Tin mới nhất

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁM SÁT THƯỜNG XUYÊN

Giám sát thường xuyên là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là cơ sở, điều kiện bảo đảm cho chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được thực hiện đúng; phát hiện các thiếu sót, khuyết điểm vi phạm khi còn manh nha để chấn chỉnh, ngăn chặn kịp thời.

Trong Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII nêu rõ: Giám sát của Đảng là việc các tổ chức đảng quan sát, theo dõi, nắm bắt, xem xét, đánh giá, kết luận hoạt động nhằm kịp thời nhắc nhở để cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên được giám sát chấp hành nghiêm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước và khắc phục, sửa chữa hạn chế, khuyết điểm, vi phạm (nếu có).

Khi thực hiện nhiệm vụ giám sát thì chủ thể giám sát, trước hết là theo dõi thường xuyên, liên tục của các đối tượng được giám sát để nắm thông tin, tình hình của đối tượng, phương pháp giám sát để có được thông tin bằng cách thông qua các kênh như báo chí, phản ảnh, thông qua các cuộc họp tại tổ chức đảng để từ đó có thể theo dõi việc các đối tượng có vi phạm; hiệu quả của việc theo dõi này là chủ thể giám sát phải phát hiện ngay được những ý định, chủ trương, việc làm, hành động không đúng của đối tượng bị giám sát. Thứ hai là, sau khi phát hiện việc đi “chệch hướng”, thực hiện không đúng Điều lệ Đảng, các quy định, chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước thì chủ thể được giao nhiệm vụ giám sát phải chủ động làm việc với đối tượng để giải thích, tác động và tác động phải đủ mạnh, đến mức đối tượng bị giám sát phải đi đúng hướng. Từ đó, đối tượng sẽ chấp hành đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hiệu quả của việc này chính là việc ngăn chặn được hành vi vi phạm ngay từ khi mới manh nha.

Theo đó, trách nhiệm và quyền hạn của Ủy ban Kiểm tra các cấp đã được quy định tại mục 3.1.3, khoản 3, Điều 8 của Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII quy định: Ủy ban kiểm tra phân công thành viên ủy ban dự các cuộc họp của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cùng cấp, cử cán bộ kiểm tra dự các hội nghị của cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới. Thành viên ủy ban kiểm tra, đoàn giám sát và cán bộ kiểm tra được yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên giải trình, cung cấp tài liệu, báo cáo về các nội dung giám sát; có trách nhiệm bảo mật thông tin, tài liệu và chịu trách nhiệm về việc giám sát trước ủy ban kiểm tra. Qua giám sát, phải kịp thời báo cáo, kiến nghị cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên được giám sát phát huy ưu điểm, nhắc nhở, uốn nắn, khắc phục, sữa chữa thiếu sót, khuyết điểm. Nếu phát hiện cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới ban hành các nghị quyết, quyết định, kết luận hoặc đảng viên ban hành các quyết định sai trái thì ủy ban kiểm tra yêu cầu xem xét lại, nếu không khắc phục, xử lý thì báo cáo cấp ủy cùng cấp xem xét trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên có liên quan. Qua giám sát nếu phát hiện tổ chức đảng cấp dưới hoặc đảng viên có dấu hiệu vi phạm thì quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.

Vậy, vấn đề quan trọng đặt ra để nâng cao hiệu quả chất lượngcông tác giám sát thường xuyên, trong khuôn khổ bài viết xin đề cập hai giải pháp sau:

Thứ nhất, cán bộ kiểm tra theo dõi địa bàn là cán bộ công chức của cơ quan  Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy được lãnh đạo cơ quan phân công để giúp ủy ban kiểm tra thực hiện nhiệm vụ giám sát thường xuyên, cán bộ địa bàn là cầu nối cần thiết để bảo đảm việc giám sát thường xuyên chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời của ủy ban kiểm tra đối với tổ chức đảng, đảng viên ở các địa phương, cơ quan, đơn vị. Xác định rõ giám sát thường xuyên là tiền đề quan trọng, là một trong những yếu tố có ảnh hưởng quyết định đến chất lượng hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, giúp ủy ban kiểm tra và cấp ủy các cấp chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, nắm chắc tình  hình về tổ chức đảng, đảng viên trong phạm vi lãnh đạo, quản lý. Do đó, đòi hỏi, cán bộ theo dõi địa bàn phải  nắm vững sâu các chỉ thị, nghị quyết, các quy định, hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng, nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, các quy định, quy trình về công tác cán bộ, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, đầu tư về xây dựng cơ bản… Bên cạnh đó, cán bộ theo dõi địa bàn phải tăng cường thời gian dự các hội nghị thường kỳ, đột xuất của tổ chức đảng cấp dưới, việc này đòi hỏi cán bộ kiểm tra phải chủ động trong công việc để sắp xếp thời gian tham dự các cuộc họp theo địa bàn được phân công. Cán bộ theo dõi chịu trách nhiệm về những sai phạm khuyết điểm đối với địa bàn được phân công.

 Khi phát hiện có vấn đề chưa đúng hoặc có dấu hiệu vi phạm, cán bộ kiểm tra phải báo cáo kịp thời với người đứng đầu tổ chức đảng được giao giám sát để làm rõ vấn đề, từ đó giúp tổ chức đảng kịp thời ngăn chặn vi phạm có thể xảy ra. Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn những khuyết điểm của tổ chức đảng và đảng viên xảy ra từ khi mới manh nha, không để thiếu sót, khuyết điểm trở thành vi phạm, vi phạm ít nghiêm trọng trở thành vi phạm nghiêm trọng, vi phạm của cá nhân trở thành vi phạm của tổ chức.

Thứ hai, xây dựng hoàn thiện quy định, quy trình, quy chế, cách thức, phương pháp giám sát thường xuyên có hệ thống, đầy đủ, khoa học, sát thực tiễn, thống nhất, chặt chẽ, có tính khả thi để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ địa bàn trong quá trình thực hiện, đưa công tác giám sát thường xuyên đi vào nền nếp, gắn nhiệm của từng cán bộ tham gia trong cả quá trình giám sát, tham mưu và xử lý các thông tin kịp thời. Mặt khác, mỗi cán bộ địa bàn cần nắm vững phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác xây dựng Đảng, chủ động thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với cấp ủy, lãnh đạo địa phương, cơ quan đơn vị, thường xuyên cập nhật mọi thông tin, tình hình về địa bàn, chủ động, nắm chắt, đánh giá đúng hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên để tham mưu, xử lý kịp thời.

Công tác giám sát của Đảng có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, là chức năng lãnh đạo của Đảng; bảo đảm cho đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, quyết định của Đảng, của các cấp ủy được xác định đúng, được chấp hành nghiêm và có hiệu quả trong thực tiễn. Mọi tổ chức đảng, đảng viên cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ về công tác giám sát của Đảng, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ giám sát của mình, đồng thời thực hiện tốt vai trò tham mưu giúp cấp ủy thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát của cấp ủy và thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát do cấp ủy giao.


Các tin khác