Tuy nhiên, quá trình thực hiện thẩm tra, xác minh trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng hiện nay có những hạn chế, bất cập sau:
Thứ nhất, thẩm tra, xác minh trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng là công tác nội bộ đảng nên phải sử dụng phương pháp công tác đảng: Dựa vào tổ chức đảng, phát huy tinh thần tự giác của tổ chức đảng và đảng viên, lấy tự phê bình và phê bình trong tổ chức đảng là biện pháp chủ yếu, không được sử dụng biện pháp nghiệp vụ của các cơ quan tố tụng, cơ quan thanh tra nhà nước, trong khi đó hoạt động của cán bộ, đảng viên không chỉ giới hạn trong nội bộ Đảng, mà liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên có những biểu hiện rất đa dạng, tinh vi và phức tạp; trong khi tính tự giác, tự phê bình và phê bình của đảng viên giảm sút; trong công tác kiểm tra, giám sát nếu chưa thẩm tra, xác minh thì chưa được nhận xét, đánh giá, kết luận, xử lý đối với đối tượng kiểm tra, giám sát.
Thứ hai, thẩm tra, xác minh trong công tác kiểm tra của Đảng phải tiến hành công khai, dân chủ, khách quan; điều này khác với công tác thẩm tra, xác minh của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Chính vì nguyên tắc này làm cho công tác thẩm tra, xác minh khó khăn hơn vì đối tượng kiểm tra có thể lợi dụng để quanh co, lẫn tránh, che giấu hoặc hợp thức hóa sai phạm.
Thứ ba, sử dụng phương pháp công tác đảng trên cơ sở “5 dựa” bao gồm dựa vào tổ chức đảng, phát huy tinh thần tự giác của tổ chức đảng và đảng viên, phát huy trách nhiệm xây dựng đảng của quần chúng, làm tốt công tác thẩm tra, xác minh và kết hợp chặt chẽ công tác kiểm tra của Đảng với công tác thanh tra của Nhà nước, thanh tra nhân dân. Thực chất của phương pháp này là phát huy tinh thần đấu tranh chống tiên cực của các tổ chức và cá nhân có liên quan. Muốn các tổ chức và cá nhân nhiệt tình cung cấp thông tin thì phải vận động, thuyết phục, nêu gương và cảm hóa họ, điều này đòi hỏi cao về phẩm chất cũng như năng lực của cán bộ kiểm tra.
Thứ tư, việc thu thập thông tin, tài liệu trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải được thực hiện dân chủ, công khai, trong khi đó các cơ quan tố tụng được thực hiện các biện pháp có tính cưỡng chế cao hoặc thanh tra nhà nước sử dụng biện pháp hành chính mang tính áp đặt, từ đó giúp việc thu thập thông tin, chứng cứ thuận lợi và hiệu quả hơn.
Thứ năm, phát huy tính tự giác của đối tượng kiểm tra là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Rất hiếm đối tượng kiểm tra sau khi vi phạm tự giác nhận khuyết điểm của mình hoặc tự giác nhận hình thức kỷ luật tương xứng với vi phạm mà đa số chỉ thành khẩn khi nhận thức nếu không tự giác thì đoàn kiểm tra, giám sát sẽ làm rõ vi phạm và cái mất của họ sẽ lớn hơn.
Thứ sáu, đội ngũ cán bộ kiểm tra đa số được tuyển dụng từ nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau và hầu hết trước khi vào Ngành chưa có nghiệp vụ thẩm tra, xác minh, khi vào Ngành thì chỉ được bồi dưỡng với thời gian ngắn mà yêu cầu phải làm tốt là điều khó khăn với nhiều cán bộ kiểm tra.
Qua nghiên cứu và thực tiễn công tác, tôi xin nêu một số giải pháp để tiếp tục hoàn thiện phương pháp thẩm tra, xác minh trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng như sau:
Một là, tăng cường trao đổi thông tin, tài liệu giữa ủy ban kiểm tra đảng với các cơ quan hữu quan. Hiện nay việc khai thác thông tin theo phương pháp công tác đảng gặp nhiều khó khăn, trong khi các cơ quan hữu quan được sử dụng phương pháp công tác của họ nên việc khai thác thông tin, tài liệu nhanh hơn, hiệu quả hơn. Mặt khác, khi cùng một việc nhưng có nhiều cơ quan cùng vào cuộc nên đã có thông tin từ trước, nếu đoàn kiểm tra, giám sát được sử dụng thông tin, tài liệu đó sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức, bảo đảm tính kịp thời và tránh phiền hà cho các tổ chức đảng, đảng viên liên quan và giúp cho đoàn kiểm tra, giám sát có thông tin đầy đủ, đa chiều, đa dạng hơn để đánh giá sự việc khách quan, chính xác hơn.
Hai là, ủy ban kiểm tra đảng được sử dụng một số biện pháp nghiệp vụ của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Đối tượng kiểm tra thường tìm cách hợp thức hóa sai phạm hoặc tiêu hủy chứng cứ, nhất là những đối tượng có chức vụ, quyền hạn, nếu không áp dụng một số biện pháp nghiệp vụ của cơ quan bảo vệ pháp luật để ngăn chặn thì đối tượng kiểm tra có thể thực hiện thành công việc hợp thức hóa sai phạm hoặc thiêu hủy chứng cứ dẫn đến bỏ lọt nhiều vi phạm. Do vậy, trong trường hợp đặc biệt, ủy ban kiểm tra, cán bộ kiểm tra được sử dụng một số biện pháp nghiệp vụ của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.
Ba là, nâng cao trình độ và năng lực về công tác thẩm tra, xác minh cho cán bộ kiểm tra. Trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ kiểm tra là hai yếu tố quyết định để nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, xác minh; do đó để nâng cao trình độ và năng lực thẩm tra, xác minh cho đội ngũ cán bộ kiểm tra, ủy ban kiểm tra các cấp cần thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên môn của những ngành, lĩnh vực trọng điểm dễ phát sinh vi phạm như tài chính, đất đai, xây dựng …; tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng thẩm tra, xác minh cho đội ngũ cán bộ kiểm tra; tổ chức các hội nghị, hội thảo để trao đổi kinh nghiệm về thẩm tra, xác minh giữa các địa phương, đơn vị.
Bốn là, đào tạo đội ngũ cán bộ kiểm tra đa ngành, đa lĩnh vực. Hiện nay cơ cấu của đội ngũ cán bộ kiểm tra còn thiếu và yếu kiến thức chuyên sâu ở nhiều lĩnh vực nên khó phát hiện dấu hiệu vi phạm, tìm chứng cứ để kết luận sai phạm. Do vậy, trong xây dựng đội ngũ ngoài công tác đào tạo, bồi dưỡng cần tuyển chọn cán bộ được đào tạo chuyên ngành từ nhiều lĩnh vực để đáp ứng cho các đoàn kiểm tra, giám sát hiện nay./.