Tin mới nhất

Đảng bộ Bình Thuận thực hiện việc thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng và đảng viên

Thi hành kỷ luật trong Đảng là công việc quan trọng và cần thiết nhằm giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, bảo đảm sự thống nhất ý chí và hành động, tăng cường sức chiến đấu của Đảng, giáo dục tổ chức đảng và đảng viên. Trong điều kiện thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, cùng với sự hội nhập ngày càng sâu rộng hơn với bên ngoài và quá trình toàn cầu hóa đã làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên chúng ta hàng ngày, hàng giờ phải chịu sự tác động của nhiều nhân tố rất phức tạp. Trong bối cảnh đó, cùng với hàng loạt các giải pháp quan trọng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên đã được xác định trong các các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, thì việc tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mọi tổ chức đảng và đảng viên nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo và xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay.

Những năm qua, công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng nói riêng được cấp ủy, tổ chức đảng các cấp thuộc Đảng bộ tỉnh Bình Thuận quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai khá đồng bộ và toàn diện, cùng với việc triển khai thực hiện một số chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, gắn với thực hiện nghiêm túc Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý thức tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” đã góp phần nâng cao ý thức xây dựng Đảng, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Bên cạnh đó, còn một số ít cấp ủy, tổ chức đảng và một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; thiếu vững vàng trước những tác động xấu của mặt trái đời sống xã hội, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước dẫn đến vi phạm phải xử lý kỷ luật. Tính từ 2014 đến nay, cấp ủy, ban thường thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với 12 tổ chức đảng (với hình thức khiển trách 09, cảnh cáo 03) và 1.029 đảng viên (với các hình thức: khiển trách 634, cảnh cáo 252, cách chức 54 và khai trừ 89 trường hợp; trong đó có 55 trường hợp bị xử lý hình sự, 170 trường hợp xử lý hành chính).

Nhìn chung, trong quá trình xem xét, xử lý kỷ luật, đa số các cấp ủy, UBKT các cấp và chi bộ luôn kết hợp kết quả tự phê bình và phê bình với kết quả thẩm tra, xác minh để bảo đảm kết luận khách quan, chính xác, không bỏ sót hành vi vi phạm; đồng thời, quan tâm xem xét, làm rõ tính chất, mức độ, tác hại, động cơ, nguyên nhân của các hành vi vi phạm và thái độ tự giác nhận khuyết điểm, tinh thần quyết tâm sửa chữa vi phạm, khắc phục hậu quả của tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, để từ đó áp dụng hình thức kỷ luật cho phù hợp, tránh oan, sai, hạn chế tình trạng khiếu nại kỷ luật đảng ( từ 2014 đến nay có 49/1.029 trường hợp đảng viên khiếu nại kỷ luật đảng, chiếm 4,76% so với số lượng đảng viên bị thi hành hành kỷ luật). Đa số tổ chức đảng, đảng viên vi phạm đều nhận thức được mức độ vi phạm, chấp hành nghiêm quyết định kỷ luật của tổ chức Đảng để tích cực sửa chữa, phấn đấu rèn luyện, vươn lên.

Tuy nhiên, việc xử lý kỷ luật của một số tổ chức đảng thực hiện chưa đồng bộ, chưa chặt chẽ từng khâu trong quy trình, nhất là khâu thẩm tra, xác minh; chưa nghiên cứu kỹ quy định nên áp dụng hình thức có trường hợp chưa phù hợp với tính chất, mức độ sai phạm, để tổ chức Đảng cấp trên phải xem xét, thay đổi hình thức kỷ luật đối với đảng viên vi phạm (từ 2014 đến nay có 17/49 trường hợp phải thay đổi hình thức, chiếm 34,69% số đảng viên khiếu nại kỷ luật đảng); một số trường hợp xử lý kỷ luật đảng nhưng chưa kịp thời chỉ đạo xử lý về chính quyền và ngược lại. Một số đảng viên vi phạm chưa nhận rõ khuyết điểm nên sau khi bị thi hành kỷ luật vẫn còn khiếu nại lên cấp trên, trong khi kết quả giải quyết của tổ chức Đảng cấp trên vẫn không thay đổi (có 32/49 trường hợp, chiếm 65,31%).

Trong thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp cần tập trung khắc phục tốt những thiếu sót, khuyết điểm trong việc thi hành kỷ luật đảng viên; tập trung làm tốt một số công việc sau:

- Tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các quy định của Đảng liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng để nâng cao nhận thức cho tổ chức đảng và đảng viên, trước hết là cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng về ý nghĩa, mục đích, tác dụng của việc chấp hành kỷ luật đảng để chủ động, tự giác chấp hành; thực hiện tốt Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” và Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị.

- Lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức đảng, đảng viên thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý phải chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật đảng, nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình; phát huy tính chiến đấu, tính tự giác của tổ chức đảng, đảng viên, đề cao tinh thần đấu tranh chống tiêu cực của đảng viên trong sinh hoạt nội bộ Đảng; nâng cao vai trò giám sát phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đảm bảo phát huy dân chủ, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng.

- Các cấp ủy tăng cường chỉ đạo hoạt động của ủy ban kiểm tra, thường xuyên nắm tình hình, chỉ đạo ủy ban kiểm tra xác định nội dung kiểm tra, giám sát, trong đó đặc biệt quan tâm đối với những lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng như: đất đai, tài nguyên, khoáng sản, dự án, hoạt động của các dự án đầu tư có xây dựng, các hoạt động tài chính, công tác cán bộ, kê khai tài sản thu nhập; chú trọng kiểm tra các đối tượng là cấp uỷ viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các ngành, cán bộ thuộc diện cấp uỷ cùng cấp; chú ý làm tốt công tác giám sát việc thực hiện các kết luận, thông báo sau kiểm tra; đồng thời luôn chủ động công tác kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm.

- Quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy ủy ban kiểm tra các cấp;  bồi dưỡng công tác kiểm tra, giám sát cho cấp ủy, cho lãnh đạo ủy ban kiểm tra các cấp trực thuộc tỉnh và tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát các cấp; đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ kiểm tra của Đảng tinh thông nghiệp vụ, am hiểu nhiều lĩnh vực, tâm huyết, có ý thức rèn luyện, thật sự liêm chính, không để suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cũng như những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình hiện nay.


Các tin khác