Tin mới nhất

MỘT SỐ KINH NGHIỆM TRONG GIẢI QUYẾT TỐ CÁO TỔ CHỨC ĐẢNG VÀ ĐẢNG VIÊN

Tố cáo là quyền cơ bản của công dân. Trong nội bộ đảng, tố cáo là quyền, là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên là nhiệm vụ thường xuyên và trực tiếp của ủy ban kiểm tra được quy định tại Điều 32, Điều lệ Đảng. Thực hiện tốt nhiệm vụ này không những giúp cho đối tượng bị tố cáo nhận rõ sai lầm, khuyết điểm để khắc phục, sửa chữa, cải chính hoặc minh oan trong trường hợp bị tố cáo oan sai, bị vu cáo; góp phần đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực khác, bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân, của đảng viên trong công tác xây dựng Đảng.

Nhiệm kỳ 2015 – 2020, Ủy ban kiểm tra các cấp trong Đảng bộ tỉnh Bình Thuận đã giải quyết tố cáo đối với 7 tổ chức đảng và 180 đảng viên. Qua giải quyết, kết luận: Tố đúng và đúng một phần có 82 đảng viên và 02 tổ chức đảng; trong đó tố đúng có vi phạm là 27 đảng viên, vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật là 15 đảng viên, chiếm 8,3% số đảng viên bị tố cáo. Nội dung tố cáo tập trung vào: Nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý; những điều đảng viên không được làm; quản lý đất đai…

Qua kết quả giải quyết tố cáo đã làm rõ nội dung việc công dân, đảng viên báo cho tổ chức đảng những hạn chế, thiếu sót của tổ chức đảng, đảng viên, đồng thời minh oan cho những trường hợp bị tố cáo không đúng sự thật, không có chứng cứ; có tác dụng giáo dục, phòng ngừa cán bộ, đảng viên và củng cố, nâng cao lòng tin của nhân dân đối với Đảng; thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng. Đồng thời, giúp cho tổ chức, cá nhân bị tố cáo thấy được thiếu sót, khuyết điểm hoặc vi phạm và có biện pháp sửa chữa, khắc phục, phấn đấu vươn lên; giúp tổ chức đảng đánh giá đúng tình hình, có biện pháp giúp đỡ, bồi dưỡng, rèn luyện và bố trí, sắp xếp, sử dụng phù hợp với năng lực trình độ của cán bộ, đảng viên, từ đó điều chỉnh, chấn chỉnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý cho phù hợp. Những trường hợp qua giải quyết tố cáo phải xử lý kỷ luật đã kết luận rõ nội dung, mức độ, tính chất, tác hại, nguyên nhân vi phạm và xử lý theo đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc, thủ tục thi hành kỷ luật trong Đảng.

Công tác giải quyết đơn, thư tố cáo trong Đảng thời gian qua ở Đảng bộ tỉnh Bình Thuận đạt được kết quả trước hết là do các cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp trong tỉnh đã nhận thức sâu sắc được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giải quyết tố cáo tổ chức đảng, đảng viên trong công tác xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Ủy ban kiểm tra các cấp trong tỉnh đã xác định đúng trách nhiệm giải quyết đơn, thư tố cáo tổ chức đảng, đảng viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Điều lệ Đảng quy định. Sự phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết tố cáo ngày càng chặt chẽ. Các cấp uỷ đã phát huy vai trò trách nhiệm của tổ chức đảng và các tổ chức đoàn thể trong đấu tranh tự phê bình và phê bình; quá trình giải quyết tố cáo cơ bản đảm bảo nguyên tắc, thủ tục, quy trình; làm tốt công tác tư tưởng, công tác thẩm tra, xác minh để có kết luận giải quyết tố cáo đúng.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc giải quyết đơn, thư tố cáo, kết luận một số  vụ việc còn chậm gây bức xúc cho người tố cáo; việc theo dõi, đôn đốc tình hình đơn, thư chuyển đến các cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền chưa được chú ý đúng mức, có đơn, thư còn chuyển lòng vòng, đơn vị tiếp nhận xử lý, xem xét, giải quyết đơn, thư chưa kịp thời.

Qua nghiên cứu và thực tiễn giải quyết tố cáo, tôi xin nêu một số kinh nghiệm để thực hiện tốt việc giải quyết tố cáo tổ chức đảng và đảng viên như sau:

Một là, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò quan trọng, tác dụng thiết thực của việc giải quyết tố cáo; phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn, thư tố cáo đúng quy định. Cấp ủy, trước hết là người đứng đầu nêu cao trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, tạo điều kiện để các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc quy định về tố cáo, giải quyết tố cáo và phối hợp thực hiện tốt việc giải quyết tố cáo trong Đảng thì tình hình tố cáo sẽ giảm, ít phức tạp, nội bộ đoàn kết.

Hai là, người đứng đầu cấp ủy phải xác định trách nhiệm của mình trong thực hiện nghiêm túc việc tiếp đảng viên và công dân sẽ tạo được niềm tin đối với người tố cáo và giải quyết nhanh, dứt điểm vụ việc, nhất là vụ việc phức tạp, kéo dài, tạo sự lan tỏa cho cấp dưới trong giải quyết tố cáo có kết quả.

Ba là, ủy ban kiểm tra các cấp chủ động tham mưu, giúp cấp ủy chỉ đạo giải quyết dứt điểm tố cáo ngay từ cơ sở. Cần phải thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình ngay từ việc nhận, nghiên cứu phân loại đơn tố cáo. Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đảng, cơ quan chức năng có liên quan thực hiện tốt việc giải quyết tố cáo. Bố trí cán bộ thực hiện nhiệm vụ giải quyết tố cáo, coi trọng việc sử dụng cán bộ có kinh nghiệm, nhận thức đúng đắn về ý nghĩa của việc giải quyết tố cáo, có bản lĩnh vững vàng, nắm vững quy trình, quy định. Kết luận các nội dung tố cáo phải rõ đúng, sai; kiến nghị đúng biện pháp xử lý và kịp thời khắc phục hậu quả xảy ra; tránh tình trạng nể nang, chỉ xử lý nội bộ.

Bốn là, chủ động nắm bắt diễn biến tư tưởng để động viên, thuyết phục người tố cáo và đối tượng bị tố cáo cộng tác, phối hợp chặt chẽ trong quá trình giải quyết, không mặc cảm, định kiến, phản ứng, đối phó, thiếu tin tưởng, gây khó khăn, trở ngại cho việc giải quyết. Phân tích, thuyết phục người tố cáo thực hiện đúng quyền và trách nhiệm, phải chịu trách nhiệm về việc tố cáo của mình để cung cấp được chứng cứ xác thực, đồng thời, xử lý nghiêm những người có hành vi lợi dụng quyền dân chủ để kích động, xúi dục, gây rối tình hình nội bộ, xuyên tạc sự thật, gây mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Động viên, yêu cầu người bị tố cáo nêu cao trách nhiệm trong báo cáo, giải trình, tự phê bình và phê bình, tin tưởng vào tổ chức đảng, chấp hành tốt trong quá trình giải quyết tố cáo.

Năm là, quan tâm, coi trọng xây dựng, ban hành, hoàn thiện các quy định, quy chế, quy trình về giải quyết tố cáo để việc giải quyết tố cáo của Đảng với giải quyết tố cáo của Nhà nước có hiệu quả, không chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm, gây chậm trễ, ách tắc trong giải quyết tố cáo. Đồng thời, định kỳ sơ kết, tổng kết công tác giải quyết tố cáo để rút kinh nghiệm, đề ra biện pháp thực hiện có hiệu quả trong từng thời gian./.


Các tin khác