Tin mới nhất

Bài tham luận tại buổi sinh hoạt nhân kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ 19/5 Chủ đề: Bác Hồ với xây dựng nền văn hóa Việt nam

          Nói về văn hóa, theo Hồ Chí Minh, là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống  và đòi hỏi của sự sinh tồn. Đó là, toàn bộ những sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Định nghĩa theo nghĩa rộng nhất theo Người, đó là toàn bộ những giá trị vật chất và những giá trị tinh thần mà loài người sáng tạo ra nhằm đáp ứng lẽ sinh tồn, đồng thời cũng là mục đích cuộc sống của loài người. Và muốn xây dựng nền văn hóa dân tộc thì phải xây dựng tất cả các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, đạo đức, tâm lý con người. (Đây là lần đầu tiên Bác Hồ định nghĩa văn hóa theo nghĩa rộng nhân đọc một cuố sách trong hoàn cảnh bị giam cầm)

          Sau Cách mạng Tháng Tám, văn hóa được Bác xác định là đời sống tinh thần của xã hội. Văn hóa được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội, tạo thành 4 vấn đề chủ yếu của đời sống xã hội. Tinh thần này đã được thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa Xã hội (1991). Theo Bác, bốn vấn đề đó có quan hệ mật thiết với nhau, cùng tác động lẫn nhau.

           Sau khi nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, việc xây dựng một nền văn hóa mới đã được Bác và Đảng ta đặt ra như một trong những nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng, ngay sáng ngày 3/9/1945 Bác đã đặt ra một loạt các vấn đề về văn hóa như giải quyết nạn dốt, giáo dục nhân dân tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, cấm hút thuốc phiện, tự do tín ngưỡng…và các vấn đề cấp thiết khác, nêu ra một phong cách làm việc mới, một thứ văn hóa chính trị mới của người đứng đầu nhà nước khác với chế độ thực dân phong kiến trước kia. Diễn văn khai mạc Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24.11.1946, Bác nói, văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do, đồng thời phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng.  

           Tư tưởng của Bác về các lĩnh vực chính của văn hóa: Văn hóa bao gồm nhiều lĩnh vực, nhưng có 3 lĩnh vực chính: Văn hóa giáo dục, văn hóa nghệ thuật, văn hóa và đời sống mới. Trong đó, quan điểm xây dựng đời sống mới thực sự là quan điểm độc đáo  của Hồ Chí Minh về văn hóa. Văn hóa là bộ mặt tinh thần của xã hội, nhưng bộ mặt tinh thần ấy không phải cái gì cao siêu, trừu tượng mà lại được thể hiện ngay trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người, rất dễ hiểu, dễ thấy, đó là:

          Đạo đức mới:  Đời sống mới trước hết bao gồm đạo đức mới, vấn đề này Hồ Chí Minh viết “…thực hành đời sống mới là Cần - Kiệm - Liêm - Chính”, “nếu không giữ đúng Cần - Kiệm - Liêm - Chính thì trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân” và “nêu cao và thực hành Cần - Kiệm - Liêm - Chính tức là nhen lửa cho đời sống mới”

          Lối sống mới: Trước hết là lối sống có lý tưởng, có đạo đức, là lối sống văn minh, tiên tiến, kết hợp hài hòa truyền thống tốt đẹp dân tộc và tinh hoa nhân loại. Theo Hồ Chí Minh phải xây dựng một phong cách sống khiêm tốn, giản dị, chừng mực, điều độ, ngăn nắp, vệ sinh, yêu lao động, biết quý trọng thời gian, ít lòng tham muốn về vật chất, chức quyền danh lợi. trong quan hệ bạn bè, đồng chí , anh em thì cởi mở, chân tình, ân cần, tế nhị, giàu tình yêu thương, quý mến, trân trọng con người, chặt chẻ với mình, khoan dung với người.

          Nếp sống mới: Quá trình xây dựng lối sống, là quá trình làm cho lối sống mới  dần trở thành thói quen ở mọi người, thành phong tục tập quán của cả cộng đồng, trong phạm vi địa phương hay mở rộng ra cả nước, bây giờ gọi là nếp sống mới hay nếp sống văn minh.

