Mặc dù vậy, so với yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng vẫn còn những hạn chế. Công tác kiểm tra ở một số nơi thiếu trọng tâm, trọng điểm; việc tự kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm vẫn là khâu yếu. Công tác giám sát ở các cấp chưa thường xuyên, có nơi, có lúc chưa thực chất; hiệu quả cảnh báo, phòng ngừa vi phạm còn hạn chế. Việc thi hành kỷ luật đảng ở một số nơi chưa nghiêm. Giải quyết khiếu nại, tố cáo có trường hợp còn chậm.
Nguyên nhân của hạn chế nêu trên, là do một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, chưa coi đây là chức năng, nhiệm vụ rất quan trọng trong xây dựng Đảng và công tác lãnh đạo, chỉ đạo, vì vậy chưa dành nhiều thời gian cần thiết cho việc thực hiện nhiệm vụ này. Việc phát huy vai trò trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị và nhân dân đối với công tác kiểm tra giám sát còn hạn chế. Tổ chức bộ máy Ủy ban Kiểm tra các cấp chưa thật mạnh; trình độ, năng lực, bản lĩnh, kinh nghiệm và phương pháp công tác của một bộ phận cán bộ kiểm tra chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức và trách nhiệm, quyết tâm chính trị của Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền, quán triệt mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng, các Nghị quyết, quy định của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát một cách thiết thực, phù hợp với điều kiện, chức năng, nhiệm vụ của mình. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm hành động của cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, nhất là cấp cơ sở. Người đứng đầu cấp ủy phải xác định trách nhiệm của mình, trực tiếp, thường xuyên lãnh đạo và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát.
Thứ hai, công tác kiểm tra, giám sát phải chủ động, tiến hành một cách thường xuyên, toàn diện, khách quan, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ; coi trọng phòng ngừa, lấy xây là chính; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; đề cao trách nhiệm tự kiểm tra, tự uốn nắn, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm của tổ chức đảng và đảng viên.
Thứ ba, rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan trong công tác kiểm tra, giám sát theo hướng tăng cường trách nhiệm, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Tăng cường phối hợp giữa kiểm tra, giám sát của Đảng với thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Có cơ chế phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, truyền thông báo chí và nhân dân đối với công tác kiểm tra, giám sát.
Thứ tư, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra; tổ chức bộ máy cơ quan ủy ban kiểm tra các cấp bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra có bản lĩnh, liêm chính, năng lực, uy tín và chuyên môn giỏi đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.