Từ sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng ta đã trở thành đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước. Trước sự xuất hiện của nguy cơ tha hóa bởi quyền lực, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt coi trọng việc giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đồng thời quan tâm giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên.
Trong thời kỳ đổi mới, do tác động của nhiều nhân tố khách quan và chủ quan, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn biến phức tạp. Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1-1994) Đảng đã chỉ ra những biểu hiện của sự suy thoái này và coi đó là một trong bốn nguy cơ cần quan tâm đấu tranh phòng, chống. Các kỳ đại hội Đảng tiếp theo và nhiều hội nghị Trung ương các khóa tiếp tục đánh giá thực trạng và diễn biến của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; xác định việc ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái này là nhiệm vụ vừa cơ bản lâu dài, vừa có ý nghĩa cấp bách trước mắt.
Văn kiện Đại hội XII của Đảng nhận định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn”
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 04 về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khẳng định; Sự suy thoái về tư tưởng chính trị đạo đức lối sống “ Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa” trong nội bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ việc cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân. Nguyên tắc tập trung dân chủ bị buông lỏng, nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm. Việc nghiên cứu, sửa đổi ban hành cơ chế chính sách, luật pháp thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa kịp thời, nhiều văn bản, quy định thiếu chế tài cụ thể. Công tác quản lý cán bộ đảng viên còn thiếu chặt chẽ. Đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn nể nang, cục bộ. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng dạy và học tập nghị quyết của Đảng chưa được coi trọng đúng mức, chậm đổi mới, kém hiệu quả. Sinh hoạt Đảng nhất là sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi còn hình thức, đơn điệu. Vai trò của nhân dân trong việc giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thông qua Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các hình thức khác chưa được phát huy đầy đủ, hiệu quả.
Về giải pháp khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống Ban Chấp hành Trung ương thống nhất phải tiến hành đồng bộ, tập trung vào các nhóm: Về giáo dục tư tưởng chính trị, tự phê bình và phê bình; về cơ chế chính sách; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; về phát huy vai trò nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội. Rà soát, hoàn thiện cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước; kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong đảng, công tác cán bộ, công tác kiểm tra, công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên. Phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của báo chí, của công luận.
Để ngăn ngừa những biểu hiện suy thoái cho đội ngũ cán bộ, đảng viên các tổ chức Đảng cần phải đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên. Làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, nêu gương “những người tốt, việc tốt”. Đồng thời phê phán đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, vô trách nhiệm, vụ lợi cá nhân, cơ hội chủ nghĩa, lợi ích nhóm, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình. Chú trọng nêu gương những người tốt, việc tốt; ngăn chặng, cảnh báo, phê phán những việc làm sai trái. Đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ, vụ lợi, “Lợi ích nhóm”./.