Trong những năm qua, với sự quan tâm, chỉ đạo của Ban Thường vụ Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh cùng với sự đoàn kết, nhiệt tình của các đồng chí trong chi ủy, chi bộ đã có nhiều đổi mới trong nội dung sinh hoạt, hình thức ban hành nghị quyết, phân công nhiệm vụ đảng viên và công tác kiểm tra, giám sát v.v.., nên chất lượng sinh hoạt chi bộ từng bước được nâng lên, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ được phát huy.
Tuy nhiên, chất lượng sinh hoạt chi bộ vẫn còn có mặt hạn chế, một số đảng viên trong sinh hoạt ít tham gia ý kiến, có lúc chỉ tham gia góp ý từ ngữ, câu chữ trong dự thảo, không chú trọng nêu và thảo luận các giải pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Để nâng cao hơn nữa chất lượng sinh hoạt chi bộ Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” và Đề án “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ khối các cơ quan tỉnh và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng ở cơ sở” của Ban Thường vụ Đảng ủy khối, chi bộ Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tổ chức Tọa đàm về “nâng cao chất lượng sinh hoạt và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ”. Qua tọa đàm chi bộ thống nhất đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ cụ thể;
1- Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của chi bộ và sinh hoạt chi bộ đối với toàn thể đảng viên:
Đảng viên của Đảng dù ở cương vị nào trong Đảng và trong bộ máy Nhà nước cũng đều được sinh hoạt trong một chi bộ và phải thực hiện các nhiệm vụ của người đảng viên.
Theo quy định tại khoản 2, Điều 24, Điều lệ Đảng, chi bộ có năm nhiệm vụ:
- Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị;
- Giáo dục, quản lý và phân công công tác cho đảng viên;
- Làm công tác vận động quần chúng và công tác phát triển đảng viên;
- Kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng viên;
- Thu, nộp đảng phí.
Chi bộ, chi uỷ họp thường lệ mỗi tháng một lần.
Tại Điều 8 Điều lệ Đảng quy định: “Đảng viên bỏ sinh hoạt chi bộ hoặc không đóng đảng phí ba tháng trong năm mà không có lý do chính đáng; đảng viên giảm sút ý chí phấn đấu, không làm nhiệm vụ đảng viên, đã được chi bộ giáo dục mà không tiến bộ thì chi bộ xem xét đề nghị lên cấp có thẩm quyền xoá tên trong danh sách đảng viên”.
Đó là nguyên tắc, là quy định bắt buộc được nêu trong Điều lệ Đảng.
2- Duy trì thành nề nếp sinh hoạt chi bộ:
Đây là việc làm hết sức cần thiết trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Bởi vì, muốn nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thì trước hết phải tổ chức thành nề nếp sinh hoạt chi bộ, phải đề cao trách nhiệm của chi ủy, của từng đảng viên đối với sinh hoạt chi bộ.
Muốn vậy, cấp ủy chi bộ phải duy trì và thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt chi bộ mỗi tháng một lần vào tuần cuối mỗi tháng như Quy chế của chi bộ đã đề ra.
Tiếp tục quán triệt thực hiện tốt Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 30/3/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”, Hướng dẫn số 09-HD/BCHTW, ngày 02/3/2012 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Hướng dẫn số 24-HD/BCHTU ngày 30/7/2012 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy về nội dung sinh hoạt chi bộ.
Các buổi sinh hoạt chi bộ phải bố trí thư ký để ghi chép trung thực, đầy đủ ý kiến thảo luận của đảng viên và kết luận của đồng chí chủ trì; cuối buổi sinh hoạt phải biểu quyết thông qua Nghị quyết.
Chuẩn bị đến ngày sinh hoạt chi bộ, từng đảng viên chủ động sắp xếp công việc và tự liên hệ lại việc thực hiện nhiệm vụ được giao trong tháng, đồng thời chuẩn bị ý kiến phát biểu trong sinh hoạt chi bộ.
3- Nội dung sinh hoạt chi bộ thiết thực, hình thức thích hợp, thời gian hợp lý:
Chất lượng sinh hoạt chi bộ phụ thuộc rất lớn và chủ yếu vào nội dung, hình thức và thời gian sinh hoạt chi bộ. Nội dung sinh hoạt chi bộ phải bám sát chức năng, nhiệm vụ của chi bộ. Tuy nhiên, đối với từng cuộc sinh hoạt định kỳ hay chuyên đề cần chọn nội dung thiết thực, chọn hình thức thích hợp với nội dung đã chọn và bố trí thời gian thật hợp lý.
3.1- Lựa chọn nội dung sinh hoạt:
Thứ nhất, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của chi bộ theo quy định của Trung ương, đã được cụ thể hóa trong Quy chế làm việc của chi bộ để xác định nội dung, phạm vi và trách nhiệm lãnh đạo của chi bộ; đánh giá đúng kết quả thực hiện nghị quyết của chi bộ tháng trước, chỉ rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế để đề ra giải pháp khắc phục. Tránh tình trạng sinh hoạt chi bộ bàn bạc sâu vào thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.
