Ngày 19/10/2007, Tỉnh ủy (khóa XI) đã ban hành Chương trình hành động số 11-NQ/TU thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) “về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng” với 03 yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm: (1) Làm tốt công tác giáo dục, quản lý và rèn luyện đội ngũ cán bộ đảng viên; phòng ngừa xảy ra sai phạm. (2) Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. (3) Kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường cơ sở vật chất, giúp ủy ban kiểm tra các cấp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Đồng thời, đề ra phương hướng, giải pháp cụ thể để lãnh đạo thực hiện; chú trọng kiểm tra, giám sát cấp ủy viên, người đứng đầu của các tổ chức trong hệ thống chính trị; tập trung kiểm tra, giám sát những nội dung về kinh tế - tài chính, hành chính - tư pháp, công tác tổ chức và cán bộ.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X và Chương trình hành động số 11-NQ/TU của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Quy chế phối hợp về công tác kiểm tra, giám sát với Ban Thường vụ Đảng ủy Quân khu 7, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng, Đảng ủy Công an Trung ương; ban hành 17 quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng giữa Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ với các tổ chức, cơ quan, đơn vị có liên quan; ban hành các Quy định về tổ chức hoạt động đoàn kiểm tra, đoàn giám sát, về việc cung cấp thông tin cho báo chí sau các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ, về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý, Hướng dẫn thực hiện việc chất vấn trong Đảng tại các kỳ họp của Tỉnh ủy. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã ban hành bộ quy trình về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng; ban hành các quy định về tổ chức hoạt động của đoàn kiểm tra, đoàn giám sát của uỷ ban kiểm tra; về tiếp nhận, xử lý đơn thư, tiếp công dân; ban hành Hệ thống mẫu văn bản nghiệp vụ về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng. Trên cơ sở đó, các cấp ủy trực thuộc tỉnh đã ban hành các quy chế phối hợp về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng giữa ủy ban kiểm tra cấp ủy và các ngành chức năng, góp phần đưa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đi vào nền nếp, đảm bảo dân chủ, kỷ cương, kỷ luật của Đảng.
Hằng năm các cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp đều xây dựng chương trình công tác kiểm tra, giám sát để triển khai thực hiện. Kết quả sau 10 năm thể hiện:
- Công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng đi trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm nguyên tắc, thủ tục, đúng quy định, hướng dẫn của cấp trên. Các cuộc kiểm tra đã được xem xét kết luận rõ ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế, thiếu sót, giúp cho các đối tượng được kiểm tra rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời; công tác giám sát sau kiểm tra từng bước được chú trọng. Cấp ủy các cấp và chi bộ đã kiểm tra 10.256 lượt tổ chức đảng và 12.721 lượt đảng viên; giám sát chuyên đề đối với 3.620 lượt tổ chức đảng và 5.965 đảng viên. Các ban của cấp ủy các cấp đã kiểm tra 2.110 lượt tổ chức đảng và 817 đảng viên; giám sát 606 lượt tổ chức đảng và 865 lượt đảng viên.
- Ủy ban Kiểm tra các cấp đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo Điều 32 - Điều lệ Đảng bảo đảm tính toàn diện, nội dung kiểm tra, giám sát ngày càng bám sát yêu cầu công tác xây dựng đảng và nhiệm vụ của từng cấp ủy, tổ chức đảng; việc kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được thực hiện tốt hơn, đảm bảo đúng quy định; công tác giám sát ngày càng được tăng cường, mở rộng và có chuyển biến tích cực, góp phần cảnh báo, ngăn ngừa sai phạm. Đã kiểm tra 122 tổ chức đảng và 1.078 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; kiểm tra 2.743 lượt tổ chức đảng cấp dưới về thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và 336 lượt tổ chức đảng trong việc thi hành kỷ luật; giải quyết 41 trường hợp khiếu nại kỷ luật đảng và 416 trường hợp đảng viên, 07 trường hợp tổ chức đảng bị tố cáo.
Qua kiểm tra, cấp ủy, uỷ ban kiểm tra các cấp và chi bộ đã thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với 42 tổ chức đảng và 1.704 đảng viên; trong đó, cấp ủy viên các cấp là 562 trường hợp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số ít cấp ủy, uỷ ban kiểm tra cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát; xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát còn dàn trải; một số nơi còn lúng túng về phương pháp, thiếu chặt chẽ về quy trình kiểm tra, giám sát. Vai trò tham mưu thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của một số uỷ ban kiểm tra cấp uỷ chưa thật chủ động. Phương pháp nắm bắt thông tin, phát hiện dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên còn hạn chế, nhất là cấp huyện và cơ sở; đối tượng kiểm tra, giám sát là cấp ủy viên cùng cấp và cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý còn ít; tiến độ giải quyết đơn thư tố cáo, kết luận một số vụ việc còn chậm; một số tổ chức đảng chưa làm tốt công tác thẩm tra, xác minh dẫn đến kết luận có việc chưa chính xác, có trường hợp áp dụng hình thức kỷ luật chưa phù hợp.
Để thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) trong thời gian đến, cần tập trung một số giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, các cấp ủy phải tập trung lãnh đạo quán triệt nâng cao nhận thức về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng
Thứ hai, phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy các cấp
Thứ ba, phải thường xuyên quan tâm công tác tổ chức cán bộ ngành kiểm tra
Thứ tư, thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát.
Thứ năm, kết hợp tốt việc tự rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu của đảng viên với việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng