Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật được hình thành rất sớm, thể hiện trên các vấn đề chủ yếu sau đây:
I-Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra, giám sát
1. Vai trò, vi trí, ý nghĩa của công tác kiểm tra, giám sát:
Đảng ta là một đảng cầm quyền, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động, tổ chức, động viên sức mạnh đòan kết tòan dân tộc, đưa sự nghiệp cách mạng của đất nước tiến lên theo mục tiêu đã chọn. Muốn vậy, Đảng phải mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và phải có kỷ luật nghiêm minh. Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật nhàm thống nhất ý chí và hành dộng, tăng cường sức chiến dấu, năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng và đảng viên, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác kiểm tra của Đảng, coi công tác kiểm tra là một khâu quan trọng trong tòan bộ công tác lãnh đạo của Đảng. Trong tác phẩm: “sửa đổi lối làm việc” Bác đã luận giải hết sức rõ ràng lãnh đạo dúng có nghĩa là:
1. Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng…
2. Phải tổ chức thực sự thi hành cho đúng…
3. Phải tổ chức sự kiểm soát…
Như vậy, sự lãnh đạo của Đảng không phải là viết nghị quyết và ra chỉ thị, mà điều quan trọng, lãnh đạo còn là tổ chức thi hành và kiểm tra việc thực hiện. Quy trình lãnh đạo của Đảng rất hoàn chỉnh, không thể cắt xén hoặc giảm bớt, xem nhẹ bất cứ khâu nào. Sự chia tách quy trình lãnh đạo đó thành các khâu cũng chỉ mang tính tương đối vì kiểm tra không chỉ là khâu cuối cùng của quy trình, mà nó đã đan xen vào tất cả các khâu, tạo nên sự hoàn chỉnh của cả quy trình lãnh đạo. Lãnh đạo là kiểm tra, điều đó hoàn toàn chính xác cả về lý luận và thực tiễn.
Sự đúng đắn, chính xác của các quyết định của các cấp ủy đảng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có một yếu tố rất quan trọng là công tác kiểm tra. Kiểm tra là tất yếu khách quan còn ở chỗ - muốn biến ý chí, trí tuệ của Đảng thành hiện thực trong cuộc sống thì phải thường xuyên quan tâm đến công tác quan trọng đó.
Trong tác phẩm “Một việc mà các cơ quan lãnh đạo cần thực hành ngay” Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chính sách đúng đắn là nguồn gốc của thắng lợi. Song từ nguồn gốc đi đến thắng lợi thực sự, còn phải tổ chức, phải đấu tranh. Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”.
Khi mục đích, nhiệm vụ chính trị đã được xác định, quyết định đã được thông qua, thì nhiệm vụ tổ chức thực hiện phải đặt lên hàng đầu. Do vậy trọng tâm của công tác lãnh đạo lúc này là lựa chọn người để triển khai và kiểm tra việc thực hiện. Đó là vấn đề then chốt nhất đối với Đảng tiên phong, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền – tìm người – kiểm tra công việc. Cần phải ưu tiên thời gian, trí tuệ thích đáng, vì nếu không làm như vậy thì “tất cả mọi mệnh lệnh và quyết định sẽ chỉ là mớ giấy lộn”.
2. Mục đích, ý nghĩa, tác dụng, nội dung của công tác kiểm tra và thi hành kỷ luật
Phạm vi, nội dung của công tác kiểm tra rất rộng, nhưng tập trung nhất là kiểm tra việc và kiểm tra người. Việc ở đây chủ yếu bao gồm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước..; Người ở đây là cá nhân đảng viên của Đảng.
Bác đã chỉ rõ mục đích, tác dụng của công tác kiểm tra là giúp cho các cấp ủy đảng nắm chắc được tình hình lãnh đạo, chất lượng của các nghị quyết, chỉ thị …; tình hình thực hiện như thế nào, có gì đúng đắn, có gì sai lệch; ai chấp hành tốt, ai chấp hành chưa tốt, năng lực thực tế của mỗi người.
Người cho rằng: Có kiểm soát như thế mới hiểu rõ cán bộ và nhân viên tốt hay xấu; mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các cơ quan; mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các mệnh lệnh và nghị quyết. Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm cho qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm sẽ bớt đi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán rất nghiêm khắc những cơ quan, cán bộ mắc phải bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, chỉ lo khai hội và thảo nghị quyết, đánh điện và gửi chỉ thị… Họ quên mất kiểm tra. Do đó mà “đầy túi quần thông báo, đầy túi áo chỉ thị” mà công việc vẫn không chạy.
Người cho rằng, những người đó “không làm được việc, phải thải đi”. Ngoài ra, Hồ Chí Minh còn lưu ý đến hai hạng người:
Một là, những người cậy mình là công thần cách mạng rồi sinh ra ngang tàng, không giữ gìn kỷ luật, không thi hành nghị quyết của Đảng và Chính phủ. Họ kiêu ngạo, bất chấp kỷ luật, kỷ cương. Với những người này: “Cần phải mời các ông đó xuống công tác hạ tầng, khép họ vào kỷ luật để chữa tính kiêu ngạo, thói quan liêu cho họ và để giữ vững kỷ luật của Đảng và của Chính phủ”.
Hai là, hạng người nói suông. Hạng người này tuy thật thà, trung thành nhưng không có năng lực làm việc, chỉ biết nói suông.
Hồ Chí Minh đánh giá rất cao ý nghĩa, tác dụng của công tác kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra việc và kiểm tra người. Người thường xuyên nhắc nhở: “Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành như thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng”.
Về cách thức thực hiện công tác kiêm tra, Bác nhắc nhở cả việc kiểm tra định kỳ, đột xuất và kiểm tra thường xuyên nhưng khi tiến hành cần hết sức uyển chuyển, tránh cứng nhắc. Kiểm tra gắn với công tác tổ chức cán bộ, thể hiện sự quan tâm, sâu sát và để giúp cán bộ hoàn thiện mình chứ tuyệt nhiên không phải là bới móc, vạch lá tìm sâu: “Không phải ngày nào cũng kiểm tra. Nhưng thường thường kiểm tra để giúp họ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Giao công việc mà không kiểm tra, đến lúc thất bại mới chú ý đến. Thế là không biết yêu dấu cán bộ”.
Công tác kiểm tra phải tránh tình trạng chỉ khi có những vụ việc đột xuất hay có yêu cầu gắt gao của quần chúng, của một tổ chức, cá nhân nào đó mới tiến hành kiểm tra. Một điều mang tính nguyên tắc là bất cứ một tổ chức hay một cá nhân nào cũng chịu sự kiểm tra của Đảng, nhất là trong trường hợp cần thiết. Ở đây tuyệt đối không có “vùng cấm” đối với ông tác kiểm tra.
Kiểm tra không chỉ giúp cho lãnh đạo nắm chắc chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, ngăn ngừa sai lầm, khuyết điểm, giúp đỡ họ sửa chữa mà còn khơi dậy được tính tích cực, sức mạnh to lớn trong bản thân mỗi người đảng viên, củng cố tín nhiệm của Đảng trước quần chúng.
Khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, lãnh đạo xây dựng CNXH thì công tác kiểm tra, giám sát còn có tác dụng, tầm quan trọng đặc biệt. Bác lưu ý “Công việc của Đảng và Nhà nước ngày càng nhiều. Muốn hoàn thành tốt mọi việc, thì toàn thể đảng viên và cán bộ phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối và chính sách của Đảng. Và muốn như vậy, thì các cấp ủy Đảng phải tăng cường công tác kiểm tra. Vì kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm trọn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương tốt cho nhân dân. Do đó mà góp phần vào việc củng cố Đảng về tư tưởng, về tổ chức”.
Bác cũng đã nghiêm khắc phê bình công tác kiểm tra của Đảng khi có biểu hiện thiếu chủ động và nặng về mục đích trước mắt mà quên đi mục đích sâu xa của công tác kiểm tra là chủ động ngăn ngừa, khuyết điểm, vi phạm. Phát biểu với cán bộ ngành kiểm tra Đảng tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra của Đảng, ngày 29/7/1964, Bác đã chỉ rõ một số mặt hạn chế, đó là “Công tác kiểm tra còn bị động và nặng về giải quyết những vụ vi phạm kỷ luật trước mắt, chưa chủ động về giải quyết toàn diện vấn đề giữ gìn kỷ luật và chấp hành Điều lệ của Đảng, để nâng cao ý thức của đảng viên và cán bộ một cách căn bản và lâu dài.
Việc xử lý kỷ luật, xét thư khiếu nại làm còn chậm chạp. Kiểm tra đảng viên phạm sai lầm còn chưa chủ động. Việc hướng dẫn vận dụng phương châm kỷ luật chưa được chặt chẽ, để cho kỷ luật Đảng có chỗ bị buông lỏng, vì vậy mà thiếu tác dụng giáo dục và ngăn ngừa đảng viên khỏi phạm kỷ luật”.
2. Cách kiểm tra, giám sát:
Hồ Chí Minh coi kiểm tra như là một phương tiện, một liều thuốc đặc hiệu chống lại các căn bệnh: “Nghị quyết một đằng, thi hành một nẻo” và bệnh quan liêu, giấy tờ… Song, muốn đạt hiệu quả cao thì phải “khéo kiểm soát”. “Khéo” tức là phải trên cơ sở khoa học, có hình thức, phương pháp kiểm tra linh hoạt, đa dạng. Người phê phán nghiêm khắc thói làm việc quan liêu; thiếu kiểm tra, kiểm soát cụ thể; thích làm việc bằng giấy tờ thật nhiều; ngồi một nơi “chỉ tay năm ngón”. Cách làm việc như thế rất có hại. Nó làm cho lãnh đạo không đi sát với phong trào, không hiểu rõ được tình hình bên dưới, cho nên phần nhiều chủ trương, nghị quyết không được chấp hành đến nơi đến chốn.
Về phương pháp kiểm tra, Bác chỉ rõ: “Kiểm tra không nên chỉ bằng cứ vào các tờ báo cáo mà phải đi đến tận nơi”. Bác nêu lên hai cách kiểm tra: Kiểm tra từ trên xuống - tức là người lãnh đạo kiểm tra kết quả những công việc của cán bộ mình. Kiểm tra từ dưới lên - tức là quần chúng và cán bộ kiểm tra sự sai lầm của người lãnh đạo và bày tỏ cái cách sửa chữa sự sai lầm đó. Cách này là cách tốt nhất để kiểm tra các nhân viên.
Có hình thức, phương pháp kiểm tra đúng, điều đó rất quan trọng, nhưng yếu tố quyết định hiệu quả của mỗi cuộc kiểm tra là ở người kiểm tra. Vì hình thức, phương pháp kiểm tra mới chỉ là phương tiện, cái quyết định là ở người sử dụng các phương tiện ấy. Theo Hồ Chí Minh: “không thể gặp ai cũng phải đi kiểm tra, người lãnh đạo phải tự mình làm việc kiểm tra, mới đủ kinh nghiệm và oai tín”.
“Nhưng người lãnh đạo cần phải có một nhóm cán bộ nhiều kinh nghiệm và giàu năng lực để giúp mình đi kiểm tra. Ai đi kiểm tra việc gì, nơi nào nếu có sơ suất thì người ấy phải chịu trách nhiệm”.
Ở đây, tư tưởng của Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác kiểm tra: các đồng chí lãnh đạo chủ chốt phải đích thân tiến hành kiểm tra, chứ không phải giao cho những người “ở địa vi thứ yếu”.
Trong các hình thức, phương pháp kiểm tra, Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao kiểm tra thường xuyên và kiểm tra trực tiếp. Người thường nhắc nhở: “Các đồng chí phụ trách ở các bộ, các ban, các ngành ở Trung ương cần phải thường xuyên đi kiểm tra và giải quyết các công việc tại chỗ, phải chống bệnh giấy tờ, hội họp nhiều, đi kiểm tra giúp đỡ ít”. Cách nhắc nhở và phê bình cán bộ, đảng viên có khuyết điểm của Bác rất độc đáo, vừa rất nghiêm khắc nhưng cũng rất độ lượng, chan chứa tình người: “Các đồng chí ở Huyện phải đi xuống xã mà xem xét, kiểm tra, chớ làm theo lối quan liêu, tỉnh gửi giấy về huyện, huyện gửi giấy về xã. Giấy không thể che rét cho trâu bò được. Làm như vậy trâu bò sẽ gầy đi vì đói, vì rét, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất”.
Kiểm tra, giám sát phải được tiến hành thường xuyên, chứ không phải lúc làm lúc bỏ, “đánh trống bỏ dùi”; phải trở thành công việc thường ngày của các cấp ủy đảng (nhất là các đồng chí cán bộ chủ chốt). Mỗi cuộc kiểm tra, giám sát đều phải có chương trình, kế hoạch cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng.
