Vì vậy, ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta rất quan tâm đến công tác kiểm tra, coi đây là một khâu quan trọng trong công tác xây dựng Đảng; Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát, bởi theo Người: "Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời". Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng và giữ gìn kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, ngày 16/10/1948 Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Ban Kiểm tra Trung ương - Cơ quan kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng và ở tỉnh Bình Thuận Ủy ban kiểm tra Tỉnh được thành lập từ tháng 01/1976.
Trải qua mười hai nhiệm kỳ, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và thường xuyên của các cấp ủy đảng, sự chỉ đạo và hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, hệ thống tổ chức ủy ban kiểm tra và cơ quan ủy ban kiểm tra các cấp trong tỉnh không ngừng được xây dựng, củng cố và ngày càng hoàn thiện; các thế hệ cán bộ kiểm tra đảng luôn tuyệt đối trung thành và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, nội bộ đoàn kết không ngừng phấn đấu, rèn luyện về mọi mặt, vượt qua khó khăn, thử thách, thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ trong từng nhiệm kỳ Đại hội.
Từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIII, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong tỉnh đã quan tâm chỉ đạo và thực hiện công tác kiểm tra, giám sát ngày càng đi vào nề nếp, thể hiện tính chủ động, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả đạt cao hơn; công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng có bước chuyển biến tích cực, đạt được hiệu quả quan trọng, ủy ban kiểm tra các cấp đã tham mưu cho các cấp ủy tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các quyết định, quy định, quy chế, hướng dẫn của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng; tham mưu xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát đối với hàng ngàn lượt tổ chức đảng và hàng ngàn đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc khắc phục những hạn chế, yếu kém qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; việc chấp hành nguyên tắc, tổ chức và sinh hoạt đảng, những điều đảng viên không được làm, chấp hành quy chế làm việc, chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng, về công tác cán bộ, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Ngoài việc tham mưu cho cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát toàn diện theo Điều 32 - Điều lệ Đảng, nội dung kiểm tra, giám sát ngày càng bám sát hơn yêu cầu công tác xây dựng Đảng và nhiệm vụ chính trị của từng cấp ủy, tổ chức đảng; việc kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo được thực hiện khá tốt, việc thi hành kỷ luật bảo đảm đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc, quy trình, thủ tục và thẩm quyền; công tác giám sát được mở rộng, công tác kiểm tra được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm hơn; chú ý đi vào những vấn đề nổi cộm, bức xúc; tập trung kiểm tra việc chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng; chủ trương, chính sách của Nhà nước; về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; việc triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2015- 2020; việc thực hiện quy định về những điều đảng viên không được làm. Chỉ tính riêng số liệu nhiệm kỳ 2015-2020 của Đảng bộ tỉnh, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tiến hành kiểm tra 5.841 lượt tổ chức đảng, 8.537 lượt đảng viên; kiểm tra tài chính đảng 107 tổ chức đảng và cơ quan tài chính đảng cùng cấp; kiểm tra việc thu, nộp, quản lý và sử dụng đảng phí 1.744 lượt tổ chức đảng, đã đề nghị xử lý xuất toán, thu hồi tài chính và truy thu tiền đảng phí trên 466 triệu đồng; đặc biệt, Ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra 29 tổ chức đảng cấp dưới và 297 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; đã thi hành kỷ luật 09 tổ chức đảng với hình thức khiển trách 06, cảnh cáo 03, thi hành kỷ luật 545 đảng viên với các hình thức khiển trách 353, cảnh cáo 121, cách chức 26, khai trừ 45; giám sát chuyên đề 2.902 lượt tổ chức đảng, 7.082 lượt đảng viên. Qua kiểm tra, giám sát đã chủ động giáo dục, phòng ngừa; kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, khuyết điểm, xử lý nghiêm những sai phạm của tổ chức đảng và đảng viên "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ". Nhờ đó, kỷ luật của Đảng, kỷ cương hành chính của Nhà nước được tăng cường, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, lòng tin của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, chính quyền tiếp tục được củng cố, sự đồng thuận trong xã hội ngày càng cao hơn.