          Việc tuyên truyền đạo đức mới, lối sống mới, nếp sống mới đòi hỏi phải bền gan, chịu khó, cẩn thận, khôn khéo, mềm mỏng. ép buộc, trấn áp chỉ đem lại hiệu quả không tốt. Điều quan trọng phải có người làm gương, trước hết chính người lãnh đạo, quản lý, những người tuyên truyền phải miệng nói, tay làm, nêu gương trước. Hơn nữa còn xây dựng tập thể kiểu mẫu để mọi người noi theo.

         Dưới ánh sáng Chủ nghĩa Mác Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, tạo nên những sức mạnh mới cho Cách mạng Việt Nam, trước hết là sức mạnh của văn hóa Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Đảng ta đã dựa vào đó để lãnh đạo nhân dân ta vượt qua mọi thử thách, đánh thắng mọi kẻ xâm lược và dành nhiều thành tựu trong xây dựng đất nước. Chủ nghĩa Mác Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh được Đảng vận dụng sáng tạo và phát triển trong sự nghiệp đổi mới, ngày càng tỏ rõ giá trị bền vững của một học thuyết khoa học, làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và cách mạng nước ta.

         Nhiều nét mới có giá trị trong văn hóa đạo đức được hình thành phát triển: Tính tích cực được khơi dậy và phát huy thay cho tâm lý thụ động và ỷ lại trong cơ chế cũ bao cấp; tính năng động trong hoạt động kinh tế - xã hội; thế hệ trẻ có ý thức vương lên lập nghiệp; dân trí nâng cao, sở trường năng lực được khuyến khích; không khí dân chủ cởi mở tăng lên trong xã hội; phong trào hướng về cội nguồn, tưởng nhớ anh hùng dân tộc, đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ người hoạn nạn, khó khăn ngày phát triển; vận động bài trừ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, ấp thôn văn hóa được hoan nghênh…Hoạt động văn hóa - nghệ thuật, báo chí, xuất bản, phát thanh truyền hình… có bước phát triển về số lượng, chất lượng…

          Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn bộc lộ nhiều nhược điểm, yếu kém:  Sự sụp đỗ Liên Xô, Đông Âu có làm dao động, hoài nghi, sút giảm lòng tin ở một số người, kể cả cán bộ, đảng viên; kinh tế thị trường và mặt trái của nó; tệ nạn xã hội phát triển; đổi mới, mở cửa, đón cả gió lành, cả gió độc; đời sống văn hóa - nghệ thuật có nhiều bất cập, phủ nhận thành tựu văn hóa cách mạng, tách rời văn hóa chính trị, thương mại hóa, thấp hèn. Nhức nhối nhất vẫn là đang hiện diện suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức và lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức có quyền.

          Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân rất quan trọng, đó là: Những di sản vô giá của Hồ Chí Minh chưa được quan tâm đúng mức, chưa được khai thác và sử dụng như một sức mạnh tinh thần quan trọng để phát huy hơn nữa những thành tựu văn hóa đã đạt được.

          Hiện nay, toàn Đảng vẫn đang tiếp tục phấn đấu thực hiện các nghị quyết: Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ năm, Hội nghị Trung ương 6 (lần 2), Hội nghị Trung ương 4, Hội nghị Trung ương 9 (Khóa IX):  Về văn hóa, về chỉnh đốn đảng và về một số vấn đề cấp bách trong Đảng, xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đặc biệt hiện đang triển khai thực hiện  Nghị quyết Đại hội Đảng bộ toàn quốc lần thứ XII. Trong tình hình này, tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh vẫn  soi đường cho sự thành công  và phát triển của nền văn hóa Việt Nam.

