Những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng để tập trung lãnh đạo triển khai quán triệt, tuyên truyền và thực hiện đạt kết quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Công tác xây dựng Đảng và công tác dân vận nói chung, cũng như công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng nói riêng được cấp ủy, tổ chức đảng các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, đạt kết quả khá toàn diện, gắn với tập trung lãnh đạo khắc phục những khuyết điểm, hạn chế qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Bên cạnh đó, các cấp ủy đã từng bước nâng cao chất lượng sinh hoạt, cải tiến, đổi mới phương pháp quán triệt và cụ thể hóa để triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, tăng cường kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng; gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) và triển khai thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TU, ngày 01/10/2012 về việc nâng cao trách nhiệm và chấn chỉnh tác phong, giờ giấc làm việc, ý thức chấp hành của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, Chỉ thị số 30-CT/TU, ngày 08/01/2013 về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sinh hoạt, công tác, Chỉ thị số 40-CT/TU, ngày 15/8/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí bước đầu đạt kết quả đã góp phần nâng cao ý thức xây dựng Đảng, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên.
- Nội dung, tính chất, mức độ, động cơ, mục đích, nguyên nhân vi phạm của tổ chức đảng thuộc Đảng bộ tỉnh Bình Thuận
Thời gian qua nội dung vi phạm kỷ luật của tổ chức đảng tập trung trên một số mặt như: Thiếu trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; về đấu tranh phòng chống tội phạm và công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, để nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; về quản lý tài chính - ngân sách của Nhà nước và chấp hành nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, ý thức chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết nội bộ và chấp hành chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa nghiêm; thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo xử lý kỷ luật, trong lãnh đạo việc kê khai tài sản không đúng quy định của Đảng và Nhà nước; cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm để xảy ra sai phạm trong địa phương, đơn vị mình; vi phạm trong công tác cán bộ, trong lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra công tác phát triển đảng viên mới… Nhìn chung, tính chất, mức độ vi phạm của các tổ chức đảng chưa đến mức nghiêm trọng, tuy có trường hợp do thiếu trách nhiệm hoặc buông lỏng lãnh đạo đã dẫn đến hậu quả khá nghiêm trọng, nhưng xem xét kỹ phần lớn là do vô ý hoặc không lường trước hậu quả xảy ra. Nguyên nhân là do chưa nắm chắc quy định của Đảng và Nhà nước; trong lãnh đạo, chỉ đạo còn thiếu nhạy bén, đấu tranh xây dựng nội bộ, thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình có nơi còn yếu, chưa nghiêm túc; tính chiến đấu, tính giáo dục, tính tự giác của một bộ phận tổ chức đảng, đảng viên chưa cao; công tác kiểm tra, giám sát có nơi chưa được quan tâm đúng mức.
- Ảnh hưởng đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng và kết quả thi hành kỷ luật của cấp uỷ các cấp
Vi phạm kỷ luật đảng của tổ chức đảng thời gian qua tuy tính chất, mức độ không nghiêm trọng, nhiều trường hợp vi phạm do vô ý nhưng đã có ảnh hưởng nhất định trên một số mặt, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng đến lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân; phải tập trung lãnh đạo để củng cố, khắc phục với quyết tâm cao để lấy lại uy tín lãnh đạo trước quần chúng, nhân dân.
Từ năm 2007 đến cuối năm 2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp trong tỉnh đã thi hành kỷ luật 36 tổ chức đảng vi phạm với hình thức khiển trách 27 trường hợp, cảnh cáo 09 trường hợp. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thi hành kỷ luật 06 trường hợp tổ chức đảng vi phạm, với hình thức 05 khiển trách, 01 cảnh cáo; ban chấp hành đảng bộ huyện thi hành 01 tổ chức đảng trực thuộc với hình thức khiển trách; ban thường vụ cấp ủy cấp huyện và tương tương thi hành 24 tổ chức đảng, với hình thức 17 khiển trách, 07 cảnh cáo; đảng ủy cơ sở thi hành kỷ luật 05 chi bộ với hình thức 04 khiển trách, 01 cảnh cáo.