Để làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên phải biết dựa vào quần chúng. Đảng “tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân,chịu sự giám sát của nhân dân; dựa vào dân để xây dựng Đảng” là nguyên tắc bất di bất dịch trong họat động của Đảng. Chính vì vậy: “muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng giúp mới được”. Những người lãnh đạo trông từ trên xuống chỉ thấy được một mặt của công việc, của sự đổi thay của mọi người. Vì vậy sự trông thấy đó có hạn. Trái lại, dân chúng trông thấy công việc, sự đổi thay của mọi người. Mặt khác, họ trông thấy từ dưới lên và sự trông thấy cũng có hạn. Vì vậy, muốn giải quyết vấn đề cho đúng ắt phải hợp kinh nghiệm của hai bên lại. Bác chỉ rõ: “Lực lượng dân chúng nhiều vô cùng”, “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, mau chóng đầy đủ mà những người tài giỏi, những đòan thể to lớn nghĩ mãi không ra”. Do vậy làm sao kết hợp cho được sự kiểm tra, giám sát của Đảng với sự giám sát của quần chúng nhân dân. Đó cũng chính là thực hiện chữ “Khéo” trong công tác kiểm tra, giám sát.
Trong công việc thường ngày, Hồ Chí Minh là tấm gương rất mẫu mực về cách làm việc có kiểm tra, tôn trọng kỷ luật của Đảng. Dù “bận trăm công nghìn việc” nhưng Người vẫn thường xuyên đến với quần chúng, công nhân, nông dân, bộ đội…; trực tiếp xem và nghe người thật việc thật, trên cơ sở đó hình thành những chủ trương, quyết sách lớn, có liên quan đến vận mệnh của Đảng, nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
3- Đối với người kiểm tra, giám sát:
Để thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, bên cạnh việc phát huy trách nhiệm của toàn Đảng và vai trò giám sát của nhân dân thì cần phải quan tâm lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng những người làm công tác kiểm tra, giám sát. Công tác kiểm tra của Đảng phải trở thành một nghề; theo đó, ngòai những tiêu chuẩn chung, cán bộ kiểm tra phải được đào tạo, có chuyên môn nghiệp vụ sâu, có uy tín, gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân và nhất là khả năng “khéo” kiểm tra..
Cán bộ “khéo” kiểm tra là người “phải luôn luôn dùng lòng thân ái mà giúp đỡ, lãnh đạo cán bộ. Giúp họ sửa chữa những chỗ sai lầm. Khen ngợi họ lúc họ làm được việc” ; “Nếu để sai lầm và khuyết điểm trở nên to tát rồi mới đem ra “chỉnh” một lần, thế là “đập” cán bộ. Cán bộ bị “đập” mất cả lòng tự tin, người hăng hái cũng hóa thành nản chí, từ nản chí đi đến vô dụng” .
Chủ tịch Hồ Chi Minh yêu cầu “Cán bộ kiểm tra phải học tập, thấm nhuần đường lối, quan điểm của Đảng, phải luôn luôn chú ý nâng cao khả năng chuyên môn, phải cố gắng công tác, phải trao dồi đạo đức cách mạng. Đặc biệt phải nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật…làm gương mẫu trong việc chấp hành kỷ luật của Đảng, phải chí công, vô tư, không thiên vị, không thành kiến. Như thế mới làm tốt được công tác kiểm tra”
Bác luôn nhắc nhở cán bộ phải thật thà tự phê bình và phê bình để giúp đỡ nhau tiến bộ. Trước lúc đi xa Người còn căn dặn “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đòan kết, thống nhất trong Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Vì vậy, thực hiện nhiệm vụ kiểm tra phải trên tinh thần vì sự tiến bộ của đảng viên và tổ chức đảng. Người làm công tác kiểm tra phải biết chung vui với thành tích của tổ chức đảng, đảng viên, đồng thời chia sẻ, giúp đỡ những trường hợp còn hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm. Bằng khả năng giáo dục, thuyết phục, khi tổ chức đảng, đảng viên cảm thấy xót xa, có ý chí và quyết tâm khắc phục những lỗi phạm, thiếu sót của mình gây ra thì công tác kiểm tra mới thực sự có hiệu quả.
II- Tư tưởng Hồ Chí Minh về kỷ luật:
Cũng như công tác kiểm tra, thi hành kỷ luật trong Đảng là một tất yếu khách quan. Tính tất yếu này được quy định ngay từ quy luật hình thành và phát triển của Đảng ta. Hồ Chí Minh luận giải rất rõ ràng những căn nguyên của những khuyết điểm, sai lầm trong Đảng. Người viết: “Đảng ta là một Đảng rất to lớn, bao gồm các tầng lớp trong xã hội. Vì vậy có nhiều tính cách rất trung thành, rất kiên quyết, rất vĩ đại. Song cũng không tránh khỏi những tập tục, những tính nết, những khuyết điểm của xã hội bên ngoài, nó lây ngấm vào trong Đảng”.
