Đảng ta là một đảng cầm quyền, lãnh đạo mọi mặt của đời sống xã hội, do đó công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Từ khi ra đời, Đảng ta luôn xác định công tác kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng; lãnh đạo mà không có kiểm tra, giám sát coi như không có lãnh đạo. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đang đứng trước những thuận lợi và thời cơ lớn nhưng đồng thời cũng gặp không it khó khăn, thách thức. Tình hình trên đòi hỏi công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng càng phải bám sát và thực hiện thắng lợi cả nhiệm vụ then chốt là xây dựng Đảng và nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế, góp phần bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng, đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra. Muốn vậy phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra tận tụy, gương mẫu. Đây vừa là yêu cầu bức xúc, vừa là vấn đề cơ bản lâu dài đối với công tác kiểm tra của Đảng.
Tận tuỵ là hết lòng, hết sức vì công việc, không ngại khó khăn, vất vả.
Tận tụy, trước hết là thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc để hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách tốt nhất. Điều đó đòi hỏi người cán bộ kiểm tra phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có dũng khí cách mạng. Dám đấu tranh để bảo vệ cái đúng, làm rõ cái sai. Dám nói rõ chính kiến; trung thực, khách quan, công tâm, không vì một tác động nào làm người cán bộ kiểm tra nghiêng ngã, dẫn tới nhìn nhận, xem xét, kết luận và xử lý vi phạm không chuẩn, không đúng. Đồng thời người cán bộ kiểm tra còn phải dám chấp nhận những thành kiến, những suy nghĩ không đúng đối với mình; không tự ti, mặc cảm.
Tận tuỵ còn đòi hỏi phải có ý thức tổ chức kỷ luật tự giác, nghiêm minh. Người cán bộ kiểm tra phải làm việc đúng nguyên tắc, đúng phương pháp, đúng quy trình và giữ đúng kỷ luật phát ngôn.
Tận tuỵ không chỉ là tận tâm, tận lực làm việc mà còn đòi hỏi làm sao công việc được hoàn thành với chất lượng và hiệu quả cao nhất. Muốn vậy người cán bộ kiểm tra phải không ngừng học tập nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ. Học ở sách vở, trường lớp, học ở đồng nghiệp, học từ thực tiễn công tác. Bên cạnh đó còn phải tích cực nghiên cứu, cập nhật kiến thức các mặt: pháp luật, quản lý kinh tế, tài chính, chế độ, chính sách…; phải xây dựng phương pháp làm việc khoa học, thận trọng, tỉ mỉ, cụ thể, chu đáo trong mọi việc; rèn luyện phong cách làm việc mềm mỏng, nhẹ nhàng để tạo sức thuyết phục cao; nhưng phải cương quyết trên tinh thần giữ vững nguyên tắc đối với những người thiếu thành khẩn, quanh co.
Tận tụy không phải chỉ một mình mình cố sức làm, mà phải có tinh thần làm việc tập thể; đoàn kết, giúp nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ.
Gương mẫu là sự mẫu mực để làm gương cho người khác noi theo.
Sự gương mẫu của người cán bộ kiểm tra được thể hiện trên tất cả các mặt, từ trong công việc cho đến cuộc sống đời thường; trong đó quan trọng nhất là sự gương mẫu trên một số mặt sau đây: Gương mẫu trong chấp hành đường lối, chủ trương, chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có ý thức tổ chức kỷ luật; trung thực, không cơ hội. Gương mẫu trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực: Bản thân không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, không để gia đình, vợ con tham nhũng, tiêu cực. Gương mẫu trong phẩm chất đạo đức, lối sống: có cuộc sống trong sáng, giản dị, gắn bó mật thiết với nhân dân, gần gũi, thân ái với đồng chí, anh em, sống có nghĩa, có tình.
Để có được phẩm chất tận tuỵ, gương mẫu, đòi hỏi người cán bộ kiểm tra phải tự giác tu dưỡng, rèn luyện một cách thường xuyên, bền bỉ với quyết tâm cao nhất, thực hiện tự phê bình và phê bình nghiêm túc, ra sức phát huy ưu điểm, kiên quyết khắc phục, sữa chữa thiếu sót, khuyết điểm để ngày càng hoàn thiện và không ngừng tiến bộ./.
Hoàng Nghĩa