Từ những kết quả đạt được như trên, rút ra một số kinh nghiệm sau đây:
Thứ nhất, các cấp ủy đảng cần tập trung lãnh đạo nâng cao nhận thức về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.
Công tác kiểm tra, giám sát là một bộ phận của công tác xây dựng Đảng, một nội dung quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng nhằm bảo đảm nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức đảng, giữ gìn sự trong sạch, vững mạnh, ngăn ngừa và khắc phục những tiêu cực trong Đảng. Trong tình hình hiện nay, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng càng có vị trí đặc biệt quan trọng. Cấp ủy các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục làm cho cán bộ, đảng viên nâng cao hơn nữa nhận thức về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng; tiếp tục quán triệt sâu kỹ các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa X) và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, từ đó xác định quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết. Bên cạnh đó, cần tổ chức tốt việc học tập Điều lệ Đảng, các quyết định, quy định, quy chế và hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng để triển khai thực hiện nghiêm túc. Phải nhận thức sâu sắc rằng công tác kiểm tra, giám sát là những công việc thực hiện chức năng lãnh đạo của tổ chức Đảng. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải chỉ đạo và trực tiếp tiến hành công tác kiểm tra, giám sát; mọi tổ chức đảng và đảng viên đều chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng.
Thứ hai, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của cấp ủy các cấp; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và người đứng đầu đơn vị.
Công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành một cách thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ. Thực hiện đồng bộ công tác kiểm tra và công tác giám sát theo đúng phương châm: “kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm” và “giám sát phải mở rộng”. Tập trung kiểm tra, giám sát các lĩnh vực nhạy cảm, dễ vi phạm hoặc phát sinh tiêu cực như việc chấp hành Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ gìn đoàn kết nội bộ, thực hiện quy chế làm việc, công tác cán bộ; việc thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí; quản lý và sử dụng đất đai, quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công; việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; việc rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên… Cấp ủy các cấp cần thường xuyên chỉ đạo Ủy ban kiểm tra cấp mình phối hợp với các ban xây dựng Đảng và các ngành có liên quan phát huy tốt vai trò tham mưu, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát của cấp ủy. Cấp ủy phải chịu trách nhiệm chủ trì, kết luận các cuộc kiểm tra do cấp ủy tổ chức. Hết sức coi trọng công tác phúc tra sau kiểm tra, khắc phục triệt để những yếu kém, vi phạm; đồng thời quan tâm phát hiện những nhân tố mới, phát huy sự năng động, sáng tạo của tổ chức đảng và đảng viên góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Thứ ba, phải thường xuyên quan tâm kiện toàn tổ chức, bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra.
Ủy ban kiểm tra là cơ quan kiểm tra, giám sát chuyên trách của cấp ủy, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Điều lệ Đảng; tham mưu giúp cấp ủy chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng. Do đó, để nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, cùng với việc phải dựa vào sức mạnh của Đảng, của cả hệ thống chính trị thì phải quan tâm xây dựng hệ thống Ủy ban kiểm tra các cấp vững mạnh. Các cấp ủy cần tiếp tục quan tãm củng cố, kiện toàn đủ số lượng và đảm bảo chất lượng cán bộ ủy ban kiểm tra và cơ quan ủy ban kiểm tra cấp mình; đặc biệt quan tâm củng cố ủy ban kiểm tra cấp cơ sở. Làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt, thực hiện tốt việc luân chuyển đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát theo Thông báo kết luận số 312 -TB/TW, ngày 09/3/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ cho toàn ngành với nội dung, hình thức phù hợp. Bên cạnh đó cần quan tâm đầu tư đúng mức phương tiện, điều kiện làm việc cho cơ quan Ủy ban kiểm tra, thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với cán bộ kiểm tra.
Đội ngũ cán bộ kiểm tra phải không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác; nỗ lực phấn đấu rèn luyện để có bản lĩnh chính trị vững vàng, có dũng khí đấu tranh, thật sự công tâm, khách quan, chính trực và liêm khiết; có khả năng độc lập nghiên cứu, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Thứ tư, thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát.
Xuất phát từ yêu cầu của công tác xây dựng Đảng hiện nay, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Đảng ngày càng to lớn, nặng nề. Để hoàn thành nhiệm vụ, không những phải phát huy tốt trách nhiệm của lực lượng chính là đội ngũ cán bộ kiểm tra chuyên trách mà còn phải có sự phối hợp thường xuyên và đồng bộ của các ngành, các cấp trong công tác kiểm tra, giám sát. Sự phối hợp được thực hiện trên cơ sở Quy chế, xác định rõ trách nhiệm, nội dung, phạm vi và nguyên tắc phối hợp của các cơ quan và tổ chức có liên quan trong công tác kiểm tra, giám sát.
Các cấp ủy cần tăng cường chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện các quy chế phối hợp để không ngừng nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Quá trình thực hiện, định kỳ hàng năm cần tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm để bổ sung hoàn thiện quy chế./.