Thứ hai, bám sát nhiệm vụ chính trị của chi bộ, nắm chắc đặc điểm cụ thể của chi bộ, của cơ quan và những vấn đề đang đặt ra trong phạm vi lãnh đạo của chi bộ, tình hình tư tưởng của đảng viên và quần chúng để chọn vấn đề cụ thể đưa vào nội dung sinh hoạt cho phù hợp, đáp ứng được đòi hỏi của tình hình thực tiễn và mong muốn của đảng viên, quần chúng.
Thứ ba, bám vào kế hoạch, chỉ đạo của cấp trên về tổ chức các hoạt động như: học tập các Chỉ thị, Nghị quyết, chính sách; sinh hoạt chính trị; thông tin, thời sự, sinh hoạt chuyên đề v.v..
Thứ tư, bám vào chương trình, kế hoạch công tác của chi bộ đề ra trong năm, trong nhiệm kỳ Đại hội chi bộ, để chủ động lựa chọn và chuẩn bị nội dung cho các buổi sinh hoạt chi bộ.
Trên cơ sở những căn cứ trên, chi ủy lựa chọn nội dung sinh hoạt chi bộ. Trong cùng thời điểm, cũng có thể nổi lên nhiều vấn đề cần giải quyết, chi ủy cần xử lý kịp thời, nên chọn vấn đề bức xúc nhất để bàn bạc, giải quyết.
Chi ủy và trước hết là bí thư chi bộ phải chuẩn bị kỹ nội dung sinh hoạt chi bộ, đồng thời thông báo trước nội dung, thời gian, địa điểm cho đảng viên biết để chủ động bố trí thời gian dự sinh hoạt và chuẩn bị ý kiến phát biểu. Dự thảo nghị quyết chi bộ hoặc chương trình, nội dung sinh hoạt chuyên đề cần được thông báo trước qua mạng dùng chung cơ quan.
Trong sinh hoạt, chú ý việc biểu dương kịp thời, động viên đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ; nhắc nhở, giúp đỡ những đảng viên còn có mặt hạn chế, khuyết điểm.
3.2- Chọn hình thức sinh hoạt chi bộ:
Hình thức sinh hoạt chi bộ cần được chọn phù hợp với nội dung sinh hoạt chi bộ. Sinh hoạt chi bộ theo hai hình thức:
- Sinh hoạt định kỳ: thể hiện rõ sự lãnh đạo của chi bộ, thảo luận và ban hành Nghị quyết.
- Sinh hoạt chuyên đề: đi sâu vào thảo luận vấn đề đã chọn; mỗi quý tổ chức một buổi sinh hoạt chuyên đề, lựa chọn một số vấn đề phù hợp, sát với tình hình thực tiễn của chi bộ, của cơ quan để sinh hoạt.
3.3- Xác định thời gian sinh hoạt:
Về thời gian sinh hoạt chi bộ cần giữ đúng Lịch công tác hàng tháng đã được sắp xếp, đồng thời có sự linh hoạt, bố trí phù họp khi có phát sinh những công việc cấp bách của chi bộ, cơ quan, nhằm tạo điều kiện để đảng viên có điều kiện tham gia sinh hoạt đầy đủ. Trong mỗi kỳ sinh hoạt không nên kéo dài thời gian không cần thiết, nhưng cũng bảo đảm đảng viên thực hiện trách nhiệm và quyền lợi của mình trong việc đóng góp ý kiến.
4- Chuẩn bị chu đáo nội dung và tổ chức sinh hoạt:
4.1- Phân công chuẩn bị nội dung sinh hoạt chi bộ:
Đồng chí Bí thư chi bộ là người chịu trách nhiệm trước chi ủy về việc chuẩn bị nội dung cho từng cuộc họp chi ủy trước khi trình ra chi bộ.
Tùy theo nội dung đã lựa chọn, chi ủy phân công cán bộ, đảng viên hoặc tổ chức có liên quan cùng cấp ủy chuẩn bị hoặc cung cấp những thông tin, tư liệu, số liệu để chi ủy chuẩn bị nội dung sinh hoạt.
Khi nội dung sinh hoạt chi bộ đã được chuẩn bị, chi ủy phải họp để bàn bạc, thảo luận trước khi đưa ra hội nghị chi bộ, tại cuộc họp này phải có sự tham gia của đồng chí Thủ trưởng cơ quan theo Quy chế đã đề ra.
Lưu ý: Chi ủy cần chỉ rõ những nội dung chủ yếu cần thảo luận, dự kiến các loại ý kiến khác nhau có thể xuất hiện xung quanh vấn đề đưa ra bàn bạc và quyết nghị, dự kiến phân công tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện nội dung sinh hoạt chi bộ. Trước khi sinh hoạt chi bộ phải gửi các văn bản dự thảo nghị quyết hoặc tài liệu liên quan qua mạng dung chung cơ quan để đảng viên nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến thảo luận.
