Văn hóa kiểm tra được hình thành và phát triển cùng với sự ra đời và trưởng thành của Đảng, các thế hệ cán bộ kiểm tra của Đảng đã thường xuyên quan tâm đến xây dựng văn hóa kiểm tra, coi đó là nền tảng tinh thần của toàn Ngành. Công tác kiểm tra là một bộ phận không thể tách rời của công tác xây dựng đảng, nên văn hóa kiểm tra cũng là một bộ phận của văn hóa đảng.
Để phát huy những truyền thống tốt đẹp, đồng thời để đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát, thì cùng với việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức trách nhiệm và đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ.. thì có một vấn đề mà cần quan tâm đó là xây dựng văn hóa kiểm tra cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Trước hết, xây dựng văn hóa kiểm tra phải bắt đầu xây dựng từ con người-đội ngũ cán bộ kiểm tra của đảng vừa hồng, vừa chuyên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, xây dựng văn hóa kiểm tra chính là đạo đức cách mạng nói chung và đạo đức nghề nghiệp nói riêng của cán bộ kiểm tra. Mỗi cán bộ làm công tác kiểm tra cần rèn luyện phong cách ứng xử văn hóa, mỗi cán bộ kiểm tra phải có đạo đức cách mạng đó chính là tuyệt dối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc, có ý thức bảo vệ Đảng, bảo vệ tổ quốc, bảo vệ nhân dân.
Thứ hai, xây dựng văn hóa kiểm tra được thể hiện qua quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, cán bộ kiểm tra cần nắm vững về chuyên môn nghiệp vụ, công tâm, khách quan, trung thực, có dũng khí, tính chiến đấu cao trước những tác động tiêu cực hoặc những cám dỗ đời thường, cán bộ kiểm tra phải có bản lĩnh vượt lên hoàn cảnh, không bị ngả nghiêng, dao động, không bị mua chuộc mới giúp cho các kết luận kiểm tra khách quan, chính xác. Khi xem xét, đánh giá người và việc, cán bộ kiểm tra xác định rõ vì lợi ích của Đảng, của sự nghiệp cách mạng để nói đúng sự thật, không thiên vị, thành kiến và không chen động cơ cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ.
Thứ ba, xây dựng văn hóa kiểm tra thể hiện trong mối quan hệ giữa xây và chống, cán bộ kiểm tra phải liên tục phấn đấu, trao dồi, rèn luyện, tự đấu tranh và đấu tranh, tự phê bình và phê bình, kiểm tra và tự kiểm tra, chỉnh đốn và tự chỉnh đốn để hoàn thiện bản thân, phát huy tinh thần trách nhiệm, tạo động lực trong công việc, đổi mới phong cách, tác phong làm việc để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đã đề ra; đồng thời chống tư tưởng ngại va chạm, né tránh đấu tranh, bảo thủ, trì trệ, hẹp hòi, định kiến cá nhân; có thái độ thiên vị, yêu nên tốt, ghét nên xấu; hách dịch; lợi dụng vị trí công tác để tư lợi, có tư tưởng kiêu ngạo kiểm tra, tự phụ, tự mãn, làm việc tùy tiện.
Cuối cùng, xây dựng văn hóa kiểm tra thể hiện qua việc kiểm tra để giáo dục, ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm của đảng viên và tổ chức đảng, chứ không phải để trừng trị, làm gương mẫu tốt cho nhân dân, không phải để vạch lá tìm sâu, để trừng trị; nâng cao ý thức trách nhiệm, chấn chỉnh, đổi mới lề lối, tác phong, phương pháp công tác; rút ra những bài học về lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị để bồi dưỡng nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng và đảng viên. Phải kiên quyết chống căn bệnh “kiêu ngạo kiểm tra” với các biểu hiện như: Ỷ thế nghề nghiệp, ỷ thế công thần; tự phụ, tự mãn, thiếu khiêm tốn, dẫn đến vượt quá giới hạn, các quy định, cũng như quan điểm, nguyên tắc, phương pháp công tác; coi thường cấp dưới, coi thường đối tượng kiểm tra; khi được phê bình, góp ý thì ngụy biện không tiếp thu, tỏ ra kinh thị, bất cần, chống làm việc theo lối tự do, tùy tiện, qua loa, đại khái; bon chen, đố kỵ, không muốn người khác hơn mình.
Tóm lại, yêu cầu và nhiệm vụ công tác luôn đòi hỏi người cán bộ kiểm tra phải có tâm, có tầm và có tính nhân văn sâu sắc. Xây dựng văn hóa kiểm tra là tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, viết tiếp truyền thống tốt đẹp của Ngành kiểm tra Đảng “tuyệt đối trung thành với Đảng, tận tụy với nhiệm vụ, trung thực, liêm khiết, đoàn kết, kỷ luật”; đồng thời phê phán và kiên quyết chống những tư tưởng hẹp hòi, định kiến cá nhân, nhìn nhận, đánh giá con người theo khuôn mẫu chủ quan của mình, chỉ thấy mặt hạn chế, khuyết điểm hoặc “yêu nên tốt, ghét nên xấu”, “có bé xé ra to”.