Tin mới nhất

Một số kết quả nổi bậc trong công tác phòng, chống tham nhũng của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Thuận

Phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã quyết liệt triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ công tác kiểm tra, giám sát theo Điều lệ Đảng gắn với công tác phòng, chống tham nhũng; kết quả thực hiện từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cho đến nay đạt được những kết quả nổi bậc như sau:

1. Về công tác phối hợp tham mưu ban hành các văn bản về phòng, chống tham nhũng hoặc có liên quan đến phòng, chống tham nhũng:

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã chủ trì, phối hợp các ban của Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức triển khai, quán triệt đầy đủ, nghiêm túc các chủ trương, chính sách, pháp luật của Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng đến các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ chốt các cấp trong tỉnh để tổ chức thực hiện như: Kế hoạch số 06-KH/TU, ngày 17/3/2016 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Kế hoạch số 71-KH/TU, ngày 01/9/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổ chức tập huấn kê khai tài sản, thu nhập; Quy định số 694-QĐ/TU, ngày 18/7/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý cho cán bộ chủ chốt của tỉnh; Công văn số 1498-CV/TU, ngày 24/7/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Đồng thời tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành văn bản, đề cương hướng dẫn cụ thể công tác tự kiểm tra nội bộ về phòng chống tham nhũng, kiểm tra dấu hiệu vi phạm khi có vấn đề nổi lên tại cơ quan, đơn vị mình gửi các đảng đoàn, ban cán sự đảng, Mặt trận và các đoàn thể tỉnh, các sở, ban, ngành và ban thường vụ, ủy ban kiểm tra các huyện, thị thành ủy, đảng ủy thực thuộc tỉnh thực hiện; văn bản chỉ đạo các cấp ủy, các tổ chức đảng trực thuộc tổ chức triển khai, thực hiện Quy định số 01-QĐi/TW, ngày 10/5/2018 của Bộ Chính trị về trách nhiệm và thẩm quyền của ủy ban kiểm tra trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Hằng năm, phối hợp các Ban và Văn phòng Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành chương trình kiểm tra, giám sát, trong đó có nội dung kiểm tra, giám sát về công tác phòng, chống tham nhũng.

Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng Quy chế phối hợp với 16 cơ quan, đơn vị trong tỉnh; theo đó đã phối hợp thực hiện và tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng; trọng tâm là trong công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực.

2. Về công tác phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng:

Đã phối hợp, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiến hành kiểm tra đối với 29 lượt tổ chức đảng và 08 đảng viên là Bí thư, Phó Bí thư cấp ủy về việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mua sắm tài sản công, đầu tư xây dựng cơ bản. Qua kiểm tra, đã chỉ ra những hạn chế, thiếu sót để các cấp ủy, tổ chức đảng chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.

Phối hợp, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiến hành giám sát đối với 14 lượt tổ chức đảng và 06 đảng viên là Bí thư, Phó Bí thư cấp ủy về việc khắc phục những hạn chế, thiếu xót đã được chỉ ra qua kết quả kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Qua giám sát, đã chỉ ra những hạn chế, thiếu sót giúp các cấp ủy, tổ chức đảng kịp thời sửa chữa, chấn chỉnh.

Phối hợp, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy thi hành kỷ luật đối với 04 đảng viên bằng các hình thức 03 khiển trách, 01 cách chức; nội dung sai phạm về quản lý tài chính; thi đua, khen thưởng; công tác tổ chức, thực hiện chính sách đối với công chức; việc kê khai tài sản, thu nhập.

3. Kết quả thực hiện:

Hằng năm, ngoài thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân giao, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã tiến hành công tác kiểm tra, giám sát về phòng, chống tham nhũng; kết quả như sau:

- Về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm:

+ Đối với 04 tổ chức đảng về trách nhiệm trong lãnh đạo đơn vị thực hiện nhiệm vụ chính trị, quản lý tài chính, quản lý đất đai, trách nhiệm trong công tác giáo dục cán bộ, đảng viên, việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện kê khai tài sản, thu nhập; công tác cán bộ. Qua kiểm tra, kết luận có 01 tổ chức đảng sai phạm, đề nghị thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo; yêu cầu kiểm điểm nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với 03 tổ chức đảng.

+ Đối với 35 đảng viên về nội dung: Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo quản lý tài chính; lĩnh vực tài chính ngân hàng; kê khai tài sản; chế độ công tác phí; lĩnh vực đất đai... Qua kiểm tra, kết luận có 20 trường hợp vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật, đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, thi hành hành kỷ luật 08 trường hợp (02 khiển trách, 01 cảnh cáo, 03 cách chức, 02 khai trừ) và đã thi hành kỷ luật theo thẩm quyền 12 trường hợp (05 khiển trách, 02 cảnh cáo, 05 cách chức), trong đó có 03 trường hợp bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can (bắt tạm giam 02 trường hợp, 01 trường hợp tại ngoại); các trường hợp còn lại đã kiểm điểm rút kinh nghiệm.

- Về giám sát: Đã tiến hành giám sát đối với 16 tổ chức đảng và 26 đảng viên là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng về nội dung: công tác tự kiểm tra về phòng, chống tham nhũng; lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập; công tác kê khai tài sản, đánh giá tham gia công tác cán bộ, … Qua giám sát đã kịp thời chỉ ra những hạn chế, thiếu sót để các tổ chức, cá nhân kịp thời chấn chỉnh, khắc phục.

- Đã tiến hành kiểm tra về thu, nộp, quản lý và sử dụng đảng phí; thu, chi ngân sách và sản xuất kinh doanh đối với 52 tổ chức đảng; qua kiểm tra, đề nghị xuất toán, thu hồi số tiền sai phạm là 319.589.000 đồng.

          Tuy vậy, việc phát hiện tham nhũng qua công tác kiểm tra, giám sát còn hạn chế, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực.

          4. Một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới:

          Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng qua công tác kiểm tra, giám sát trong thời gian tới, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đề xuất 05 giải pháp như sau:

Một là, tiếp tục thực hiện tốt Chị thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch 06-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Hai là, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, đặc biệt chú trọng đối với công tác phòng, chống tham nhũng; tập trung giải quyết các đơn thư khiếu nại tố cáo tham nhũng; phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết có hiệu quả các vụ việc tham nhũng, tiêu cực; tăng cường giám sát việc khắc phục sau kiểm tra.

Ba là, quan tâm hơn nữa công tác giám sát thường xuyên, thực hiện giám sát chuyên đề ở các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh vi phạm như: đất đai, tài nguyên khoáng sản, dự án, xây dựng, tài chính; giải quyết có hiệu quả các vụ việc tham nhũng, tiêu cực; chú trọng công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Kịp thời xử lý nghiêm minh trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Thứ tư là, đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm tạo nên ý thức tự rèn luyện đạo đức, lối sống trong cán bộ công chức, nhất là đảng viên, cán bộ lãnh đạo phải nêu gương, gương mẫu thực hiện. Thực hiện tốt quy chế dân chủ trong hoạt động của quan, đơn vị nhất là trong các khâu tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đánh giá, khen thưởng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ công chức; xử lý nghiêm minh các hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực.

Năm là, thực hiện tốt công tác tự kiểm tra nội bộ về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong hoạt động cơ quan, đơn vị.      


Các tin khác