          Đảng đã nhận định, việc quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp xây dựng văn hóa hiện nay là yêu cầu cấp thiết; có ý nghĩa to lớn cả lý luận và thực tiễn, vì sao như vậy? Bởi Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của văn hóa Việt Nam trong thời đại mới, qua kiểm nghiệm, xác nhận là những tư tưởng mang tính khoa học, đúng đắn cách mạng, sáng tạo, tiêu biểu cho nền Văn hóa tương lai; xây dựng văn hóa phải bắt đầu từ mỗi con người với tư cách là chủ thể của văn hóa; phải giữ vững và phát huy bản sắc dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế; cảnh giác ngăn chặn âm mưu lợi dụng giao lưu văn hóa để thực hiện “diễn biến hòa bình’; phương pháp mà Hồ Chí Minh nêu ra để xây dựng nền văn hóa mới là phải xây dựng, và bồi dưỡng điển hình tích cực về văn hóa, phải thường xuyên biểu dương những tấm gương đó, phải tạo thành phong tào quần chúng ngày sâu rộng Vì vậy phải ra sức đẩy mạnh các phong trào “người tốt việc tốt”, “dạy tốt, học tốt”, xây dựng nếp sống mới văn minh, gia đình văn hóa…  

          Qua đợt học tập chuyên đề này, cán bộ, đảng viên trong cơ quan đã nhận thức tốt hơn về tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam, thấy được phương pháp mà Hồ Chí Minh nêu ra để xây dựng nền văn hóa mới  cho dân tộc Việt Nam, trong thời gian đến, thiết nghĩ thời gian đến, tập thể Chi bộ chúng ta cần quan tâm làm tốt hơn nữa các vấn đề thuộc 3 chức năng của văn hóa mới theo tư tưởng của Bác, cụ thể:

          Một là, tiếp tục bồi dưỡng tư tưởng đúng đắn và tình cảm cao đẹp cho cán bộ đảng viên, bởi tư tưởng và tình cảm là vấn đề chủ yếu nhất của đời sống tinh thần của con người, tư tưởng có thể đúng đắn hoặc sai lầm, tình cảm có thể thấp hèn hoặc cao đẹp, chức năng này phải được tiến hành  thường xuyên, vì tư tưởng, tình cảm của con người luôn diễn biến theo hoạt động thực tiễn cuộc sống.

         Hai là, tạo điều kiện bằng mọi hình thức để giúp cán bộ, đảng viên có thể học tập nâng cao trình độ hiểu biết về mọi mặt đời sống xã hội để dáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thế giới hiện đại, bởi kiến thức không bao giờ dừng lại.

          Ba là, tăng cường  giáo dục bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên về những phẩm chất tốt đẹp, phong cách lành mạnh hướng con người luôn vươn tới chân, thiện, mỹ để không ngừng hoàn thiện bản thân. Đó là những phẩm chất chính trị, những phong cách trong lao động, sinh hoạt và trong mọi quan hệ xã hội mà cụ thể là  tiếp tục thực hiện tốt các Chỉ thị 27, 30, 40 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chấp hành giờ giấc, chấn chỉnh phong cách làm việc, trao dồi đạo đức tác phong, phòng chống lãng phí tham nhũng…Thực hiện phong trào nếp sống văn minh công sở. Tiếp tục thực hiện tốt quy định về nêu gương và gương mẫu thực hiện.

          Tập thể Chi bộ quyết tâm phấn đấu giữ vững danh hiệu Chi bộ “Trong Sạch Vững Mạnh Tiêu biểu” cấp tỉnh sau 13 năm đạt được, nhằm thể hiện việc nêu gương tốt của tập thể trong Đảng bộ.

          Mọi cán bộ, đảng viên làm công tác kiểm tra của Đảng, ngoài việc cùng tập thể tham gia học tập bồi dưỡng nâng cao trình độ về mọi mặt, nâng cao phẩm chất chính trị, thực hiện tốt nếp sống văn minh công sở, phải phấn đấu trau dồi bản lĩnh, đạo đức người kiểm tra, tuyệt đối không mắc căn bệnh “ngạo mạng kiểm tra”, không ngừng nghiên cứu tìm hiểu học tập và thực hiện tốt những lời Bác dạy cho ngành kiểm tra đảng: Về cách làm kiểm tra, về việc thể hiện là người kiểm tra, việc nêu gương của người cán bộ kiểm tra như Bác đã dạy “mình càng ít khuyết điểm thì cách nhận xét cán bộ càng đúng”, cùng tập thể phấn đấu xây dựng  cơ quan đạt chuẩn mực văn hóa công sở, xây dựng ngành có nét văn hóa mới trong công tác kiểm tra. 


Các tin khác