4.2- Phân công tổ chức sinh hoạt chi bộ:
Chi ủy phân công chi ủy viên và đảng viên phụ trách từng công việc để tổ chức sinh hoạt chi bộ;
Phân công người chủ trì sinh hoạt chi bộ, thông thường thì Bí thư chi bộ là người chủ trì sinh hoạt, cũng có thể phân công Phó Bí thư chủ trì sinh hoạt.
Phân công người thông báo nội dung, địa điểm, thời gian sinh hoạt chi bộ và chuẩn bị những điều kiện cần thiết để sinh hoạt chi bộ.
5- Nâng cao chất lượng điều hành sinh hoạt chi bộ:
Tổ chức điều hành sinh hoạt chi bộ phải tuân theo những quy định chung sau:
- Thực hiện đúng Hướng dẫn số 24-HD/BCHTU ngày 30/7/2012 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy về nội dung sinh hoạt chi bộ.
- Đồng chí được phân công chuẩn bị nội dung sinh hoạt báo cáo nội dung đã được chuẩn bị trước chi bộ; báo cáo ngắn gọn, rõ ràng, nhất là đối với những nội dung chủ yếu, để dành nhiều thời gian cho chi bộ thảo luận.
- Quá trình sinh hoạt phải đảm bảo thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ. Đồng chí chủ tọa cần nêu những vấn đề cần thảo luận và yêu cầu mọi đảng viên đều phát biểu ý kiến của mình, kể cả ý kiến khác với những điểm trong nội dung đã được chuẩn bị của cấp ủy, khác với ý kiến của đồng chí khác. Để khắc phục tình trạng một số đảng viên ít tham gia thảo luận, khi điều hành sinh hoạt, đồng chí chủ trì vừa khuyến khích đảng viên phát biểu, nhưng cần có chỉ định đảng viên phải có chính kiến trước mỗi vấn đề đang được thảo luận.
- Qua thảo luận dân chủ, cuối cùng những vấn đề đó phải được biểu quyết và thành nghị quyết của chi bộ.
- Đồng chí chủ trì kết luận hội nghị, cần nhận xét tinh thần thái độ của các thành viên trong hội nghị, nêu rõ những vấn đề đã nhất trí được biểu quyết thông qua và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau cần tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến để hội nghị lần sau trao đổi, thảo luận hoặc báo cáo lên cấp trên (nếu có).
- Toàn bộ diễn biến của cuộc sinh hoạt chi bộ phải được ghi chép đầy đủ, chính xác trong sổ biên bản họp chi bộ.
6- Đề cao trách nhiệm tham gia sinh hoạt chi bộ của đảng viên:
Tham gia sinh hoạt chi bộ là trách nhiệm và cũng là quyền lợi của mỗi đảng viên. Không tham gia đều đặn sinh hoạt chi bộ thì đảng viên sẽ tự tách mình khỏi tổ chức đảng và nhiều lần như thế sẽ bị đưa ra khỏi đảng (theo quy định của Điều lệ Đảng). Trong thực tiễn, đảng viên chi bộ thể hiện tốt trách nhiệm, cần tiếp tục phát huy.
Những đảng viên là cán bộ lãnh đạo tham gia sinh hoạt chi bộ một cách đều đặn, nghiêm túc có tác dụng to lớn đối với những đảng viên khác và với việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Tuy nhiên, yêu cầu đối với tất cả đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ, cần xác định rõ mình tham gia sinh hoạt chi bộ với tư cách là một đảng viên của chi bộ, thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của một đảng viên, phát huy dân chủ trong phát biểu, thảo luận, tránh tư tưởng ngại thảo luận, tranh luận với ý kiến của đảng viên là cán bộ lãnh đạo.
7- Tạo không khí sinh hoạt chi bộ vừa nghiêm túc thẳng thắn, vừa dân chủ hòa đồng:
Sinh hoạt chi bộ là hoạt động của tổ chức đảng, phải bảo đảm tính nghiêm túc; đề cao trách nhiệm của mỗi đảng viên trong việc giữ tác phong sinh hoạt, ý kiến đảng viên tham gia trong các kỳ sinh hoạt phải thẳng thắn, có lý có tình; đều có mục tiêu chung xây dựng chi bộ.
Việc tạo không khí sinh hoạt dân chủ hòa đồng, cởi mở nhằm tránh tâm lý, tư tưởng gò bó, nặng nề, giúp đảng viên mạnh dạn bày tỏ quan điểm, chính kiến và gợi mở những sáng tạo, nhất là trong việc tham gia đề xuất giải pháp tổ chức thực hiện nghị quyết chi bộ. Trong sinh hoạt cần phát huy các ý kiến tranh luận, phản biện và cả những ý kiến chất vấn đối với chi ủy, chất vấn từng đảng viên.