Qua việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về Học tập và làm theo phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh thời gian qua cho thấy: Nét nổi bật là tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân, ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn, trở ngại trong công tác của phân đông cán bộ, đảng viên được nâng lên; việc giáo dục, rèn luyện đạo đức lối sống đã trở thành một nội dung được quan tâm trong sinh hoạt của các tổ chức đảng; việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có những chuyển biến rõ nét hơn; nhận dạng, cảnh báo, ngăn ngừa suy thoái về tư tưởng chính trị; cảnh giác với những biểu hiện “tự chuyển hóa”, “tự chuyển biến” trong nội bộ. Đó là những chuyển biến tích cực, đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, củng cố niềm tin trong đảng viên và trong Nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Tuy nhiên, với thái độ nghiêm túc, nhìn thẳng vào sự thật và đánh giá sát đúng sự thật, chúng ta thấy trong quá trình triển khai, thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh còn những hạn chế, tồn tại cần khắc phục, thể hiện:
Thiếu tích cực học tập, nghiên cứu lý luận chính trị, còn thỏa mãn về trình độ hiện tại; thích nghe thành tích, ngại nghe thiếu sót, khuyết điểm; trong sinh hoạt Đảng thì ít tranh luận, sợ mất lòng với người khác, với cấp trên. Lối sống thực dụng, mưu cầu lợi ích cá nhân, lãng phí của công phải xử lý kỷ luật, thậm chí vi phạm pháp luật phải xử lý hình sự. Tình trạng thiếu sâu sát, thiếu trách nhiệm với cơ sở, với dân vẫn còn; một số cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa thể hiện tốt việc nêu gương trước đảng viên và quần chúng về tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác trong phấn đấu học tập, rèn luyện và sinh hoạt.
Những biểu hiện đó tuy chưa nghiêm trọng, nhưng phần nào đã làm giảm uy tín của Đảng, làm suy yếu tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, làm cho năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng bị giảm sút. Các thế lực thù địch sẽ lợi dụng điều này để khai thác, phá rối nội bộ từ bên trong, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng và trong xã hội, ảnh hưởng đến sức mạnh của Đảng.
Chính vì vậy, Đảng ta xác định phải kiên quyết đấu tranh “ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” là công việc cấp bách và phải được tiến hành thường xuyên trong từng tổ chức đảng, ở mỗi cán bộ, đảng viên.
Trong điều kiện hiện nay, để đạt được mục tiêu trên, theo tôi, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu sắc trong tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên và trong nhân dân về mục đích, ý nghĩa của việc thường xuyên học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xem đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, nhằm nâng cao trình độ nhận thức chính trị, bản lĩnh vững vàng, đủ sức giải đáp và tự đề kháng mọi sự cám dỗ của cuộc sống vật chất đơn thuần, không rơi vào tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, chủ nghĩa cá nhân, đạo đức giả, lối sống thực dụng. Đây cũng là cơ sở để xây dựng nền tảng đạo đức, tinh thần, văn hóa của xã hội, tạo môi trường tốt để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên và một bộ phận nhân dân hiện nay.
Hai là, Tăng cường công tác quản lý đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ. Xây dựng tiêu chuẩn các chức danh cán bộ và các tiêu chí đánh giá cán bộ, lấy hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo chủ yếu để đánh giá cán bộ. Nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, thực hiện nghiêm túc Quy định 101-QĐ/TW của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Với cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, ngoài việc phải gương mẫu còn phải trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện ở địa phương, cơ quan, đơn vị do mình phụ trách.
Ba là, thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình. Tự phê bình và phê bình cần có ý chí và quyết tâm cao, dám nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá sát đúng sự thật, không nể nang, né tránh trước những vấn đề nhạy cảm về đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên. Đây là việc làm không dễ, vì đụng chạm đến uy tín, danh dự, lòng tự trọng của cá nhân. Nhưng nếu sợ mất lòng, “dễ người, dễ ta” thì tự phê bình và phê bình sẽ không phát huy tác dụng, thậm chí mất thời gian và công sức mà không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Bốn là, thực hiện tốt cơ chế kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng, giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của Nhân dân, phản ánh của báo chí, dư luận xã hội về phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Khi phát hiện cán bộ, đảng viên vi phạm, sai phạm về đạo đức, lối sống, phải xử lý kịp thời, nghiêm minh quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Thiết nghĩ, thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản trên, sẽ giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên giữ gìn phẩm chất cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, góp phần làm trong sạch nội bộ Đảng, bộ máy nhà nước, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.