Những biểu hiện nhũng nhiễu như vậy được đồng chí Tổng Bí thư gọi là “tham nhũng vặt”. Vì đây là bộ phận thường xuyên tiếp xúc với người dân nên hậu quả của tham nhũng vặt là làm suy giảm niềm tin của dân đối với Nhà nước, với Đảng, có khả năng đe dọa sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ.
“Tham nhũng vặt” tồn tại bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có 4 nguyên nhân chính:
- Nguyên nhân về nhận thức, là do tư tưởng của một số lãnh đạo những nơi xảy ra hành vi này coi nhẹ ảnh hưởng của nó, cho rằng bồi dưỡng ít tiền gọi là tiền trà nước để anh em làm việc thuận lợi hơn.
- Nguyên nhân về ý thức đạo đức công vụ, khi những người có hành vi “tham nhũng vặt” không đếm xỉa đến những quy định đạo đức này, hoặc có hiểu, có biết cũng không tuân thủ.
- Nguyên nhân về cơ chế quản lý, đánh giá cán bộ, khi “chưa có cơ chế đánh giá phù hợp và thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ”, và đó cũng là một điều kiện để tình trạng “tham nhũng vặt” tồn tại, bởi những cán bộ, công chức suy thoái về đạo đức nhưng không bị thay thế, lại đảm nhận những vị trí liên quan đến những lĩnh vực nhạy cảm dẫn đến nhũng nhiễu…
- Nguyên nhân về kiểm tra, giám sát. Việc thực hiện kiểm tra, giám sát không nghiêm, mang tính hình thức sẽ không ngăn ngừa, hạn chế được tệ tham nhũng vặt. Bên cạnh đó, những sai phạm khi bị phát hiện chỉ nhận hình thức kỷ luật không mang tính răn đe, do đó không ngăn ngừa, hạn chế được vi phạm.
Để công tác chống tệ “tham nhũng vặt” đạt hiệu quả, cần thực hiện 5 giải pháp chính như sau:
Một là, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác phòng, chống tham nhũng đủ năng lực, có phẩm chất trong sáng. Kiên quyết loại khỏi bộ máy những cán bộ hư hỏng, tham nhũng. Đây là trách nhiệm của cấp ủy đảng các cấp, của ủy ban kiểm tra cấp ủy, thanh tra các cấp.
Hai là, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên với cấp ủy cấp dưới, nhất là cấp cơ sở; xác định rõ trách nhiệm, nghiêm khắc xử lý các tổ chức đảng các cấp, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, khi để cán bộ dưới quyền tham nhũng, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Ba là, các cấp ủy, chính quyền quan tâm hơn nữa trong việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình phụ trách, quản lý. Khắc phục việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng hình thức, hiệu quả thấp.
Bốn là, các cơ quan, ngành chức năng làm tốt công tác nắm tình hình nhất là những lĩnh vực, vị trí thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, dễ có điều kiện phát sinh tham nhũng vặt; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị này phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với nhân dân để nắm bắt thông tin, nhằm phát hiện, ngăn ngừa những hành vi tham nhũng vặt.
Năm là, làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân; phát huy vai trò các phương tiện thông tin đại chúng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói chung, “tham nhũng vặt” nói riêng.