Tin mới nhất

Nhận biết dấu hiệu vi phạm trên lĩnh vực quản lý đất đai và phương pháp thẩm tra, xác minh

Công tác quản lý đất đai là lĩnh vực quan trọng, phức tạp trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước của các cấp, các ngành, địa phương, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các tổ chức, cá nhân và đây là lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm.

Dấu hiệu vi phạm trong công tác quản lý nhà nước về đất đai: Trong lĩnh vực đất đai, có một số loại vi phạm thường gặp, đó là:

Lập, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất hàng năm không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cho phép hộ gia đình, cá nhân hợp thửa, tách thửa không đúng quy định. Ra các quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất một cách tuỳ tiện, không thực hiện việc thẩm định điều kiện, nhu cầu sử dụng đất, không đúng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, không đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục quy định; giao đất, cho thuê đất không đúng đối tượng như giao đất cho tổ chức, cá nhân không thực sự có nhu cầu sử dụng đất.

Tùy tiện làm trái các quy định của Nhà nước trong việc xác định khu vực, vị trí thửa đất, mục đích sử dụng đất trước khi chuyển mục đích không đúng thực tế, không đúng quy định, luôn thấp hơn quy định, phiếu chuyển thông tin địa chính để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai không đầy đủ nhưng vẫn tính tiền chuyển mục đích sử dụng đất. Định giá đất để thu tiền sử dụng đất khi giao đất, cho thuê đất không đúng quy định, quá thấp so với thị trường, làm thất thoát ngân sách nhà nước.

Xác nhận vào hồ sơ không đúng diện tích, thời điểm sử dụng đất khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thực hiện công tác bồi thường khi nhà nước thu hồi đất không đúng quy định: Xác định thời điểm sử dụng đất, diện tích đất sử dụng không đúng; thoả thuận trong việc khai tăng diện tích, ghi thời điểm sử dụng đất lùi về trước nhằm làm thấp đi tiền sử dụng đất phải nộp hoặc làm tăng số tiền bồi thường, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Giải quyết các khiếu nại, tố cáo về đất đai, giải quyết các tranh chấp về quyền sử dụng đất không đúng quy định của pháp luật: Không giải quyết kịp thời, dứt điểm các tranh chấp về quyền sử dụng đất, các khiếu nại, tố cáo về đất đai hoặc giải quyết không hợp lý, hợp tình, dẫn đến phát sinh mâu thuẩn, mất ổn định tình hình ở cơ sở, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.

Buông lõng, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực đất đai chưa nghiêm: Không kiểm tra, xử lý vi phạm hoặc có kiểm tra nhưng không tiến hành xử lý, xử lý không triệt để vi phạm hoặc chậm trễ trong việc kiểm tra, xử lý nên đến khi phát hiện vi phạm thì đã quá thời hiệu xử lý.

Phương pháp thẩm tra, xác minh dấu hiệu vi phạm trong quản lý đất đai:

Thẩm tra, xác minh dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực đất đai là một quá trình khó khăn và phức tạp. Để tiến hành thẩm tra, xác minh có hiệu quả, ngoài việc phải tuân thủ các nguyên tắc, phương pháp công tác Đảng và theo phương pháp chung về thẩm tra, xác minh phải lưu ý tính đặc thù, đó là:

Cán bộ kiểm tra phải nắm chắc các quy định của pháp luật về đất đai để xác định trường hợp nào là vi phạm và chỉ ra được vi phạm quy định nào. Trong quá trình thẩm tra, xác minh phải dựa vào những cơ sở để đối chiếu như: Luật đất đai, các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; Luật khiếu nại, Luật tố cáo; Luật Thanh tra, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự,…Các chính sách về đất đai. Nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định của Đảng, của nhà nước liên quan đến quản lý đất đai.

Quá trình thẩm tra, xác minh phải thu thập đầy đủ các thông tin, chứng cứ cần thiết; đặc biệt chú ý các giấy tờ pháp lý, xác định quan hệ về đất đai trong thời gian dài của lịch sử; kiểm tra, thu thập hồ sơ địa chính (sổ địa chính, sổ mục kê, bản đồ địa chính,…), tài liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (báo cáo, bản vẽ thiết kế quy hoạch sử dụng đất); các báo cáo thống kê, kiểm kê đất đai; hồ sơ giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như các quyết định, tờ trình, các hợp đồng,…được lưu giữ tại các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai và các giấy tờ về quyền sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Ngoài ra, trong một số trường hợp, cần phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành kiểm tra thực địa để nắm được sơ đồ, diện tích thửa đất được thể hiện trên thực tế. Căn cứ vào kết quả kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực địa, phải tiến hành đối chiếu để xem xét tính thống nhất của các chứng cứ để làm cơ sở kết luận. Trong những trường hợp cần thiết tiến hành xác minh nguồn gốc, quá trình sử dụng đất thông qua việc lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc đề nghị thành lập Hội đồng tư vấn xét tính pháp lý về nguồn gốc đất để có cơ sở xem xét, kết luận.

Bên cạnh đó, khi tiến hành thẩm tra, xác minh cần phải làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến vi phạm, động cơ, mục đích của người có hành vi vi phạm để có kết luận khách quan, chính xác, hợp tình, hợp lý về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với vi phạm.              

Tăng cường kiểm tra dấu hiệu vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai để kịp thời phát huy ưu điểm, sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, hậu quả xảy ra, xử lý vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên, là góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.


Các tin khác