Lúc sinh thời, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác kiểm tra của Đảng, Người đã khẳng định: “Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi… Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc năm 1947 Người viết: “Bên cạnh sự tự giác thực hiện nhiệm vụ của các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, các cấp ủy đảng phải tăng cường công tác kiểm tra”, và: “không phải ngày nào cũng kiểm tra nhưng thường thường kiểm tra để giúp họ rút kinh nghiệm sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm”. Ngay sau khi Ban Kiểm tra Trung ương được thành lập vào tháng 10-1948, trên Báo Sự thật số 103 ra ngày 30/11/1948, với bút danh X.Y.Z, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Một việc mà các cơ quan lãnh đạo cần thực hành ngay”, Người chỉ rõ: “Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra” và “Nếu tổ chức sự kiểm tra được chu đáo, thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười gấp trăm”[1]. Theo Bác “kiểm tra cho chu đáo” là khi tiến hành kiểm tra phải cẩn trọng, phải thực hiện đến nơi đến chốn, phải kết luận rõ ràng, đúng sai; muốn kết luận rõ ràng phải “điều tra”, tức là phải tìm hỏi, xem xét cụ thể từng vụ việc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, Người yêu cầu tổ chức Đảng: “…phải tăng cường công tác kiểm tra. Vì kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm tròn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu tốt cho nhân dân. Do đó mà góp phần vào việc củng cố Đảng về tư tưởng, về tổ chức”[2]. Quan điểm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thể hiện xuyên suốt trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, trong các văn bản pháp luật của Nhà nước từ năm 1945 đến nay. Mặc dù ở mỗi giai đoạn lịch sử đều có những sự điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ cho phù hợp, nhưng công tác kiểm tra Đảng luôn luôn có một vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống bệnh quan liêu, nạn tham nhũng, lãng phí và các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý nhà nước, cũng như trong hoạt động thi hành nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cán bộ, công chức, nhân viên nhà nước. Thực tế cho thấy, qua 30 năm đổi mới, Đảng ta đã rút ra sáu bài học kinh nghệm, trong đó có bài học kinh nghiệm về công tác kiểm tra, giám sát là “Đảng phải tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, quyết định của Đảng để phát huy ưu điểm, phòng ngừa và khắc phục kịp thời sai lầm, khuyết điểm; kiểm tra, giám sát công tác, năng lực và phẩm chất của cán bộ, đảng viên, xây dựng tổ chức đảng, cơ quan nhà nước và cán bộ, đảng viên ngày càng trong sạch, vững mạnh”[3].
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng kiểm tra không phải “vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết” mà cốt lõi là để giúp nhau tiến bộ, dùng lòng nhân ái mà giúp đỡ, lãnh đạo cán bộ, giúp họ sửa chữa những chổ sai lầm, khen ngợi họ khi có thành tích. Khi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên có thiếu sót, khuyết điểm thì cần kiểm tra, giám sát ngay, làm được như vậy mới giữ được uy tín của tổ chức đảng, mới giữ được cán bộ, tránh tình trạng: “Nếu để sai lầm khuyết điểm trở nên to tát rồi mới đem ra “chỉnh” một lần, thế là “đập” cán bộ. Cán bộ bị “đập”, mất cả lòng tự tin…”[4]. Người còn nhắc nhỡ công tác kiểm ta, giám sát càng không được làm qua loa, hình thức, vì “có nhiều nơi các đồng chí phạm lỗi, nhưng không bị trừng phạt xứng đáng…có đồng chí đáng bị trừng phạt, nhưng vì tình cảm nể nang chỉ phê bình, cảnh cáo qua loa cho xong chuyện. Thậm chí còn có nơi che đậy cho nhau, lừa dối cấp trên, giấu giếm đoàn thể”[5]. Người chỉ rõ, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng thì tự phê bình và phê bình là hết sức cần thiết, đòi hỏi và yêu cầu rất cao để cán bộ, đảng viên phát huy tính tự giác và để bảo đảm cho kiểm tra, giám sát đạt chất lượng hiệu quả; kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng phải dùng cách thức thật thà tự phê bình và phê bình để làm rõ khuyết điểm và tìm cách khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm ấy. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn ủy ban kiểm tra và cán bộ kiểm tra phải gương mẫu, nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình, Bác nói “…Các ủy ban và cán bộ kiểm tra…phải thật thà phê bình và tự phê bình để làm gương mẫu trong việc chấp hành kỷ luật của Đảng”[6]. Đồng thời, không được nể nang, né tránh, “không thiên vị, không thành kiến”, không mạnh dạn phê bình đối với đối tượng kiểm tra, cũng như không dũng cảm tự phê bình đối với chính mình; Người chỉ rõ tác hại của việc này là “…nể nang không phê bình, để cho đồng chí mình cứ sa vào lầm lỗi, đến nỗi hỏng việc. Thế thì khác nào thấy đồng chí mình ốm, mà không chữa cho họ. Nể nang mình. Không dám tự phê bình, để cho khuyết điểm của mình chứa chất lại. Thế là khác nào mình tự bỏ thuốc độc cho mình”[7]. Trước lúc đi xa Người còn căn dặn “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đòan kết, thống nhất trong Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Vì vậy, thực hiện nhiệm vụ kiểm tra phải trên tinh thần vì sự tiến bộ của đảng viên và tổ chức đảng. Người làm công tác kiểm tra phải biết chung vui với thành tích của tổ chức đảng, đảng viên, đồng thời chia sẻ, giúp đỡ những trường hợp còn hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm. Bằng khả năng giáo dục, thuyết phục, khi tổ chức đảng, đảng viên cảm thấy xót xa, có ý chí và quyết tâm khắc phục những lỗi phạm, thiếu sót của mình gây ra thì công tác kiểm tra mới thực sự có hiệu quả.
Trong hoạt động lãnh đạo và công tác kiểm tra, Bác đã chỉ rõ vai trò, vị trí, ý nghĩa của công tác kiểm tra Đảng là “Việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi, đến chốn. Phải hiểu rằng: Đảng có hiểu rõ tình hình thì đặt chính sách mới đúng. Mà muốn Đảng hiểu rõ thì đảng viên và cán bộ phải điều tra và báo cáo rõ ràng tình hình từng xã, từng huyện, từng tỉnh, từng khu… Khéo kiểm soát, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt. Có kiểm soát như thế mới biết rõ cán bộ và nhân viên tốt hay xấu. Mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các cơ quan. Mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các mệnh lệnh và nghị quyết”[8], Người yêu cầu “Về công tác phải đi sâu, phải thiết thực, phải điều tra nghiên cứu, không được chủ quan, tự túc, tự mãn”[9], “Kiểm tra không nên chỉ bằng cứ vào các tờ báo cáo, mà phải đi đến tận nơi”[10], Người thường nhắc nhở: “Các đồng chí phụ trách ở các bộ, các ban, các ngành ở Trung ương cần phải thường xuyên đi kiểm tra và giải quyết các công việc tại chỗ, phải chống bệnh giấy tờ, hội họp nhiều, đi kiểm tra giúp đỡ ít”. Cách nhắc nhở và phê bình cán bộ, đảng viên có khuyết điểm của Bác rất độc đáo, vừa rất nghiêm khắc nhưng cũng rất độ lượng, chan chứa tình người: “Các đồng chí ở Huyện phải đi xuống xã mà xem xét, kiểm tra, chớ làm theo lối quan liêu, tỉnh gửi giấy về huyện, huyện gửi giấy về xã. Giấy không thể che rét cho trâu bò được. Làm như vậy trâu bò sẽ gầy đi vì đói, vì rét, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất”; “cán bộ tỉnh phải đến tận các huyện, xã; cán bộ huyện phải đến tận các xã, các thôn; cán bộ phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ, để thiết thực điều tra, giúp đỡ, kiểm soát, rút kinh nghiệm…”[11]. Theo quan điểm, tư tưởng của Người quá trình hoạt động và thực hiện kiểm tra của Đảng là việc chủ thể kiểm tra tiến hành các hoạt động phát hiện, tiềm kiếm, thu thập, xem xét, tra cứu, thẩm định, đánh giá và sử dụng những chứng cứ, phân tích mối quan liên hệ biện chứng và sự phù hợp giữa các chứng cứ với nhau; phân tích rõ, đúng sự thật các thông tin, chứng cứ đã thu thập được từ đó kết luận khách quan về ưu điểm, khuyết điểm, vi phạm.