- Một số kinh nghiệm rút ra qua việc xem xét và thi hành kỷ luật tổ chức đảng vi phạm
- Cấp uỷ các cấp phải thường xuyên quán triệt các quyết định, quy định, quy chế, hướng dẫn của tổ chức đảng cấp trên về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; coi trọng việc tổ chức tập huấn về quy trình, phương pháp nghiệp vụ, gắn với việc phổ biến những kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng cho cấp uỷ và cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ, đảng viên làm công tác kiểm tra, giám sát.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng trong phạm vi quy định nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm xây dựng đảng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
- Phát huy tính chủ động trong việc phối hợp thực hiện công tác theo quy chế giữa uỷ ban kiểm tra, các ban đảng, văn phòng cấp uỷ và các ngành liên quan ở các cấp để làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng, trong đó đề cao việc xác định trách nhiệm cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp. Trong xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng phải kiên quyết, chặt chẽ, làm tốt công tác thẩm tra, xác minh, xác định đúng từng nội dung vi phạm; việc xử lý phải tuân thủ nguyên tắc, thủ tục, bám sát quy trình, căn cứ tính chất, mức độ, nguyên nhân, động cơ để áp dụng hình thức kỷ luật phù hợp.
- Tổ chức đảng vi phạm phải được xem xét, xử lý kịp thời để nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính nghiêm minh trong thi hành kỷ luật góp phần giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong Đảng.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, uỷ ban kiểm tra và các ban xây dựng Đảng của cấp ủy; đặc biệt là phải xác định xuyên suốt nhiệm vụ kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm là nhiệm vụ trọng tâm. Thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng để đánh giá toàn diện công tác kiểm tra, giám sát nói chung và việc thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm nói riêng để rút kinh nghiệm, kịp thời chấn chỉnh những sai phạm.
* Giải pháp thực hiện thi hành kỷ luật tổ chức đảng vi phạm trong thời gian tới
- Đổi mới phương pháp học tập chính trị, tư tưởng để nâng cao chất lượng, phẩm chất chính trị, tinh thần phấn đấu rèn luyện đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên; thường xuyên coi trọng tiêu chuẩn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là tiêu chuẩn người đứng đầu địa phương, đơn vị để đủ năng lực, có uy tín trong điều hành cấp ủy, tổ chức đảng hoạt động.
- Tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các quy định của Đảng liên quan đến việc thi hành kỷ luật trong Đảng để nâng cao nhận thức cho tổ chức đảng và đảng viên, trước hết là cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng về ý nghĩa, mục đích, tác dụng của việc chấp hành kỷ luật đảng để chủ động, tự giác chấp hành. Lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức đảng, đảng viên thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý phải chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật đảng, nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình; phát huy tính chiến đấu, tính tự giác của tổ chức đảng, đảng viên, đề cao tinh thần đấu tranh chống tiêu cực của đảng viên trong sinh hoạt nội bộ Đảng. Đảm bảo phát huy dân chủ, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng.
- Tăng cường chỉ đạo rà soát các chủ trương, chính sách, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi hoặc bãi bỏ các chế độ không còn phù hợp; phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng ở địa phương, đơn vị.
- Các cấp ủy tăng cường chỉ đạo hoạt động của ủy ban kiểm tra, thường xuyên nắm tình hình, chỉ đạo ủy ban kiểm tra xác định nội dung kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tiêu cực, đồng thời luôn chủ động công tác kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm.
- Sớm cụ thể hóa ban hành quy định, hướng dẫn về việc Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI).
- Quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy ủy ban kiểm tra các cấp, chú trọng việc nâng cao chất lượng và chăm lo công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác kiểm tra nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình hiện nay./.