Trong Đảng ta gồm những người có tài, có đức, phần đông những người hăng hái nhất, thông minh nhất, yêu nước nhất, kiên quyết dũng cảm nhất. Tuy vậy không phải là người người đều tốt, làm việc đều hay. Trong Đảng chưa hoàn toàn tránh khỏi một vài kẻ vu vơ, làm những việc không chính đáng. Do vậy, kỷ luật trong đảng là một tất yếu khách quan, để ngăn chặn khuyết điểm, sai lầm; sửa chữa thói hư, tật xấu; thải loại những kẻ thoái hóa, biến chất; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Kỷ luật gắn liền với kiểm tra, theo Bác, kiểm tra và kỷ luật đều mang tính tích cực, chủ động và đều có chức năng ngăn ngừa, giáo dục là chính. Kiểm tra và kỷ luật không phải là “vạch là tìm sâu”, truy tìm khuyết điểm, sai lầm để xử phạt, sỉ nhục. Thi hành kỷ luật là cần thiết nhưng không phải chỉ để trừng phạt, mà điều quan trọng hơn là để giáo dục, giúp đỡ đảng viên, tổ chức đảng sửa chữa sai lầm, khuyết điểm một cách chính xác và kịp thời.
Kỷ luật Đảng có tầm quan trọng đặc biệt. Nó đảm bảo cho sự hoạt động bình thường và phát triển của Đảng. Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người. Đó là nhờ có kỷ luật”. Nội dung của kỷ luật Đảng không chỉ bó hẹp trong phạm vi tuân thủ những quy định, hướng dẫn của Đảng mà phải hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm kỷ luật trong nội bộ Đảng, kỷ luật của chính quyền và kỷ luật của các đoàn thể: “Đảng viên chẳng những phải giữ kỷ luật sắt, kỷ luật tự giác của Đảng mà còn phải gìn giữ kỷ luật chính quyền, của cơ quan, đoàn thể cách mạng, của nhân dân”. Người phê phán rất nghiêm khắc một số cán bộ, đảng viên “đi không xin phép, về không báo cáo, tưởng làm đảng viên thì muốn làm trời làm đất gì thì làm”.
Kỷ luật của Đảng là “kỷ luật sắt, nghĩa là nghiêm túc và tự giác”, ai ai cũng phải phục tùng kỷ luật và chịu các hình thức kỷ luật (nếu như có khuyết điểm sai lầm). Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rõ tính dân chủ, lòng bao dung, độ lượng rất sâu sắc. Người quan niệm: Người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm. Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa và cũng sợ những người lãnh đạo không biết tìm cách đúng để giúp cán bộ sửa chữa những khuyết điểm sai lầm. Phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ vi phạm để có hình thức kỷ luật thích đáng. Bác chỉ rõ “Sửa chữa sai lầm cố nhiên cần dùng cách giải thích, thuyết phục, cảm hóa, dạy bảo. Song không phải tuyệt nhiên không dùng xử phạt. Lầm lỗi có việc to, việc nhỏ. Nếu nhất loạt không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Vì vậy, hoàn toàn không dùng xử phạt là không đúng”.
Để đảm bảo xử phạt chính xác, cần phân tích rõ ràng các nguyên nhân dẫn đến sai lầm, khuyết điểm, phải xét kỹ lưỡng tính chất của sai phạm để quyết định hình thức kỷ luật. Muốn vậy, phải làm tốt công tác thẩm tra xác minh, mặt khác phải nhấn mạnh đến biện pháp dân chủ, đề cao tự phê bình và phê bình nhằm làm cho kỷ luật đạt được mục đích, để người có lỗi lầm “tâm phục, khẩu phục”.
Phương châm thi hành kỷ luật trong Đảng phải công minh, chính xác, kịp thời và bảo đảm dân chủ. Mọi vi phạm đều phải được xem xét, nếu đến mức phải thi hành kỷ luật thì xử lý thích đáng không có “vùng cấm”, không được che đậy, thiên lệch, nể nang.
* *
*
Kỷ niệm 66 năm Ngày Truyền thống vẻ vang của Ngành Kiểm tra Đảng (16/10/1948- 16/10/2014), mỗi cán bộ, đảng viên công chức cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nguyện không ngừng học tập, rèn luyện, tu dưỡng theo tư tưởng và tấm gương của Bác, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, chuẩn bị tốt Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.