1. Về thực trạng
- Thời gian qua việc kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên, kể cả cấp ủy viên cùng cấp khi có dấu hiệu vi phạm luôn được cấp ủy, tổ chức đảng và UBKT các cấp quan tâm, tiến hành kiểm tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm. Ủy ban kiểm tra các cấp đã có nhiều cố gắng thực hiện nhiệm vụ này, kết quả qua kiểm tra hầu hết đều có vi phạm và có hình thức xử lý, góp phần giữ nghiêm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm tốt công tác phòng ngừa và nâng cao nhận thức trách nhiệm và ý thức chấp hành kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, số lượng các cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm còn quá ít so với tổng số tổ chức đảng và đảng viên, trong khi dư luận quần chúng cho rằng tiêu cực, nhũng nhiễu, tham nhũng, tham ô, lãng phí và các hành vi vi phạm kỷ luật trong Đảng không phải ít và có xu hướng không giảm.
- Kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên, nhất là cấp ủy viên cùng cấp, cán bộ chủ chốt khi có dấu hiệu vi phạm là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp và gặp nhiều trở ngại. Vì:
+ Nhận thức của một số cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy về công tác kiểm tra khi dấu hiệu vi phạm chưa đầy đủ.
+ Đối tượng kiểm tra sợ bị kiểm tra, sợ ảnh hưởng đến uy tín, sợ mất thành tích, thường xuất hiện tâm lý mặc cảm, đối phó, phản ứng, thiếu cộng tác, thiếu trung thực, quanh co, không nhận lỗi.
+ Tổ chức đảng có liên quan thường e ngại, không muốn cộng tác trong quá trình kiểm tra; tinh thần đấu tranh phê và tự phê bình tự giác không cao.
+ UBKT các cấp thiếu quyết tâm, chưa tích cực trong nghiên cứu, đề ra giải pháp nắm bắt thông tin liên quan đến đối tượng, chưa quan tâm đúng mức đến nguồn thông tin từ báo chí, dư luận xã hội, các đơn thư giấu tên, mạo tên, đơn thư không rõ địa chỉ, thường xử lý theo quy định giải quyết đối với các loại đơn thư này là lưu đơn; trong khi thực tế công tác bảo vệ người tố cáo theo luật tố cáo còn nhiều vấn đề cần quan tâm; công tác xây dựng lực lượng cốt cán thông tin nội bộ chưa được đầu tư; tư tưởng ngại khó, sợ va chạm, chờ việc đến thì làm không đến thì thôi, chưa thấy hết được ý nghĩa của việc kiểm tra dấu hiệu vi phạm là một trong các biện pháp phòng ngừa, răn đe hiểu quả nhất. Mặt khác, quá thận trọng, cầu toàn thông tin nên không tiến hành kiểm tra và làm tiềm ẩn nguy cơ vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên.
2. Về tác dụng của việc kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm
- Kết luận rõ ràng đúng, sai, xác định rõ vi phạm (nếu có) của tổ chức đảng, đảng viên để xem xét, xử lý kịp thời, giữ nghiêm kỷ luật đảng.
- Giúp cho tổ chức đảng, đảng viên được kiểm tra thấy được ưu điểm để phát huy; thiếu sót, hạn chế, khuyết điểm, yếu kém, vi phạm (nếu có) để khắc phục, sửa chữa.
- Góp phần tích cực chủ động giáo dục, phòng ngừa, "răn đe"; ngăn chặn kịp thời, không để khuyết điểm trở thành vi phạm hoặc vi phạm ít nghiêm trọng trở thành nghiêm trọng, vi phạm của một người trở thành vi phạm của nhiều người, của tổ chức.
- Giúp tổ chức đảng quản lý đảng viên được kiểm tra thấy rõ trách nhiệm của mình, rút ra bài học kinh nghiệm trong việc quản lý, giáo dục và kiểm tra, giám sát đảng viên, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.
- Đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
- Giúp tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội thấy được những hạn chế, bất cập trong trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành và trong hoạt động của mình; thấy được những quy định không còn phù hợp hoặc còn thiếu để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định cho chặt chẽ, đầy đủ, phù hợp với tình hình thực tế .
- Góp phần quan trọng củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
3. Một số nội dung cần tập trung phát hiện, tiến hành kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm
3.1. Đối với các tổ chức đảng cấp dưới:
- Việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, của cấp uỷ cấp trên và cấp mình; pháp luật của Nhà nước.
- Việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, chế độ công tác, thực hiện dân chủ trong Đảng, giữ gìn đoàn kết nội bộ.
- Việc thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
- Việc quản lý, giáo dục, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
- Việc tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, đề bạt, bố trí, sử dụng cán bộ.
3.2. Đối với đảng viên:
- Việc chấp hành các quy định của Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng; pháp luật của Nhà nước; đặc biệt là việc tuân thủ các văn bản pháp quy trong từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể.
- Việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; thực hiện nhiệm vụ cấp ủy viên, nhiệm vụ đảng viên.
- Việc chấp hành quy chế làm việc, chế độ công tác, các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ.
- Việc giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, lối sống.
- Đoàn kết thống nhất nội bộ.
- Việc thực hiện quy định về những điều đảng viên không được làm.
4. Một số phương pháp nắm bắt, xử lý thông tin và nhận định dấu hiệu vi phạm
4.1. Nguồn để nắm bắt thông tin:
- Việc thực hiện Chương trình, kế hoạch công tác của cấp ủy, tổ chức đảng và các sở, ngành, phòng, ban, mặt trận, đoàn thể.
- Việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cấp ủy viên, thành viên của tổ chức đảng, các cơ quan, mặt trận, đoàn thể.
- Báo cáo kết quả công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, kiểm toán, kiểm điểm của các cấp ủy, tổ chức đảng, và các sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể.
- Báo cáo tự phê bình và phê bình của tổ chức đảng và đảng viên; báo cáo kết quả bình xét, phân tích chất lượng đảng viên, tổ chức đảng.
- Báo cáo, kiến nghị của cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới.
- Kết quả khảo sát, thăm dò, thống kê, phân tích, tổng hợp dấu hiệu vi phạm đối với cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên của Ủy ban kiểm tra các cấp.
- Tố cáo, khiếu nại, kiến nghị, phản ảnh, góp ý của đảng viên và quần chúng.
- Phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng
4.2. Phương pháp nắm bắt thông tin:
- Đi cơ sở:
+ Thường trực UBKT: làm việc với cấp ủy, UBKT hoặc tổ chức đảng cấp dưới ít nhất 01 quý/ 1 lần hoặc khi có nhiều thông tin, dư luận nổi lên.
+ Ủy viên: làm việc với UBKT hoặc tổ chức đảng cấp dưới khi có yêu cầu
- Cập nhật thông tin thường xuyên trên tất cả các kênh, dư luận quần chúng.
- Phối hợp với ban tuyên giáo cấp ủy nắm thông tin qua giao ban dư luận xã hội.
- Chọn lọc thông tin và chủ động khảo sát tất cả các nguồn thông tin (từ báo chí, đơn nặc danh, mạo danh, không rõ địa chỉ nhưng nội dung tương đối rõ); nhất là khi đối tượng bị phản ảnh là cán bộ, đảng viên thuộc cấp ủy quản lý.
- Có cơ chế phối hợp để nắm thông tin từ các cơ quan bảo vệ pháp luật.
4.3. Phương pháp xử lý thông tin:
* Nghiên cứu, thu thập thông tin
- Nghiên cứu, thu thập thông tin, tài liệu về dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng cấp dưới hoặc đảng viên thông qua các nguồn thông tin nêu trên.
- Thực hiện việc giám sát thường xuyên đối với cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên; dự các cuộc họp, hội nghị của cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới.
- Nghiên cứu thông tin, tài liệu thu thập qua các cuộc kiểm tra và do tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp; qua việc tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát, đoàn công tác của cấp ủy, các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy cùng cấp hoặc cấp dưới; tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát, của các tổ chức nhà nước; trao đổi trực tiếp đối với tổ chức đảng hoặc đảng viên; kết quả thực hiện chất vấn tại các kỳ họp của cấp ủy, HĐND, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp.
- Kết quả giám sát chuyên đề; báo cáo kiểm tra của cấp ủy, tổ chức đảng và Ủy ban kiểm tra đối với tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên.
* Nhận định dấu hiệu vi phạm:
- Tổ chức đảng cấp dưới hoặc đảng viên được xác định là có dấu hiệu vi phạm khi nội dung thông tin, tài liệu phản ánh về dấu hiệu vi phạm đã có căn cứ, cơ sở thể hiện rõ:
+ Tên, địa chỉ, thời điểm, nội dung dấu hiệu vi phạm của cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới hoặc họ tên, địa chỉ, thời điểm, nội dung dấu hiệu vi phạm của đảng viên.
+ Tên, địa chỉ, thời điểm, nội dung dấu hiệu vi phạm của cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới có liên quan hoặc họ tên, địa chỉ, thời điểm, nội dung dấu hiệu vi phạm của đảng viên có liên quan.
- Trường hợp nội dung dấu hiệu vi phạm đã có cơ sở xác định nhưng đối tượng vi phạm chưa rõ thì căn cứ vào các quy định hiện hành của Đảng và Nhà nước để xác định, làm rõ đối tượng có dấu hiệu vi phạm.
* Xác định dấu hiệu vi phạm:
Cán bộ kiểm tra được phân công theo dõi lĩnh vực, địa bàn căn cứ các thông tin, tài liệu về dấu hiệu vi phạm của cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên đã phát hiện và nhận được để tiến hành các công việc sau:
- Phân tích, sàng lọc, phân loại, tổng hợp những thông tin có đủ căn cứ, cơ sở, điều kiện xác định dấu hiệu vi phạm.
- Đối chiếu nội dung thông tin, tài liệu, hiện vật về dấu hiệu vi phạm đã phát hiện với các quy định cụ thể của Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội có liên quan trực tiếp đến đối tượng và nội dung dấu hiệu vi phạm.
- Xây dựng và báo cáo đề xuất việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm trình thường trực Ủy ban kiểm tra hoặc Ủy ban kiểm tra xem xét, quyết định kiểm tra hay không kiểm tra.
5. Một số vấn đề lưu ý khác
- Tăng cường công tác quán triệt, tuyên truyền để cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy hiểu đầy đủ về mục đích, yêu cầu và ý nghĩa của công tác kiểm tra khi dấu hiệu vi phạm.
- Nắm chắc, nhận định và dự báo đa chiều, xác đúng tình hình, đối tượng, không suy diễn.
- Cán bộ kiểm tra phải có bản lĩnh, kinh nghiệm, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Có cơ chế bảo vệ cán bộ kiểm tra khi triển khai công tác kiểm tra khi dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức Đảng cấp dưới và đảng viên.
- Phát động phong trào thi đua trong toàn ngành trong đó có chỉ tiêu kiểm tra dấu hiệu vi phạm./.