Thực tiễn cho thấy: công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác kiểm tra, giám sát nói riêng đã góp phần quan trọng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, làm cho Đảng ngày càng làm tròn hơn vai trò lãnh đạo toàn diện của mình và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.
Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng còn một số vấn đề cần quan tâm đó là, một số ít cấp ủy cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến công tác kiểm tra, giám sát; một số địa phương, đơn vị xây dựng nội dung, phân bổ thời gian thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát chưa phù hợp; kết quả nắm bắt thông tin, phát hiện dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên còn hạn chế; tiến độ giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kết luận một số vụ việc còn chậm. Một số nơi chưa chú ý đôn đốc, theo dõi đối tượng kiểm tra, giám sát chấp hành kết luận, thông báo sau kiểm tra, giám sát; một số tổ chức đảng chưa làm tốt công tác thẩm tra, xác minh dẫn đến kết luận có việc chưa chính xác, có trường hợp áp dụng hình thức kỷ luật chưa phù hợp.
Nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, đặc biệt là ủy ban kiểm tra các cấp trong toàn tỉnh về ý nghĩa lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam; vai trò, uy tín, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng Cộng sản Việt Nam và của Đảng bộ tỉnh Bình Thuận trong chặng đường 90 năm qua; đồng thời, khắc phục những hạn chế, khó khăn nhằm thực hiện có hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra trong thời gian tới góp phần tích cực hơn nữa vào việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Thời gian tới cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, tiếp tục khẳng định kiểm tra, giám sát là những chức năng, phương thức lãnh đạo của Đảng, bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng, là nhiệm vụ của toàn Đảng, trước hết là của cấp ủy và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp trong tỉnh.
Thứ hai, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc (khóa XIII), nghị quyết Đại hội đảng các cấp trong tỉnh và các văn bản của Trung ương, nắm vững chủ trương đường lối đổi mới của Đảng để cụ thể hóa triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát cho phù hợp với tình hình đặc điểm của tỉnh.
Thứ ba, chủ động ban hành chương trình toàn khóa, kế hoạch năm về công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện đạt kết quả; nâng cao hơn nữa chất lượng các cuộc kiểm tra, giám sát; đầu tư nhiều hơn công tác nắm bắt thông tin, khảo sát tình hình và tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên; xử lý nghiêm minh, kịp thời các trường hợp vi phạm.
Thứ tư, tăng cường chỉ đạo các cấp ủy đảng, ủy ban kiểm tra trực thuộc trong việc triển khai thực hiện toàn diện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo Điều lệ Đảng; trong đó đặc biệt quan tâm đối với những lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng như: đất đai, tài nguyên, khoáng sản, dự án, các hoạt động tài chính, đầu tư, công tác cán bộ, kê khai tài sản thu nhập; chú trọng kiểm tra các đối tượng là cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các ngành, cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý; chú ý làm tốt giám sát việc thực hiện các kết luận, thông báo sau kiểm tra.
Thứ năm, Tăng cường sự chỉ đạo của Ủy ban kiểm tra cấp trên đối với Ủy ban kiểm tra cấp dưới trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của đảng theo Quy định số 195-QĐ/TW, ngày 18/6/2019 của Ban Bí thư để tạo chuyển biến tích cực, rõ rệt hơn nữa trong toàn Ngành. Phát huy tính chủ động trong công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy cơ sở để kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn những hạn chế, khuyết điểm ngay từ lúc mới phát sinh. Kịp thời củng cố, kiện toàn đội ngũ làm công tác kiểm tra đủ số lượng, đảm bảo chất lượng để hoạt động.
Thứ sáu, ngoài việc tiếp tục cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ do Trung ương triệu tập, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nghiên cứu phối hợp với Trường Chính trị tỉnh mở lớp đào tạo, tập huấn căn bản cho cán bộ làm công tác kiểm tra ở huyện và cơ sở.
Thứ bảy, hằng năm, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tiến hành sơ kết, tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng để kịp thời đánh giá, phát huy những kết quả đạt được, rút kinh nghiệm qua thực tiễn để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ kiểm tra, giám sát./.