Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên liệu về sự vận động của Đảng trong quá trình biến đổi, phát triển của tình hình cách mạng và chỉ rõ công tác kiểm tra có vai trò, vị trí rất quan trọng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp đấu tranh cách mạng của dân tộc. Người cho rằng: kiểm tra là công cụ thiết yếu để làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước, là biện pháp hữu hiệu trong việc đấu tranh thủ tiêu mọi thiếu sót, khuyết điểm trong cơ quan Đảng và Nhà nước. Theo Người, lãnh đạo mà không kiểm tra tức là không lãnh đạo, là lãnh đạo quan liêu. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1947, Người đã khẳng định: “Bên cạnh sự tự giác thực hiện nhiệm vụ của các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, các cấp ủy đảng phải tăng cường công tác kiểm tra”, và: “không phải ngày nào cũng kiểm tra nhưng thường thường kiểm tra để giúp họ rút kinh nghiệm sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên theo dõi sát sao công tác kiểm tra Đảng, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, Người coi đây là lực lượng nòng cốt giúp các cấp ủy hướng dẫn và thực hành công tác kiểm tra. Người yêu cầu đội ngũ làm công tác kiểm tra phải có phẩm chất, đạo đức, có năng lực chuyên môn về công tác kiểm ra. Trước hết, các ủy ban và cán bộ kiểm tra phải học tập thấm nhuần đường lối, quan điểm của Đảng, vì có hiểu biết sâu sắc đường lối, chính sách của Đảng mới kiểm tra được việc chấp hành của đảng viên và tổ chức Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh đến tính chủ động trong công tác kiểm tra. Người thường nói: Việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có ngọn đèn pha. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ, chúng ta đều thấy rõ. Như vậy, có thể thấy kiểm tra đảng theo quan điểm của Người có tác dụng rất lớn trong việc phòng ngừa tiêu cực, phát huy những nhân tố tích cực, có mục đích thúc đẩy và giáo dục đảng viên, cán bộ làm tròn nhiệm vụ đối với Đảng, Nhà nước, làm gương mẫu cho nhân dân. Do đó, mà góp phần vào việc củng cố Đảng về tư tưởng và tổ chức.
Tuy nhiên, Người cũng đặc biệt phê phán những cán bộ trong cơ quan Đảng và Nhà nước, những cơ quan lãnh đạo, quản lý các cấp không sát thực tế, không theo dõi, giáo dục cán bộ, gần gũi quần chúng; đối với công việc thì trọng hình thức mà không xem xét khắp mọi mặt, không vào sâu vấn đề, chỉ khai hội, viết chỉ thị mà không kiểm tra đến nơi đến chốn.
Theo tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quá trình kiểm tra, giám sát phải gắn với phê bình và tự phê bình để giáo dục, thuyết phục, uốn nắn đảng viên, cán bộ, định hướng công tác lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng, tạo điều kiện phát huy dân chủ trong Đảng, giữ vững nguyên tắc và chế độ sinh hoạt đảng, làm cho Đảng ta thực sự trong sạch vững mạnh, đủ sức lãnh đạo hoàn thành sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Công tác kiểm tra, giám sát gắn với phê bình và tự phê bình là nhằm làm cho tổ chức cơ sở đảng vững mạnh, cán bộ, đảng viên luôn giữ vững định hướng chính trị, nhận thức tư tưởng, trau dồi phẩm chất đạo đức trong sáng. Việc kết hợp chặt chẽ giữa công tác kiểm tra, giám sát với tự phê bình và phê bình là một giải pháp khoa học nhằm tăng cường sức mạnh và nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức đảng, chủ động cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm và giải quyết dứt điểm các vụ việc trên cơ sở nguyên tắc Điều lệ Đảng.
Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh, Ðảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình phát triển luôn chú trọng công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng. Trong mọi thời kỳ của cách mạng, dù chiến tranh hay hòa bình, khủng hoảng kinh tế hay phát triển, khó khăn hay thuận lợi, kể cả những thời điểm gay go, ác liệt nhất, đội ngũ các thế hệ cán bộ kiểm tra luôn tuyệt đối trung thành và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vượt qua gian khổ, khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Công tác kiểm tra của Ðảng đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ đường lối, quan điểm, các nguyên tắc của Ðảng; thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ chính trị; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng; góp phần tăng cường, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Ðảng.
Tuy nhiên, cùng với những ưu điểm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, hiện nay "Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu chưa được ngăn chặn, đẩy lùi". Bởi vậy, công tác kiểm tra và giám sát của Đảng ngày càng phải được đẩy mạnh. Ủy ban kiểm tra và đội ngũ cán bộ đảm trách công tác kiểm tra phải đóng vai trò nòng cốt trong công tác tham mưu nhằm nâng cao hiệu quả, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Muốn làm được như vậy, đòi hỏi đội ngũ làm công tác kiểm tra phải có phẩm chất, đạo đức, tinh thông nghiệp vụ, nắm chắc quy trình, quy định và phải có bản lĩnh kiểm tra. Đặc biệt là phải nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật, phải thật thà phê bình và tự phê bình để làm gương mẫu trong việc chấp hành kỷ luật của Đảng. Phải chí công vô tư, không thiên vị, không thành kiến. Như thế thì mới làm tốt được công tác kiểm tra.