Tuy nhiên, việc nắm bắt thông tin để tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên, nhất là cấp ủy viên cùng cấp, cán bộ chủ chốt khi có dấu hiệu vi phạm là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp và gặp nhiều trở ngại, cụ thể:
- Do nhận thức của một số cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy về công tác kiểm tra khi dấu hiệu vi phạm chưa đầy đủ, xem kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm là phải xem xét, xử lý kỷ luật; đối tượng kiểm tra lo ngại bị kiểm tra, sẽ ảnh hưởng đến uy tín, mất thành tích, thường xuất hiện tâm lý mặc cảm, đối phó, phản ứng, thiếu cộng tác, thiếu trung thực, quanh co, không nhận lỗi; tổ chức đảng có liên quan thường e ngại, không muốn cộng tác trong quá trình kiểm tra; tinh thần đấu tranh phê và tự phê bình tự giác không cao.
- Ủy ban kiểm tra các cấp quyết tâm chưa cao, chưa tích cực trong nghiên cứu, công tác giám sát nắm bắt thông tin chưa sâu, chưa quan tâm đúng mức đến nguồn thông tin từ báo chí, dư luận xã hội, các đơn thư giấu tên, mạo tên, đơn thư không rõ địa chỉ. Mặt khác, quá thận trọng, cầu toàn thông tin nên không tiến hành kiểm tra và làm tiềm ẩn nguy cơ vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên.
Để thực hiện tốt hơn công tác nắm bắt thông tin phát hiện dấu hiệu vi phạm trong thời gian tới, cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp trong tỉnh thực hiện các nội dung sau:
- Một là, thông qua sinh hoạt tự phê bình và phê bình trong chi bộ, cấp ủy, tổ chức đảng hàng năm. Ủy viên phụ trách địa bàn dự hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với tổ chức đảng và đảng viên kịp thời nắm bắt thông tin, nghiên cứu tài liệu liên quan để phát hiện dấu hiệu vi phạm.
- Hai là, cán bộ được phân công theo dõi địa bàn thường xuyên theo dõi, kịp thời nắm tình hình tâm tư của cán bộ, đảng viên và phản ánh của quần chúng nhân dân thuộc địa bàn, nắm thông tin qua các hội nghị Ban Thường vụ, hội nghị Ban Thường vụ, Ban Chấp hành đảng bộ các cấp được mời dự họp. Thông qua việc tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ cấp ủy.
- Ba là, từ nguồn thông tin của các cơ quan báo chí, đài phát thanh truyền hình Trung ương và địa phương phản ánh; trên cơ sở thông tin dư luận, phản ánh của cơ quan báo chí, mạng xã hội cán bộ kiểm tra tiến hành khảo sát, thu thập thông tin, tài liệu có liên quan để nghiên cứu, xác định nội dung, đối tượng vi phạm để xác định dấu hiệu vi phạm.
- Bốn là, từ các nguồn đơn thư tố cáo, kiến nghị giấu tên, mạo tên, phản ảnh của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nghiên cứu, khảo sát.
- Năm là, qua nghiên cứu các báo cáo sơ kết, tổng kết nhiệm kỳ của Đảng, báo cáo công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, chất vấn của Hội đồng nhân dân, kết quả điều tra, xử lý của cơ quan, tổ chức và cơ quan bảo vệ pháp luật.