tập - NXB CTQG - H - 1995- T 5- tr 520-520-520-521-521-521.

(7) Sdd- T 11- tr 300.


Các tin khác