Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiểm tra đối với 02 địa phương trong việc quản lý và sử dụng ngân sách Nhà nước để chi đầu tư xây dựng cơ bản, đã kết luận và chỉ đạo thu hồi số tiền 179.330.190 đồng, đã thu hồi 163.296.085 đồng. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã tiến hành kiểm tra đối với 23 địa phương (trong đó có 15 xã, phường, thị trấn) kết luận thu hồi 536.648.873 đồng, đã thu hồi 536.648.873 đồng. trong đó chủ yếu sai phạm trong thực hiện chế độ chi theo Quy định số 3115-QĐ/VPTW, ngày 04/8/2009 của Văn phòng Trung ương Đảng về chế độ chi tiêu bảo đảm hoạt động của các tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương.
Đối với cấp ủy trực thuộc đã kiểm tra đối với 10 tổ chức Đảng và 06 đảng viên. Qua kiểm tra kết luận phải thu hồi 1.263.482.605 đồng, đã thu hồi được 563.644.662 đồng. Ủy ban kiểm tra trực thuộc tỉnh đã kiểm tra và kết luận 152 tổ chức Đảng và 201 đảng viên có vi phạm, phải thu hồi số tiền 2.944.661.732 đồng, đã thu hồi được 2.727.393.080 đồng. Nội dung vi phạm chủ yếu là cố ý làm trái quy định gây thát thoát tài chính của Nhà nước; chiếm dụng tiền lương của công nhân; lên khống công nợ của khách hàng, chiếm dụng tiền của đơn vị; sử dụng kinh phí theo Quy định số 2701-QĐ/TU, ngày 26/11/2009, nay là Quy định số 1093-QĐ/TU, ngày 24/12/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chế độ chi tiêu bảo đảm hoạt động của các cấp ủy, cơ quan ở tỉnh và địa phương và Quy định số 169-QĐ/TW, ngày 24/6/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với cấp ủy viên các cấp không đúng quy định. Qua kiểm tra, số tiền thu hồi đã được gửi vào Kho bạc Nhà nước hoặc tổ chức đảng nơi có vi phạm giữ.
Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, kết luận có sai phạm phải thu hồi, xử lý và sử dụng tiền vi phạm, các đơn vị còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc đó là:
Hiện nay chưa có văn bản quy định và hướng dẫn cụ thể việc thu hồi, xử lý và sử dụng tiền vi phạm, nên khi phát hiện thu hồi tiền sai phạm của đối tượng qua kiểm tra, các cơ quan kết luận còn lúng túng trong việc yêu cầu đơn vị có sai phạm thu, nộp tiền vi phạm vào nguồn ngân sách cấp nào (huyện hay tỉnh), nhất là những khoản chi sai do cấp dưới quản lý chưa chặt chẽ. Trong thực tế, các đoàn kiểm tra và thẩm tra quyết toán của tỉnh khi xử lý kết luận tiền vi phạm thường để lại nguồn kinh phí đơn vị tiếp tục sử dụng hoặc là nộp vào ngân sách Nhà nước, ngân sách Đảng cấp huyện, ít khi quyết định thu hồi nộp về cấp ngân sách cấp tỉnh.
Trong quá trình tiến hành kiểm tra, các đoàn kiểm tra nếu phát hiện việc sử dụng trái quy định và pháp luật các khoản tiền mà xét thấy cần phải ngăn chặn ngay hoặc để xác minh tình tiết làm chứng cứ cho việc kết luận, xử lý, lẽ ra trưởng đoàn kiểm tra phải đề nghị người ra quyết định kiểm tra ra quyết định tạm giữ tiền sai phạm (tương tự như khoản 1, Điều 40, Nghị định 86/2011/NĐ-CP, ngày 22/9/2011 của Chính phủ), việc thu hồi, tạm giữ kịp thời tiền sai phạm trong quá trình tiến hành kiểm tra còn thể hiện ý thức, thái độ thành khẩn, khắc phục kịp thời của đối tượng sai phạm, nhưng do hiện nay trong Đảng chưa quy định thẩm quyền này cũng như chưa cho phép mở “tài khoản tạm giữ”, nên việc thu hồi số tiền vi phạm chỉ được thực hiện sau khi có kết luận sai phạm và xử lý kỷ luật đối với đối tượng vi phạm, vì vậy đối tượng sai phạm sau khi bị xử lý kỷ luật và nhận hình thức kỷ luật thì thường đề nghị gia hạn kéo dài thời gian nộp tiền khắc phục sai phạm.
Một số khoản thu hồi được kết luận do tạm ứng dây dưa kéo dài, hoặc do chi sai chế độ quy định, các đối tượng vi phạm phần nhiều do có hoàn cảnh khó khăn, chuyển công tác hoặc đã qua đời… nên việc thu hồi gặp rất nhiều khó khăn.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã đề xuất, kiến nghị với Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần quy định cụ thể về trách nhiệm, quyền hạn của cấp có thẩm quyền kiểm tra trong việc thu hồi, quản lý, sử dụng số tiền vi phạm đã được kết luận thu hồi, nộp ngân sách Đảng, Nhà nước, trong đó quy định rõ thẩm quyền ra quyết định tạm giữ và việc mở “tài khoản tạm giữ” để tạm giữ kịp thời các khoản vi phạm trong công tác kiểm tra tài chính của Đảng. Đồng thời có văn bản hướng dẫn cụ thể việc thu hồi, xử lý và sử dụng tiền vi phạm đã được kết luận qua các cuộc kiểm tra để các địa phương, đơn vị có căn cứ thực hiện thống nhất nhằm quản lý chặt chẽ nguồn thu này, tránh gây thất thoát ngân sách của Đảng và Nhà nước cũng như phát sinh tiêu cực, tham nhũng.