Qua 10 năm thực hiện Kết luận số 72-KL/TW, ngày 17/5/2010 của Bộ Chính trị khóa X về “Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2020”, công tác kiểm tra, giám sát của Tỉnh ủy Bình Thuận đạt được những kết quả sau:
Thực hiện Kết luận số 72 -KL/TW, ngày 17/5/2010 của Bộ Chính trị và thông báo Kết luận số 38-TB/TW, ngày 03/8/2017 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo, triển khai đến các ban của Tỉnh ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn và các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, các đồng chí Tỉnh ủy viên để triển khai, quán triệt trong đơn vị, địa phương mình.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phối hợp, xây dựng Quy chế phối hợp về công tác kiểm tra, giám sát với Đảng ủy Quân khu 7, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng, Đảng ủy Công an Trung ương; đồng thời, ban hành và đã tiến hành rà soát điều chỉnh, bổ sung các quy trình, quy định về công tác kiểm tra, giám sát và Quy định về việc cung cấp thông tin cho báo chí sau các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Hướng dẫn về thực hiện chất vấn trong Đảng tại các kỳ họp của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và 17 Quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng giữa Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy với các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Từ năm 2017 đến nay, hằng năm, các cuộc kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cơ quan tham mưu Tỉnh ủy đề được điều phối nội dung, thời gian, đối tượng kiểm tra, giám sát trong năm nhằm hạn chế, tránh trùng lắp đối với đối tượng được kiểm tra, giám sát trong cùng một thời điểm.
Cấp ủy các cấp trong tỉnh đã: Kiểm tra đối với 10.189 lượt tổ chức đảng và 17.272 lượt đảng viên trong toàn tỉnh; Giám sát theo chuyên đề đối với 3.393 lượt tổ chức đảng và 10.257 lượt đảng viên. Các ban của cấp ủy các cấp đã: Kiểm tra đối với 927 lượt tổ chức đảng và 08 đảng viên; Giám sát đối với 285 lượt tổ chức đảng và 315 lượt đảng viên.
Ủy ban kiểm tra các cấp đã: Kiểm tra đối với 90 tổ chức đảng cấp dưới và 890 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Giám sát chuyên đề đối với 1.765 lượt tổ chức đảng cấp dưới và 3.060 lượt đảng viên. Giải quyết 12 vụ tố cáo tổ chức đảng và 366 vụ tố cáo đảng viên. Giải quyết và tham mưu cấp ủy giải quyết 32 vụ khiếu nại kỷ luật đảng của đảng viên. Kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đối với 2.982 lượt tổ chức đảng và kiểm tra việc thi hành kỷ luật 369 lượt tổ chức đảng. Kiểm tra tài chính đảng đối với 277 lượt tổ chức đảng, 01 văn phòng cấp ủy cấp tỉnh và 01 văn phòng cấp ủy thành ủy; kiểm tra việc thu nộp đảng phí đối với 4.291 lượt tổ chức đảng.
Sau các kỳ họp, Ủy ban kiểm tra các cấp trong tỉnh đều được đăng tải thông tin lên Website của Tỉnh ủy và thông cáo báo chí về các trường hợp xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Trong 10 năm, đã có 3.367 đồng chí tham gia lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát; cử 125 đồng chí học cao cấp và 434 đồng chí học trung cấp lý luận chính trị; 34 đồng chí học thạc sỹ và 516 đồng chí học đại học.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót sau:
- Một số cấp ủy trực thuộc và cơ sở xây dựng nội dung, phân bổ thời gian thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát chưa phù hợp.
- Công tác nắm bắt thông tin, phát hiện dấu hiệu vi phạm của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đối với tổ chức đảng và đảng viên còn hạn chế.
- Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kết luận một số vụ việc còn chậm (cả cấp tỉnh và cấp huyện).
- Các ban và văn phòng cấp ủy thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo chức năng nhiệm vụ có lúc chưa đảm bảo quy trình, quy định.
