- Về ưu điểm: Các cấp ủy tỉnh và cấp huyện đã kịp thời tổ chức Hội nghị quán triệt đến cán bộ chủ chốt cấp mình, ở cơ sở thông qua những hình thức thích hợp đã triển khai đến cán bộ, đảng viên cấp mình theo chỉ đạo của cấp trên. Nhận thức về vị trí, tác dụng và tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong từng cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên tiếp tục nâng lên; các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong tỉnh căn cứ Nghị quyết Đại hội cấp trên và cấp mình chủ động xây dựng chương trình công tác kiểm tra, giám sát toàn khóa phù hợp tình hình địa phương, đơn vị; trong từng năm đã căn cứ chương trình toàn khóa và chương trình công tác kiểm tra, giám sát của cấp trên để xây dựng chương trình công tác kiểm tra, giám sát của cấp mình; trong từng thời gian cụ thể đã xây dựng kế hoạch, tổ chức lực lượng tiến hành các cuộc kiểm tra, giám sát; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và thi hành kỷ luật đảng được các cấp ủy, tổ chức đảng bám sát quy trình, thực hiện đúng phương hướng, phương châm và nguyên tắc thủ tục.
Đạt được kết quả trên là do Hướng dẫn đã làm rõ được những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc về nguyên tắc, trình tự, thủ tục; nhiều vấn đề được nêu cụ thể, có tính chất hướng dẫn sâu về nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, làm cho cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và đảng viên dễ hiểu hơn, bớt lúng túng hơn khi tổ chức thực hiện. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong tỉnh đã triển khai kịp thời các quyết định, hướng dẫn, quy định, quy chế của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát; cụ thể hóa, ban hành các quy chế, quy định về hoạt động và phối hợp công tác của các cơ quan chức năng; quan tâm và chú trọng hơn vị trí, vai trò và chức năng tham mưu của uỷ ban kiểm tra; các ban đảng cơ bản khắc phục tư tưởng “công tác kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ của uỷ ban kiểm tra”, từng bước chủ động tiến hành các cuộc kiểm tra, giám sát theo chức năng, lĩnh vực phụ trách
- Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số cấp ủy, tổ chức đảng nghiên cứu, quán triệt Hướng dẫn chưa sâu kỹ, có nơi làm còn chậm; việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát có nơi thiếu chủ động, ở cơ sở còn lúng túng trong thực hiện nhiệm vụ giám sát; công tác kiểm tra, giám sát trong các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực, nhất là trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, ngân sách… triển khai chưa nhiều; một số nơi chưa chú ý đúng mức đến việc kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm…; các ban của cấp ủy trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát còn lúng túng về phương pháp, tiến hành một số cuộc kiểm tra, giám sát chưa chặt chẽ.
Những hạn chế trên là do trong Đảng bộ vẫn còn cấp ủy, tổ chức đảng nhất là người đứng đầu chưa nhận thức đầy đủ, chưa thực sự quan tâm đúng mức đối với công tác kiểm tra, giám sát; trong tổ chức thực hiện có lúc thiếu quyết tâm, thiếu chặt chẽ; vai trò của một số ủy ban kiểm tra trong việc tham mưu và giúp cấp ủy triển khai quán triệt, tổ chức thực hiện còn hạn chế.