Trãi qua các giai đoạn lịch sử cách mạng, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đã góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng và ủy ban kiểm tra các cấp đã thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ công tác. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát của nhiều tổ chức vẫn còn những khuyết điểm, hạn chế, chất lượng và hiệu quả chưa cao; những cán bộ của Đảng quan liêu, mệnh lệnh không kiểm tra, không sâu sát cơ sở, Người chỉ rõ “ Bệnh quan liêu tỏ ra ở chỗ thích giấy tờ, xa quần chúng, không điều tra, nghiên cứu, không kiểm tra theo dõi việc thi hành”[12].
Muốn làm tốt công tác kiểm tra, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu “Cán bộ kiểm tra phải học tập và thấm nhuần đường lối, quan điểm của Đảng, phải luôn luôn chú ý nâng cao khả năng chuyên môn, phải cố gắng công tác, phải trau dồi đạo đức cách mạng. Đặc biệt phải nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật…làm gương mẫu trong việc chấp hành kỷ luật của Đảng. Phải chí công vô tư, không thiên vị, không thành kiến. Như thế mới làm tốt được công tác kiểm tra”[13], nghĩa là cán bộ kiểm tra phải có cái tâm, cái tầm, công tâm, vô tư, khách quan, không đem chủ quan, ý chí cá nhân thay cho điều kiện thực tế khách quan trong quá trình tiến hành kiểm tra, giám sát; giữ vững bản lĩnh chính trị, tính chiến đấu cao, có kỹ năng nghiệp vụ, phương pháp công tác khoa học, sâu sát, thận trọng và ứng xử có văn hóa; không lợi dụng vị trí cộng tác để làm sai chức trách, nhiệm vụ được giao, phải là những người cộng sản chân chính, tuyệt đối trung thành với Đảng, tận tụy với nhiệm vụ, trung thực, liêm khiết, đoàn kết, kỷ luật; vừa có dũng khí đấu tranh vừa có lòng nhân ái; nhất là trong giai đoạn hiện nay “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…” để thực sự xứng đáng là người lãnh đạo, là đầy tớ thật trung thành của nhân dân, theo đúng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong không khí chào mừng kỷ niệm 126 năm Ngày sinh của Bác (19/5/1890-19/5/2016), thực hiện theo tư tưởng của Người, thiết nghĩ mỗi cán bộ, công chức, đảng viên, chi bộ cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy không ngừng học tập, rèn luyện, tu dưỡng theo tư tưởng và tấm gương đạo đức của Bác, nhất là tư tưởng của Bác về công tác kiểm tra của Đảng, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, lập thành tích chào mừng nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Với tôi – người cán bộ kiểm tra của Đảng, học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đặc biệt thực hiện theo quan điểm, tư tưởng của Bác với công tác kiểm tra của Đảng là cả một quá trình, học suốt cả cuộc đời của người cán bộ, đảng viên; với khả năng nhận thức của mình tôi luôn luôn học và làm theo tâm gương sáng của Người, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ kiểm tra, trình độ lý luận chính trị, nhất là lời dạy của Bác với cán bộ ngành kiểm tra Đảng; trau dồi phẩm chất, đạo đức cách mạng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần phát huy truyền thống của ngành “Tuyệt đối trung thành, đoàn kết, trung thực, liêm khiết, kỷ cương và tận tụy”, xây dựng chi bộ, cơ quan ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn./.
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, tập 5, trang 520, 521.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.11, tr.300.
[3] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, Hà Nội, 2006, tr 278.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, tập 5, trang 282.
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, tập 5, trang 73.
[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, tập 5, trang 301.
[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, tập 5, trang 261.
[8] Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, t5, tr260, 288.
[9] Bài nói tại Trường Công an Trung ương, Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, t9, tr31.
[10]Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, t5, tr 521.
[11] Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, t5, tr 711.
[12] Báo cáo Chính trị tại ĐH ĐB toàn quốc lần thứ II của Đảng, Hồ Chí Minh toàn tập, Hà nội 2002, t6, tr 167.
[13] Bài nói tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra của Đảng ngày 29/7/1964, Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 1996, t11, tr 301.