Nói đến hoạt động của người cán bộ kiểm tra, thông thường có hai hoạt động chủ yếu đó là tham gia các cuộc kiểm tra đối với tổ chức đảng và đảng viên theo quy định của Điều lệ Đảng và nhiệm vụ cụ thể được phân công. Việc xem xét giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo đối với đảng viên thường có những vấn đề rất cụ thể, nên giúp cán bộ kiểm tra định hướng, hình dung ra công việc phải làm tương đối thuận lợi ngay từ đầu; nhưng ngược lại, công tác kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên hoặc kiểm tra tài chính Đảng thì mục tiêu, yêu cầu đặt ra đối với mỗi cuộc kiểm tra khá rộng, phạm vi có liên quan đến nhiều vấn đề, vì vậy để hình dung được sẽ phải làm gì, bắt đầu từ đâu là rất khó đối với cán bộ kiểm tra. Qua thực tế cho thấy, thông tin được người cán bộ kiểm tra thu thập, xử lý từ những nguồn:
Thứ nhất, thông tin trực tiếp từ cấp quản lý giao nhiệm vụ. Người cán bộ kiểm tra khi tiến hành nhiệm vụ kiểm tra tổ chức đảng hoặc đảng viên dù làm việc đơn lẽ hay theo đoàn kiểm tra, thông thường bao giờ cũng được người phụ trách giao nhiệm vụ cụ thể. Đây là những thông tin ban đầu nhưng rất quan trọng, bởi vì phải hiểu được nhiệm vụ, mục đích, yêu cầu và có khi cả phương pháp thì mới làm tốt được nhiệm vụ được giao.
Trong thực tế một số cán bộ kiểm tra hay coi nhẹ vấn đề này nên dễ lúng túng, khi vào việc không lựa chọn được phương pháp thích hợp để giải quyết công việc một cách tốt nhất. Vì vậy, phải hết sức quan tâm đến việc giao nhiệm vụ cho cán bộ kiểm tra, phải làm cho cán bộ kiểm tra hiểu được mình phải làm gì? yêu cầu đạt được cái gì và cần thiết phải gợi mở để giải quyết tốt vụ việc nên bắt đầu từ đâu, bằng cách nào. Trong các công văn, quyết định, kế hoạch kiểm tra chỉ nêu nội dung, đối tượng, thời gian và lực lượng kiểm tra, không nêu cách thức, phương pháp thực hiện cụ thể. Vì vậy, việc giao nhiệm vụ cho cán bộ kiểm tra phải được làm nghiêm túc, cụ thể; giao việc cho cán bộ kiểm tra có khi do trực tiếp đồng chí phó chủ nhiệm, đồng chí ủy viên trưởng phòng nhưng cũng có khi thông qua đồng chí trưởng đoàn, nhưng tất cả phải đạt được yêu cầu: rõ ràng, cụ thể, phù hợp với khả năng của người cán bộ kiểm tra được giao nhiệm vụ.
Nguồn thông tin thứ hai đó là, những văn bản chứa đựng những tin tức về nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, những quy định của Đảng; về chế độ, chính sách, pháp luật quy định về những vấn đề cần kiểm tra, làm rõ. Thông thường đây là những văn bản của Đảng và Nhà nước quy định điều chỉnh những vấn đề liên quan đến việc đối tượng kiểm tra thực hiện; mỗi vấn đề được điều chỉnh bằng những văn bản quy định khác nhau, do đó khi tiến hành công việc, có thể khối lượng thu thập những thông tin này rất lớn. Nhưng khó khăn nhất, đòi hỏi người cán bộ kiểm tra phải quan tâm là: phải thu thập đầy đủ, có trình tự kể cả trình tự về thời gian, nếu thiếu hoặc không cụ thể thì không thể kết luận được. Thu thập đến đâu phải nghiên cứu ngay đến đó để hiểu cặn kẽ, chi tiết nội dung văn bản quy định. Thực tế cho thấy việc nghiên cứu để hiểu cặn kẽ là rất khó vì cán bộ kiểm tra thường chỉ được đào tạo từ một đến hai chuyên ngành, một số người lại thiếu chuyên môn nghiệp vụ và thực tiễn hoạt động về lĩnh vực công tác mà mình đang tiến hành thẩm tra, xác minh.
Nguồn thông tin thứ ba, được cung cấp từ dư luận của quần chúng, từ người tố cáo, khiếu nại, từ thông tin đại chúng báo chí phản ảnh. Đây là những thông tin đến được với cán bộ kiểm tra ngay từ đầu nhưng chưa phải là thông tin chính thức, còn thiếu tính pháp lý. Song, qua thực tế cho thấy đây là những thông tin quan trọng, chiếm tỷ lệ chính xác khá cao, gợi mở, định hướng cho chúng ta làm rõ vấn đề. Tuy nhiên, vì đặc điểm của các thông tin này xuất phát từ dư luận nên thường thiếu tính pháp lý, có thể có tình tiết sai lệnh, vì vậy chúng ta cần thẩm tra, xác minh, đối chiếu quy định để làm rõ đúng, sai.
Thứ tư, là nguồn thông tin từ chính bản thân đối tượng kiểm tra cung cấp, giải trình. Đây là nguồn thông tin quan trọng nhất, mang tính pháp lý để phục vụ cho kết luận kiểm tra. Tuy nhiên, những thông tin được cung cấp từ đối tượng kiểm tra phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, chặt chẽ. Thông thường những thông tin này hay được các đối tượng xử lý, hợp pháp hóa trước khi cung cấp cho cán bộ kiểm tra, nên có những thông tin tốt, có lợi cho đối tượng kiểm tra thì cung cấp, còn những thông tin bất lợi cho đối tượng thì che giấu. Do đó, trước khi tiếp xúc với đối tượng kiểm tra, phải chuẩn bị kỹ kế hoạch, xác định rõ những vấn đề cần tập trung khai thác, dự kiến các tình huống có thể phát sinh và cách giải quyết.
Thứ năm, nguồn thông tin được thu thập từ tổ chức đảng, cá nhân có liên quan, nhằm chứng minh, làm rõ những thông tin thu thập được ở những nguồn khác, nó bổ trợ, củng cố những thông tin thu thập trước đó, giúp cho cán bộ kiểm tra có cơ sở vững chắc cho việc viết báo cáo, đề xuất, kiến nghị.
Trên cơ sở những tài liệu, thông tin thu thập được, cán bộ kiểm tra phải nghiên cứu, phân tích, thẩm định đánh giá lại tính khách quan, xác thực, hợp pháp, hợp lý của từng tài liệu, thông tin. Trong hoạt động kiểm tra, vừa coi trọng các cơ sở, căn cứ mang tính khẳng định, vừa phải quan tâm đến cơ sở, căn cứ mang tính phản biện, phủ định; phải xoay lật các mặt, các khía cạnh, góc độ của vấn đề thì mới kết luận khách quan, chính xác, tránh được chủ quan, phiến diện. Muốn vậy, cán bộ kiểm tra phải có bản lĩnh chính trị, có phương pháp làm việc khoa học, không ngừng rèn luyện, học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm công tác để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Kỹ năng thu thập, phân tích và xử lý thông tin là một trong những nghiệp vụ chuyên sâu, yêu cầu cán bộ kiểm tra phải có kinh nghiệm và sự hiểu biết nhất định về lĩnh vực muốn kiểm tra; qua thực tiễn công tác, xin trao đổi một số ý kiến góp phần phục vụ tốt hơn cho hoạt động nghiệp vụ của cán bộ công tác kiểm tra.