Những năm qua, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân Bình Thuận đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đạt đựơc một số kết qủa quan trọng. Cùng với tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm giữ vững an ninh quốc phòng, Đảng bộ đã tăng cường chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của các cấp uỷ trong tỉnh.
Công tác kiểm tra, giám sát luôn được coi trọng, chất lượng hiệu quả dần được nâng lên. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức chỉ đạo quán triệt đầy đủ và kịp thời quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ và các quy định của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến tất cả các cấp ủy, các đảng bộ, chi bộ cơ sở, nhờ đó nhận thức và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra giám sát của Đảng trong toàn Đảng bộ nhìn chung đã có sự chuyển biến đáng kể. Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các huyện thi, thành ủy, đảng ủy trực thuộc đã sớm xây dựng và ban hành chương trình công tác kiểm tra, giám sát toàn khóa, nhiệm kỳ 2010- 2015. Hàng năm, căn cứ kế hoạch của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và xuất phát từ tình hình thực tế của địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và các cấp uỷ trực thuộc Tỉnh ủy đều xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra. Các đoàn kiểm tra do đồng chí bí thư, phó bí thư hoặc uỷ viên thường vụ cấp uỷ chủ trì, tiến hành kiểm tra các địa phương, đơn vị trong tỉnh, từ sở ban ngành, huyện, thị, thành phố đến cơ sở xã phường thị trấn theo kế hoạch đề ra.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp uỷ, ủy ban kiểm tra cấp tỉnh, huyện, thị và tương đương đã tiến hành 182 cuộc kiểm tra, 95 cuộc giám sát đối với 944 tổ chức đảng cấp dưới về việc chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng; chủ trương, chính sách của Nhà nước; về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; về lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vụ việc tồn đọng, nổi cộm và đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; về thực hiện các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng; lãnh đạo triển khai thực hiện các nghị quyết, các chương trình hành động của cấp ủy về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị của địa phương; đồng thời đã kiểm tra, giám sát 1.971 đảng viên về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, giữ gìn phẩm chất, đạo đức lối sống; về thực hiện những điều cán bộ công chức và đảng viên không được làm.
Nhìn chung, công tác kiểm tra, giám sát của cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp trong tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, ngày càng thực hiện đồng bộ giữa công tác kiểm tra và công tác giám sát; giám sát được mở rộng, kiểm tra được tiến hành có trọng tâm trọng điểm. Thực tiễn cho thấy: công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác kiểm tra, giám sát nói riêng đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển. Đặc biệt, qua kiểm tra, giám sát đã chủ động giáo dục, phòng ngừa; kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, khuyết điểm, xử lý nghiêm những sai phạm của tổ chức đảng và đảng viên. Nhờ đó, kỷ luật của Đảng, kỷ cương hành chính của Nhà nước được tăng cường, lòng tin của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, chính quyền tiếp tục được củng cố, sự đồng thuận trong xã hội ngày càng cao hơn.
Tuy nhiên so với yêu cầu nhiệm vụ, công tác kiểm tra, giám sát vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Việc theo dõi, nắm tình hình, phát hiện dấu hiệu vi phạm của không ít cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp chưa sâu sát, thiếu kịp thời; chưa tập trung đúng mức đối với một số lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, dễ phát sinh vi phạm; kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng cấp trên cơ sở và cấp ủy viên cùng cấp, kiểm tra, giám sát trách nhiệm người đứng đầu còn ít; một số trường hợp vi phạm kết luận, xử lý còn chậm; giám sát thực hiện các kết luận kiểm tra còn hạn chế, còn có trường hợp chưa thật kiên quyết. Chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra của Đảng từng bước được nâng lên, nhưng có mặt chưa đáp ứng yêu cần nhiệm vụ.
Thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp cần tập trung khắc phục tốt những thiếu sót, khuyết điểm trong công tác kiểm tra, giám sát đã được chỉ ra qua kiểm điểm tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát để phòng ngừa vi phạm, ngăn ngừa tiêu cực; phải rất coi trọng và tập trung kiểm tra, giám sát ở những lĩnh vực, nội dung quan trọng, nhạy cảm, phức tạp; kiểm tra giám sát trách nhiệm cán bộ chủ chốt, người đứng đầu ở các cấp, các ngành, các địa phương; chỉ đạo kiên quyết việc khắc phục hậu quả sau kiểm tra; thực hiện tốt sự phối hợp giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra của Nhà nước và các hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân. Tăng cường công tác nắm tình hình để phát hiện sớm dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên. Đối với những trường hợp đã vi phạm thì phải được xem xét, xử lý kịp thời, nghiêm túc, thấu lý, đạt tình. Thường xuyên quan tâm củng cố tổ chức, bộ máy cơ quan ủy ban kiểm tra; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra Đảng có bản lĩnh, phẩm chất, năng lực ngày càng được nâng cao để đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; nêu cao dũng khí đấu tranh xây dựng nội bộ, kiên quyết khắc phục tình trạng nể nang, ngại đụng chạm. Đẩy mạnh thực hiện việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thường xuyên rà soát kết quả thực hiện các nội dung xây và chống, thực hiện những việc cần làm ngay, từ đó bổ sung những nội dung cụ thể, thiết thực để tiếp tục nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân, phát huy tinh thần mẫu mực, nêu gương của người cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát của Đảng ./.
Hoàng Đình