Đầu tiên tôi xin thay mặt đoàn viên Công đoàn cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tham gia chuyến hành trình gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các đồng chí Thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thường trực Huyện ủy Bắc Bình, Thường trực Đảng ủy xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình đã tạo điều kiện để Công đoàn Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tổ chức một chuyến về nguồn thật sự ý nghĩa.
Căn cứ Lê Hồng Phong là một trong những căn cứ cách mạng của tỉnh Bình Thuận trong kháng chiến chống thực dân pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Đến nơi đây, Đoàn đã được nghe chú Trần Thanh Bình, Cựu chiến binh của xã Hồng Phong giới thiệu quá trình hình thành Căn cứ Khu Lê đến ngày kháng chiến thắng lợi. Căn cứ chạy dọc ven biển và quốc lộ 01A, từ vùng Giếng Nước (Hòa Phú, Tuy Phong) đến vùng Đá Ông Địa (Phú Hài, Phan Thiết). Địa hình khu căn cứ chủ yếu là rừng cây ô rô, động cát, đất đai khô cằn, ít nước, thuận lợi cho chiến tranh du kích, thuộc loại hình lõm. Mang tên nhà cách mạng Lê Hồng Phong, người địa phương thường gọi tắt là Khu lê, có diện tích khoảng 600km2.
Khu căn cứ ra đời do các lực lượng kháng chiến lợi dụng địa hình rừng núi để làm nơi trú quân hồi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Địa hình Khu căn cứ Lê Hồng Phong đầy hiểm trở. Cây rừng rậm rạp với nhiều loại cây leo, có nơi đầy gai ô rô chằng chịt dọc ngang từ 5-10km có lợi thế trong việc ẩn dấu, trú quân cho ta nhưng đi lại khó khăn và thường gặp thú dữ. Đến mùa khô, Khu Lê là vùng cát nóng, thiếu nước, kẻ thù khó trụ quân lâu nhưng lực lượng du kích cũng chịu vô cùng gian khổ. Nước sinh hoạt có lúc phải đổi bằng máu. Phải đi hàng giờ leo dốc, cát lún mới đưa về căn cứ được một gánh nước. Mỗi cán bộ, chiến sĩ trong một ngày chỉ được cấp nửa lít nước sinh hoạt. Nhưng đây chính là nơi để tồn tại và phát triển lực lượng suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, là nơi dừng chân của tỉnh và Ban cán sự Cực Nam, là bàn đạp để lực lượng ta tổ chức tấn công địch liên tục.
Từ khi thành lập căn cứ đến ngày kháng chiến thắng lợi, tuy luôn bị địch bao vây, đánh phá ác liệt nhưng quân và dân Khu Lê vẫn một lòng theo Đảng. Kiên cường bám trụ, anh dũng chiến đấu, đập tan những trận càn quét của quân thù. Căn cứ Khu Lê Hồng Phong đã làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của một hậu phương vững chắc, vừa đảm bảo hậu cần tại chỗ, vừa là bàn đạp để quân ta tấn công tiêu diệt địch, góp phần vào sự nghiệp giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.
Thời gian Đoàn dừng chân tại Khu căn cứ cũng có hạn, chương trình về nguồn cũng khép lại để lại trong tôi bao điều suy nghĩ, cảm nhận sâu sắc. Mặc dù chiến tranh đã đi qua, những màu xanh của những cây bạch đàn và rừng cây ô rô đã trở lại, nơi những trận địa năm xưa giờ đã là những vùng quê yên ấm, thanh bình nhưng vẫn còn đó một Căn cứ Khu Lê in dấu một thời kháng chiến gian nan của quân và dân ta.
Căn cứ Khu Lê Hồng Phong vẫn luôn là niềm tự hào của quê hương Bình Thuận. Tinh thần bất khuất, anh dũng hy sinh của quân và dân Khu Lê mãi mãi là tấm gương sáng ngời cho thế hệ hôm nay và mai sau. Chương trình hoạt động về nguồn là dịp để thế hệ hôm nay càng hiểu và tự hào hơn về truyền thống vẻ vang của dân tộc; là dịp để giáo dục truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây; là môi trường giáo dục thế hệ hôm nay rèn luyện, cống hiến và trưởng thành.
Nhân hoạt động lần này, nhằm thể hiện sự quan tâm đến các gia đình chính sách và người có công ở xã Hồng Phong, Thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã đến tận nhà để thăm, trao tặng 02 phần quà và 02 sổ tiết kiệm, mỗi Sổ trị giá 5.000.000đ cho 02 gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn là Bà Nguyễn Thị Bé, ở thôn Hồng Thạnh và Bà Trần Thị Ánh ở thôn Hồng Thanh, xã Hồng Phong, tỉnh Bình Thuận. Đây cũng là điều tri ân với các gia đình tại xã Hồng Phong đã có nhiều hy sinh và đóng góp cho nền độc lập tự do của đất nước.