Tin mới nhất

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý TRONG GIẢI QUYẾT TỐ CÁO CỦA CÔNG DÂN

Thời gian qua, công tác giải quyết đơn thư tố cáo của công dân đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào việc ổn định tình hình chính trị, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Giải quyết tố cáo trong Đảng là việc chủ thể kiểm tra tiến hành kiểm tra, làm rõ đúng, sai về những nội dung tố cáo đối với tổ chức đảng hoặc đảng viên để xem xét, kết luận và xử lý theo quy định của Điều lệ Đảng, các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Giải quyết tố cáo là trách nhiệm của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy; là nhiệm vụ trực tiếp và thường xuyên của ủy ban kiểm tra các cấp được quy định tại Điều lệ Đảng và là trách nhiệm của các tổ chức đảng khác có liên quan.

Trong những năm qua, công tác giải quyết tố cáo đối với đảng viên thường xuyên được các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết; nhiều tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ tỉnh thực hiện tốt công tác giải quyết tố cáo đối với đảng viên. Tuy nhiên vẫn còn một số tổ chức đảng thực hiện chưa đúng quy định. Cụ thể như sau:

- Chỉ đạo chuyển đơn của công dân cho cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết chưa đúng quy định; đối tượng thuộc diện quản lý của Ban Thường vụ cấp ủy mà Ủy ban Kiểm tra cấp ủy là cơ quan trực tiếp giải quyết, mặt khác trong đơn có một số nội dung liên quan đến công tác xác minh hồ sơ lý lịch Đảng, phẩm chất, đạo đức của đảng viên lại chuyển qua cơ quan chức năng bên chính quyền xem xét, giải quyết. Sau khi cơ quan chức năng bên chính quyền nhận đơn lại có văn bản chuyển ngược đến cơ quan Đảng để giải quyết.

- Chỉ đạo giải quyết đơn của công dân quá thời gian quy định nhưng không mời người tố cáo hoặc có văn bản để trả lời, giải thích.

- Trong quá trình tiếp nhận và xử lý đơn tố cáo của công dân, chuyển đơn cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhưng không thông báo cho công dân biết.

- Sử dụng công văn chuyển đơn cho cơ quan chức năng giải quyết gửi cho người tố cáo biết.

- Việc xem xét, giải quyết đơn tố cáo của công dân có trường hợp chưa đúng đối tượng; quá trình giải quyết đơn tố cáo thực hiện chưa đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về giải quyết tố cáo; trực tiếp ký ban hành văn bản có lúc vô tình để lộ tên người tố cáo cho người bị tố cáo biết.

- Có trường hợp người giải quyết tố cáo phát biểu, đề nghị người tố cáo rút lại đơn tố cáo nhưng chưa có phương pháp khéo léo dẫn đến người tố cáo cho rằng là đe dọa, ép buộc người tố cáo.

Từ đó dẫn đến công dân cho rằng các cơ quan Đảng đùn đẩy trách nhiệm cho chính quyền, chính quyền đùn đẩy cho cơ quan Đảng, để bao che cho người bị tố cáo; lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc khiếu nại, tố cáo; đe dọa, ép buộc người tố cáo phải rút đơn tố cáo.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do tổ chức đảng và người giải quyết tố cáo chưa nắm chắc các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giải quyết tố cáo; tổ chức đảng giải quyết tố cáo chưa ban hành Quy định về tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; có trường hợp do bức xúc với nội dung đơn tố cáo của công dân hoặc không làm việc với người tố cáo để xác định đối tượng tố cáo, nội dung tố cáo.

Vì vậy, để làm tốt công tác giải quyết tố cáo của công dân, cần chú ý một số vấn đề sau:

- Thường xuyên cập nhật và nghiên cứu sâu kỹ các văn bản quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước về giải quyết tố cáo. Xây dựng Quy định về tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo. Nắm vững nguyên tắc, phương pháp, quy trình, thủ tục về giải quyết tố cáo.

- Tiếp nhận đơn của công dân cần chỉ đạo chuyển đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết; quá trình chuyển đơn cho cơ quan chức năng giải quyết cần phải thông báo cho người tố cáo biết.

- Không sử dụng công văn chuyển đơn đến cơ quan chức năng để đồng gửi cho người tố cáo mà phải có công văn riêng để thông báo cho người tố cáo biết.

- Khi xử lý cần đảm bảo về mặt thời gian theo quy định trong đảng về việc giải quyết tố cáo. Trường hợp quá thời gian quy định thì cần mời người tố cáo hoặc có văn bản trả lời, giải thích cho người tố cáo biết.


Các tin khác