Một số kinh nghiệm được rút ra, đó là:
- Thứ nhất, các cấp ủy phải tập trung lãnh đạo quán triệt nâng cao nhận thức về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng: Cần quán triệt sâu kỹ, nắm vững Điều lệ Đảng, nghị quyết, các quyết định, quy định, quy chế, hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng; phải xác định cấp ủy, tổ chức đảng các cấp là cấp trực tiếp chủ trì hoặc chỉ đạo các cuộc kiểm tra theo Điều 30 - Điều lệ Đảng. Ủy ban kiểm tra các cấp chủ động, phối hợp các ban của của cấp uỷ và các ngành liên quan tham mưu giúp cấp ủy triển khai, quán triệt các quy định của Điều lệ Đảng, các quyết định, quy định, quy chế, hướng dẫn... của Trung ương về thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng.
- Thứ hai, phải tăng cường tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy các cấp: Quan tâm thực hiện đồng bộ công tác kiểm tra, giám sát; kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm, giám sát phải mở rộng. Các cấp ủy thường xuyên chỉ đạo các cơ quan tham mưu và các ngành có liên quan phát huy tốt vai trò tham mưu xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy; chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là những nơi, những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng; chú ý giám sát việc khắc phục hạn chế, thiếu sót sau kiểm tra, giám sát để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, khắc phục triệt để những vi phạm và yếu kém còn tồn tại. Tăng cường công tác tự kiểm tra nội bộ, trong đó tập trung lĩnh vực phòng, chống tham nhũng. Sau các cuộc kiểm tra, giám sát có kế hoạch kiểm tra, giám sát lại việc khắc phục về các hạn chế, thiếu sót của các tổ chức, cá nhân đã được kết luận qua kiểm tra, giám sát.
- Thứ ba, phải thường xuyên quan tâm đội ngũ cán bộ kiểm tra: Các cấp ủy kịp thời củng cố tổ chức bộ máy, chú trọng đào tạo lý luận chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ cán bộ kiểm tra. Tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ kiểm tra phải không ngừng học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thường xuyên rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
- Thứ tư, thực hiện tốt công tác phối hợp trong kiểm tra, giám sát: Các cấp ủy tăng cường chỉ đạo xây dựng, rà soát, bổ sung và tổ chức thực hiện các quy chế phối hợp để không ngừng nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của đảng. Đồng thời phát huy tính chủ động trong thực hiện quy chế phối hợp giữa ủy ban kiểm tra, các ban và văn phòng cấp ủy, các ngành, đơn vị liên quan ở các cấp để làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng.
- Thứ năm, ý thức rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu của đảng viên với việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng: Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI và khoá XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ chính trị (khoá XII) để nâng cao phẩm chất chính trị, tinh thần phấn đấu rèn luyện đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên; thường xuyên coi trọng tiêu chuẩn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, ý thức, tiêu chuẩn người đứng đầu địa phương, đơn vị đủ năng lực, có uy tín trong lãnh đạo, điều hành cấp ủy, tổ chức đảng hoạt động./.
Một số phương hướng trong thời gian tới:
- Cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp ủy trực thuộc tiếp tục thực hiện thông báo Kết luận số 38-TB/TW, ngày 03/8/2017 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2020 và Thông báo số 156-TB/TW ngày 01/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) “về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng”, trước hết là người đứng đầu cần coi trọng công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
- Triển khai kiểm tra, giám sát toàn diện những nội dung theo quy định của Điều lệ Đảng, nghị quyết đại hội đảng các cấp, theo chương trình toàn khóa, hàng năm và kiểm tra, giám sát theo thực tiễn phát sinh; tập trung những lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng. Chú trọng việc kiểm tra, giám sát kết quả khắc phục các hạn chế, thiếu sót của các tổ chức, cá nhân đã được kết luận qua kiểm tra, giám sát.
- Tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh kịp thời, bảo đảm đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc, quy trình, thủ tục và thẩm quyền theo quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
- Tăng cường công tác luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý các sở, ngành, các cấp về làm công tác kiểm tra và luân chuyển, điều động thành viên Ủy ban kiểm tra các cấp qua công tác ở các ngành, các cấp để đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch...
- Chú trọng công tác quy hoạch và kịp thời củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ kiểm tra; tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác kiểm tra./.